Nhạc trưởng Lê Phi Phi khóc nghẹn nói lời tiễn biệt bố Hoàng Vân
VOV.VN - Nhạc trưởng Lê Phi Phi nghẹn ngào khi nói những lời vĩnh biệt bố - nhạc sĩ Hoàng Vân trong lễ viếng vào sáng nay (8/2) tại Hà Nội.
Tang lễ của nhạc sĩ Hoàng Vân được diễn ra vào sáng ngày 8/2 (tức ngày 23 tháng Chạp năm Đinh Dậu) tại Nhà tang lễ Quốc gia (Hà Nội). Nhạc sĩ Hoàng Vân đã qua đời vào sáng 4/2 tại nhà riêng ở Hà Nội, ông hưởng thọ 88 tuổi.
Điếu văn đọc tại lễ tang ông có đoạn: "Từ nay, ngôi nhà gắn bó với ông cả cuộc đời - 14 Hàng Thùng sẽ mãi vắng bóng ông! Những con phố cổ của Hà Nội sẽ nhớ lắm những bước đi chậm rãi của người nhạc sĩ thân thương. Những hàng quán quanh nhà, quán nước vỉa hè, café phố cổ… nơi ông thường ngồi với vợ, con trai - nhạc trưởng Lê Phi Phi, con gái Lê Y Linh sẽ nhớ ông biết bao".
Lễ viếng nhạc sĩ Hoàng Vân diễn ra vào sáng nay (8/2). |
Nhạc trưởng Lê Phi Phi nhiều lần khóc nghẹn khi nói về người cha thân thương của mình: “Con biết, rất nhiều người trên đất nước Việt Nam đều thương tiếc trước sự ra đi của bố. Con chỉ muốn nói với bố rằng, rồi chúng mình sẽ gặp nhau, lại tiếp tục đi uống café, đi chơi phố cổ, bàn luận về âm nhạc… Con sẽ tiếp tục nghe những lời khuyên, những lời chỉ trích của bố sau mỗi lần con diễn và còn rất nhiều những điều khác.
Bố thấy không, mọi người rất yêu bố, những gì bố để lại, tác phẩm và nhân cách con người bố sẽ sống mãi trong nền văn hóa và âm nhạc của Việt Nam. Đây là lời cầu xin của con với bố và mẹ. Nếu được sinh ra lần nữa, con không muốn làm nhạc trưởng, con không muốn ra nước ngoài dù đó là niềm tự hào của gia đình. Con chỉ muốn được ở nhà để chăm sóc bố mẹ nhiều hơn. Bố và mẹ hãy tha tội cho con. Tạm biệt bố, rồi bố con mình sẽ gặp nhau”.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi. |
Sự ra đi của nhạc sĩ Hoàng Vân để lại niềm thương tiếc khôn nguôi với biết bao thế hệ người yêu nhạc Việt Nam, cũng để lại một khoảng trống không thể bù đắp trong kho tàng âm nhạc.
Với số lượng lớn các tác phẩm thể loại nhạc cách mạng, Hoàng Vân để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng các ca sĩ dòng nhạc thính phòng nhiều thế hệ. Với Việt Hoàn, “những ca khúc của chú Hoàng Vân luôn là những thước đo về tâm hồn cho các nghệ sĩ thể hiện bởi sự nhân văn và trí tuệ trong từng nốt nhạc, ca từ”. Ca sĩ Đăng Dương tiếc thương ghi trong sổ tang: “Vĩnh biệt bác – nhạc sĩ Hoàng Vân, một tổn thất vô cùng to lớn với nền âm nhạc Việt Nam. Những tác phẩm kinh điển của âm nhạc Việt Nam do bác sáng tác sẽ còn vang mãi mai sau”.
Với những thế hệ học trò của nhạc sĩ Hoàng Vân như Phú Quang, Trương Ngọc Ninh… họ sẽ mãi không thể quên được những kỷ niệm với người thầy của mình.
