Thương anh, chị lấy làm chồng

22 năm qua, chị Lê Thị Hoa, thôn Trung Đông, xã Xuân Trung, huyện Yên Định, Thanh Hóa đã gánh trên đôi vai gầy guộc của mình một gia đình có bốn người thì có tới ba người mù lòa

Chèo chống một gia đình như vậy vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống, kể cả sự buồn chán thất vọng khi hai đứa con sinh ra không lành lặn…, chị đã khiến cho mọi người  xung quanh cảm phục và coi đó như một tấm gương.

Trong ngôi nhà nhỏ, trông khá gọn gàng, chị Lê Thị Hoa, thôn Trung Đông, xã Xuân Trung, huyện Yên Định Thanh Hóa bộc bạch: Trong một lần đi chơi, chị tình cờ quen anh Vũ Văn Dần. Thấy anh mù mà tốt người tốt tính, nhà lại hoàn cảnh nên chị đã động lòng thương. Vốn sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở huyện Cẩm Thủy, gặp người cùng cảnh ngộ lại bị mù lòa nên chị “ nghĩ thấy thương nên lấy làm chồng”. Năm 1986, anh chị làm đám cưới. Do mắt kém nên anh không thể đi “rước nàng về dinh” được, chỉ có đại diện nhà trai qua nhà gái xin dâu về. Mấy mâm cỗ mặn được bày ra để mời họ hàng hai bên, rồi chị khăn gói về nhà chồng.

Về làm dâu trưởng trong một gia đình có 9 người em nhỏ lít nhít, mọi công việc nặng nhọc trong gia đình đều đổ dồn lên đôi vai gày gò ốm yếu của chị. Gia đình anh Vũ Văn Dần lúc đó nghèo lắm, có lẽ vào diện nhất nhì của làng xã. Nhà đông người, lại nghèo nên nhiều khi chẳng lần được ra cái gì để ăn.

Hai lần nghe tin dữ

Lấy nhau được hơn 1 năm, chị đã sinh hạ cậu con trai đầu lòng Vũ Văn Tuấn. Thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, đứa con sinh ra đã 3 ngày mà vẫn không mở được mắt. Đến ngày thứ tư, mắt đứa bé mới bắt đầu hé ra dần ra. Do nhà khó khăn và neo người, nên đẻ được 1 tuần, chị phải gửi bé cho bà nội bế để đi hái ớt tiêu cho đội kiếm tiền nuôi con. Khi ở với bà nội, đứa bé khóc rất tợn. Rất lo lắng, chị đã bế con ra hè xem thì thấy con mở mắt, nhưng có màu trắng đục và không có lòng đen. Trong lòng vẫn còn nghi ngờ, chị chạy vội sang nhà hàng xóm cũng vừa mới sinh, xin bế đứa trẻ một lúc rồi xem thì mắt đứa trẻ đen nhánh.

Về nhà, chị nhanh chóng mang con ra trạm xá khám thì các bác sỹ bảo đây là trường hợp đầu tiên thấy. Đem lên bệnh viện tuyến trên, các bác sỹ kết luận, con chị bị khô giác mạc bẩm sinh. Bao nhiêu nghị lực trong chị đều tan biến hết khi thấy con mình bị mù bẩm sinh giống chồng. Đã thế, đứa trẻ lại hay ốm đau, 1 tháng mà có đến 28 lần chị phải đem con đi cấp cứu vì bị viêm phổi. Vất vả nuôi con, hai vợ chồng chị tự động viên nhau “sinh con như dứa rồi thì đành phải chịu, chứ không có cách nào khác”. Và cứ mỗi lần trạm xá có bác sỹ về, chị lại mang con ra khám và lại nhận được câu trả lời: “Trường hợp của cháu không chữa trị được”.

Nỗi lo sinh con tiếp lại bị mù như bố và anh đã khiến chị có ý nghĩ không tiếp tục đẻ con nữa. Khi nghe hàng xóm động viên sinh đứa thứ hai chắc không sao đâu, dù rất sợ nhưng rồi chị đành chiều chồng và gia đình sinh thêm một lần nữa. “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, bé Quỳnh sinh ra tuy mắt mở bình thường, nhưng một mắt lại chỉ nhìn thấy mờ mờ. Chị thất vọng bảo chồng: “Anh ơi, con nó lại…”.

Niềm vui khi con hiếu học

Buồn vì chuyện con cái sinh ra không lành lặn, nhưng chị vẫn phải gượng dậy để sống, làm việc và nuôi con. Lấy nhau được 4 năm, bố mẹ đã cho anh chị ra ở riêng, vốn liếng chẳng đáng giá bao nhiêu chỉ vẻn vẹn có 20kg thóc, 5 đấu gạo. Thế rồi, chị căng mình ra làm 2 sào ruộng do bố mẹ cho và nhận 5 sào ruộng khoán nữa để về làm thêm. Cùng lúc, chị xát 20kg thóc để chồng ở nhà nấu rượu. Quay vòng nhiều lần, anh chị mua thêm được con lợn nái để nuôi. Dần dần, kinh tế trong nhà cũng ổn định và anh chị đã xây dựng được một căn nhà nhỏ hẹp để ở, lấy chỗ cho con cái học tập.

