Cần có ưu đãi để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều đoàn làm phim quốc tế
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội cho rằng việc đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các đoàn làm phim quốc tế sẽ giúp quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, chuyển tải được những giá trị nhân văn cao đẹp, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Chiều nay (25/5), tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, điện ảnh vừa là ngành văn hóa, nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế trong các ngành công nghiệp văn hóa, do đó rất cần có các cơ chế, chính sách góp phần thúc đẩy phát triển điện ảnh Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, tiên tiến, hiện đại và hội nhập quốc tế. Vì vậy, dự thảo Luật được sửa đổi, chỉnh lý theo hướng kế thừa hợp lý một số chính sách của Luật hiện hành, quy định rõ hơn cơ chế, chính sách, trách nhiệm của nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân; sửa đổi, bổ sung, chuyển một số nội dung về phát triển công nghiệp điện ảnh; sắp xếp lại theo nhóm chính sách Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ; chỉnh lý quy định rõ hơn về chính sách phát triển nguồn nhân lực.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Long cho rằng, cần có chính sách ưu đãi để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều đoàn làm phim quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, điện ảnh là một lĩnh vực nghệ thuật, thường gọi là nghệ thuật thứ 7, là hoạt động sự nghiệp đồng thời cũng là hoạt động sáng tạo có tính đặc thù cao. Dự thảo Luật lần này đã tạo được môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường điện ảnh và công nghiệp điện ảnh, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam.
Cho ý kiến về quy định cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh thống nhất phương án 2 quy định yêu cầu kịch bản phim bằng tiếng Việt.
Đại biểu lý giải việc thu hút các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam quay phim hoặc hợp tác sản xuất phim là rất cần thiết, điều này sẽ tạo điều kiện cho giới chuyên môn được tiếp cận nhiều hơn với môi trường làm việc phim chuyên nghiệp để học tập kinh nghiệm, nhất là những sự tiến bộ và thay đổi không ngừng của điện ảnh. Qua đó, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, chuyển tải được những giá trị nhân văn cao đẹp, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên kịch bản tóm tắt chưa thể hiện hết nội dung phim. Việc thẩm định kịch bản phim với nội dung đầy đủ mới đảm bảo các yêu cầu chính trị, quốc phòng và an ninh. Đây cũng là kinh nghiệm của một số quốc gia trong thẩm định kịch bản phim.
Đại biểu cũng cho rằng, để thu hút các tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam, các chính sách về ưu đãi, thủ tục minh bạch, thuận lợi, nhanh chóng cũng là những yếu tố rất cần quan tâm để Việt Nam và điện ảnh Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn của nhiều đoàn làm phim quốc tế nhưng vẫn đảm bảo những vấn đề về an ninh, chính trị. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho ý kiến về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển Điện ảnh.
Cần quy định kịch bản phim có sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt
Cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo Luật, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đoàn đại biểu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quan tâm đến nội dung liên quan đến cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đại biểu Huỳnh Thị Phúc bày tỏ ủng hộ phương án quy định yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt để bảo đảm chặt chẽ và thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Còn theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.HCM, điện ảnh vừa là ngành hoạt động văn hóa, song cũng vừa là ngành kinh tế, sáng tạo ra các sản phẩm kép về vật chất, tinh thần. Điện ảnh có thể tạo ra giá trị vật chất rất lớn, đáp ứng nhu cầu giải trí, nghệ thuật. Trong điều kiện hội nhập, nhu cầu về điện ảnh ngày càng tăng cao. Hiện nay chỉ với một cú nhấp chuột thì điện ảnh nước ngoài đã có thể đến tận bàn học của con em chúng ta. Các quốc gia sử dụng điện ảnh thể thâm nhập các thị trường nước ngoài, nhằm quảng bá văn hóa, xuất khẩu văn hóa, cạnh tranh với chính các nước sở tại không chỉ qua hoạt động bán phim mà còn thu về cả quảng cáo. Có một số quốc gia còn hỗ trợ, tài trợ nền điện ảnh trong công cuộc xâm chiếm các thị trường quốc tế, thậm chí phục vụ mục đích về chính trị và chủ quyền lãnh thổ.
Việc nhập khẩu văn hóa phẩm nói chung và điện ảnh nói riêng có những tác động khác nhau. Trong đó có những tác hại trước mắt có thể phát hiện, cấm đoán, nhưng cũng có những tác hại lâu dài như bắt chước thị hiếu, thời trang, khiến một bộ phận có nhu cầu sản phẩm văn hóa nước ngoài mạnh mẽ hơn trong nước. Nước ngoài khếch trương văn hóa, đồng thời có thể đẩy lùi chính sản phẩm văn hóa Việt Nam trên sân nhà.
“Chúng ta có thể có rào cản về mặt kỹ thuật để bảo vệ nền kinh tế, tuy nhiên trong lĩnh vực văn hóa hiện vẫn đang thiếu những biện pháp này. Việc mở cửa với các sản phẩm văn hóa phải khác, không thể dễ dãi hơn so với các sản phẩm khác. Do đó, luật phải thúc đẩy nền điện ảnh quốc gia, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, bảo hộ hợp lý, hợp lệ để ngành kinh tế sáng tạo này của Việt Nam có thể hội nhập, cạnh tranh lành mạnh, ngăn chặn kịp thời những nội dung trái với thuần phong, mỹ tục, trái pháp luật, vi phạm chủ quyền Việt Nam. Như vậy cần kiểm soát bình đẳng cả trong nước và nước ngoài. Khâu tiền kiểm và hậu kiểm phải thực hiện nghiêm. Hàng tốt có lợi, hàng xấu có hại, cái hại với tâm hồn đáng sợ không kém so với thế giới vật chất. Điện ảnh Việt Nam phải làm sao cho lớp trẻ tiếp thu được những cái tốt, tự loại từ cái xấu”./.