Nhạc sĩ Phú Quang. |
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh chia sẻ: “Trên cương vị là một người thầy, nhạc sĩ Hoàng Vân đã dạy cho chúng tôi rất nhiều điều, không chỉ là chuyên môn mà còn là đạo làm người. Bản thân thầy là một người nề nếp, đạo đức và nghiêm túc. Tôi từng đi sáng tác với thầy nhiều lần. Hồi đó còn trẻ, tôi và các học trò hay tếu táo, đùa giỡn nhau nhưng trước mặt thầy lại rất nghiêm túc. Nhờ sự nghiêm khắc của thầy mà nhiều học trò đã thành danh như An Thuyên, Phú Quang…”.
Nhạc sĩ Phú Quang cũng nghẹn ngào: “Người thầy mà em kính trọng nhất về tài năng và nhân cách đã ra đi. Mong thầy bình yên trong cõi cực lạc”.
Người đồng trang lứa với nhạc sĩ Hoàng Vân, nhạc sĩ Phạm Tuyên xúc động viết trong sổ tang: “Những tác phẩm mà chúng ta cùng viết trong những chuyến đi suốt chiều dài đất nước sẽ còn sống mãi với thời gian và ký ức của gia đình chúng ta. Thương tiếc người bạn thân của tôi”.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên. |
Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ. Ông sinh ngày 24/7/1930 tại Hà Nội trong một gia đình Nho học, cha và ông nội đều là nhà nho. Năm 16 tuổi ông gia nhập Đội thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục Hà Nội rồi làm phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Sau đó ông tham gia Đội Tuyên truyền vũ trang, làm báo chí và công tác địch vận của trung đoàn, sư đoàn và phụ trách văn nghệ ở Sư đoàn 312.
Sau 1954, hòa bình lập lại, ông được gửi đi tu nghiệp tại Nhạc viện Bắc Kinh, Trung Quốc. Khi về nước, ông chỉ huy dàn nhạc đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm chỉ đạo nghệ thuật, đồng thời tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội cho đến năm 1989. Từ năm 1963 đến năm 1989, ông là uỷ viên Ban Chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam, là trưởng ban sáng tác thanh nhạc và công tác tại Hội cho đến năm 1996. Năm 1975, ông đi thực tập một thời gian tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria.
Hoàng Vân bắt đầu sáng tác từ năm 1951 với những ca khúc được phổ biến rộng rãi tại vùng Tây Bắc, Việt Bắc như "Chiến thắng Hoà Bình", "Tin chiến thắng", "Chiến thắng Tây Bắc"... Năm 1954, ông sáng tác ca khúc nổi tiếng "Hò kéo pháo". Từ đây sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu nở rộ với hàng loạt ca khúc, hợp xướng, hòa tấu. Ngoài ra ông còn viết nhạc cho phim, kịch nói, chèo, cải lương.
Vợ và hai con bên linh cữu nhạc sĩ Hoàng Vân. |
Những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Vân như: "Hò kéo pháo", "Tôi là người thợ lò", "Hà Nội - Huế - Sài Gòn", "Quảng Bình quê ta ơi", "Người chiến sĩ ấy”, "Bài ca xây dựng", "Tình yêu của đất và nước", "Hát về cây lúa hôm nay", "Bài ca tình bạn", "Tình ca Tây Nguyên"... Ngoài ra ông còn viết các ca khúc thiếu nhi như: "Ca ngợi Tổ quốc", "Mùa hoa phượng nở", "Em yêu trường em", "Con chim vành khuyên", "Bảy sắc cầu vồng", "Đường lên đỉnh Olympia"…
Ngoài sáng tác, ông còn có sở thích viết thư pháp, chơi đồ cổ và đọc sách. Nhạc sĩ Hoàng Vân còn tham gia công tác giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội. Học trò ông nhiều người đã thành danh như: An Thuyên, Trương Ngọc Ninh, Văn Thành Nho, Phú Quang...
Ông được trao Giải thường Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000./.