Nhắc đến chuyện học của Tuấn, vẻ mặt chị Hoa tươi tỉnh trở lại. Chị hào hứng kể: Năm 2000, Tuấn mới bắt đầu đi học. Sau 6 tháng theo học chữ Braille (chữ nổi) ở Hội người mù tỉnh Thanh Hóa, do rất thông minh và chăm chỉ nên Tuấn đã được các thầy cô “đặc cách” cho về học lớp 2 hòa nhập cùng với những người sáng mắt. Khi về nhà, Tuấn đã xóa số 2 đi, rồi ghi số 3 vào những mong được học cùng các bạn lớp 3 luôn. Ngồi bên cạnh mẹ, Tuấn cho biết: Ngày đầu đến trường, Tuấn đã rất ngại vì cả huyện chỉ có duy nhất mình em tuy bị mù cả 2 mắt, nhưng lại được học cùng các bạn sáng mắt. Thứ hai, ở trường không có chữ nổi, nên Tuấn phải nhờ bạn bè đọc bài để chép lại.

Bạn bè giúp đưa Tuấn đến trường

Được biết, nhà trường phải áp dụng chấm điểm các bài kiểm tra, bài thi của Tuấn theo cách riêng, Tuấn làm bài rồi đọc to cho giáo viên nghe cách diễn đạt và kết quả. Như thế giáo viên mới chấm điểm được, vì thầy cô giáo không đọc được chữ nổi. Đến nay, Tuấn và Quỳnh đã học lớp 11 và năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Tuấn còn được trời ban cho sở thích tham dự các cuộc thi, hễ cứ nghe Đài thông báo phát động cuộc thi nào đó thì Tuấn lại mày mò tìm tài liệu để làm bài tham dự.

Năm 2001, Tuấn tham dự cuộc thi “Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh của chúng em” do Trung ương Đoàn tổ chức, được Trung ương Đoàn tặng giấy khen. Các cuộc thi “Tìm hiểu 60 năm nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tìm hiểu 75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tìm hiểu tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Tuấn đều tham gia và được ban tổ chức tặng bằng khen, giấy khen. Tháng 9/2005, Tuấn tham gia cuộc thi “Chữ Braille trong cuộc sống của tôi” do Hiệp hội người khuyết tật châu Á - Thái Bình Dương tổ chức. Qua vòng 1 của quốc gia, Tuấn đoạt giải nhất, bài thi của em được gửi đi tham dự quốc tế và vinh dự nhận giải nhì khu vực Đông Nam Á.

Trong phần mở đầu bài dự thi, Tuấn viết: “Cuộc đời tôi sẽ mãi mãi chìm trong bóng đêm nếu tôi không được học chữ Braille. Mỗi khi nghe tiếng trống trường và tiếng gọi nhau í ới của bạn bè đến lớp, tôi tưởng như có trăm nghìn mũi kim đâm vào lòng đau nhói...”. Cả bài thi gần 2.000 từ của Tuấn nói lên khát vọng, lòng quyết tâm của em đến với cái chữ, đã đoạt giải nhất toàn quốc, giải nhì khu vực Đông Nam Á. Tuấn tâm sự: “Khi nhận phần thưởng 500 USD, em không tin mình lại có một số tiền lớn như vậy. Cầm tiền thưởng trong tay, em nghĩ đến mái nhà lụp xụp, dột nát, bức tường loang lổ cần phải sửa chữa khi mùa mưa đang đến gần, nghĩ đến khối u trên đôi vai gầy guộc của mẹ cần phải phẫu thuật”. Ngày Tuấn nhận giải, các thầy cô giáo và bạn bè kéo đến nhà chúc mừng. Mẹ Tuấn đã khóc.

Mừng vì con học giỏi và đoạt nhiều giải quốc tế, nhưng để nuôi được hai con ăn học trong thời điểm này cũng không phải là dễ. Chị Hoa cho biết: Năm 2003, khi chồng chị vào TP. Hồ Chí Minh tẩm quất để mưu sinh thì chị cũng phải rời quê hương ra Hà Nội làm “ô sin” để kiếm thêm tiền nuôi 2 đứa ăn học. Ruộng nương lúc đó nhờ hàng xóm làm giúp và chu cấp gạo cho hai anh em Tuấn và Quỳnh. Hàng ngày, hai anh em phải tự dắt díu nhau đến trường cùng với sự giúp đỡ của rất nhiều bạn bè.

Tại thời điểm này, ngoài làm mấy sào ruộng, chị Hòa vẫn đều đặn ngày 2 buổi rong ruổi đi lượm phế liệu, đồng nát trong những lúc rảnh rỗi để kiếm tiền chi tiêu và mua sách vở cho anh em Tuấn đi học. Cũng may là, từ 3 tháng trở lại đây, anh Dần chồng chị kiếm được việc làm ổn định ở Hội người mù tỉnh Thanh Hóa với mức lương 1,5 – 1,7 triệu đồng, nên chị cũng đỡ vất vả hơn. Thỉnh thoảng, gia đình lại được tụ họp đông đủ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên