Triển lãm lần 5 nhóm Hiện thực: Những ẩn dụ của hội họa hiện thực
VOV.VN - "Người xem có thể so sánh, quy chiếu hai phong cách để tìm ra quá trình tiếp biến của hiện thực".
Triển lãm Hiện thực +, trưng bày các tác phẩm hội họa của 11 họa sỹ thuộc trường phái hiện thực và siêu hiện thực của mỹ thuật đương đại được tổ chức từ 23 -29/11/2023, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Đây là cuộc triển lãm nhóm lần thứ 5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 9 năm thành lập nhóm.
Triển lãm Hiện thực + giới thiệu tới công chúng gần 50 tác phẩm của các họa sỹ nhóm Hiện thực gồm: Phạm Bình Chương, Nguyễn Toán, Lê Thế Anh, Nguyễn Văn Bảy, Đoàn Văn Tới, Lưu Tuyền, Lê Cù Thuần, Vũ Ngọc Vĩnh; và cũng mời các họa sỹ có lối vẽ hiện thực hoặc siêu thực cùng tham gia như Trịnh Lữ, Hồ Hưng, Nguyễn Văn Chung. “Người xem có thể so sánh, quy chiếu hai phong cách để tìm ra quá trình tiếp biến của hiện thực.”
Tại triển lãm, họa sĩ Lê Cù Thuần có 5 bức tranh sơn dầu đề tài sinh hoạt của người dân miền núi phía Bắc với lối vẽ cổ điển. Người Tuyên Quang, nên vẽ con người, quê hương là máu thịt với anh.
Nói như họa sĩ Phạm Bình Chương, Lê Cù Thuần “âm thầm khắc họa chân dung người miền núi đầy chân thành. Lần này, các tác phẩm của Lê Cù Thuần có thiên hướng mơ màng, buông lơi hơn với nguồn sáng kỳ ảo không xác định.”
“Tôi có một lợi thế nho nhỏ là sống ở miền núi nên đề tài gần gũi. Đời sống bà con sinh hoạt xung quanh mình gần gũi như thế sẽ thuận lợi hơn một chút so với khi tôi vẽ về nó mà sống ở Thủ đô” - Lê Cù Thuần cho biết.
Nhìn lại chặng đường 9 năm thành lập nhóm, họa sĩ Nguyễn Văn Bảy cho rằng, việc tham gia nhóm rất có ý nghĩa khi được học hỏi các họa sĩ khác về phong cách làm việc, về kỹ thuật hội họa. Xuất thân học sơn mài tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp, tự thân tìm tòi học hỏi chuyển hướng vẽ sơn dầu, Nguyễn Văn Bảy cho biết cách dùng màu của anh chịu ảnh hưởng nhiều của họa sĩ Vũ Ngọc Vĩnh.
Tại triển làm lần này, trong 3 bức tranh, có một bức Nguyễn Văn Bảy tự họa: "Có nhiều cách vẽ chân dung, nhưng với tranh của mình, tôi muốn người xem nhận thấy đây không phải là vẽ - ẢNH chân dung, mà muốn truyền đạt nội tâm của chính mình lúc đó. Khi nhìn vào tranh, chắc mọi người sẽ có một chút liên tưởng ra tâm trạng của họa sĩ lúc đấy. Nên thường tôi dùng màu hơi trầm, màu tối."
Họa sỹ Phạm Bình Chương chia sẻ, điều đáng mừng trong triển lãm lần này, là các hoạ sỹ trong nhóm Hiện thực đều cho thấy sự vững vàng và chín chắn hơn trong các tác phẩm của mình: “Họa sỹ Nguyễn Toán, từng đoạt giải Best of the show 2023 của tạp chí Watercolor Artist - Mỹ (năm 2022) với tác phẩm Vô thường, nay tiếp tục chắt lọc về hình, màu và ý tứ. Tư tưởng trong tranh Toán được thể hiện rõ, thuyết phục hơn. Họa sỹ Đoàn Văn Tới tiếp tục khai thác đề tài Phật pháp, song hình thức lại tươi trẻ, dễ xem hơn trước. Anh dùng thủ pháp vẽ lụa kết hợp cắt dán, thêu với bảng màu tươi sáng…
Họa sỹ Lưu Tuyền đã đi ra khỏi thế giới "vỏ bọc của nội tâm" để đến "Thiên đường hoàn hảo", mà ở đó mọi sự tốt xấu, cao thấp, sang hèn, đều được hòa quyện cùng nhau. Bộ tranh về bề mặt nứt vỡ của đồ gốm cổ của anh rực rỡ và dày dặn hơn như khẳng định sự hiểu rõ cái tính "hiển nhiên" của sự sống. Họa sỹ Vũ Ngọc Vĩnh lại đi tìm cái tĩnh tại sau giai đoạn vẽ biểu hiện. Hình tượng người phụ nữ với tâm trạng đầy lo âu và cô đơn nay đã tự tin và duyên dáng hơn. Có lẽ, anh đã tìm được câu trả lời của mình về thân phận người phụ nữ hiện đại.”
Thường tham gia triển lãm với seri các tranh trẻ em miền núi với “đôi mắt trong, má ửng đỏ, tạo sự sống động qua bảng màu tươi và sắc độ tương phản cao”, ở lần triển lãm này qua 6 bức tranh, họa sĩ Lê Thế Anh đã thể hiện những thay đổi rõ rệt dù vẫn đề tài đó, vẫn tập trung vào điểm mạnh vẽ chân dung.
Lê Thế Anh chia sẻ: trong kỹ thuật vẽ sơn dầu, mỗi giai đoạn người họa sĩ đều phải hoàn thiện một kỹ năng nào đó, thì lần này với anh là sự thay đổi bảng màu: "Mọi người nhận xét bảng màu của tôi đã trầm hơn trước, hòa sắc không còn đối lập. Bố cục tranh cũng cận hơn, tôi không đặt nặng vào diễn tả không gian. Và cũng khác các họa sĩ hiện thực khác trong nhóm, có những người vẽ không gian, có xa gần, nhưng tôi khai thác không gian ẩn dụ nhiều hơn. Không phải không gian hiện thực, vì thế không gian rất hẹp. Kể cả màu của núi, của trời cũng không phải hiện thực mà là màu của ẩn dụ, của sự tượng trưng để lột tả tâm lý nhân vật tôi muốn diễn tả.”
Vẫn những góc phố Hà Nội, những màu sắc Hà Nội qua mắt người họa sĩ hiện thực tài hoa Phạm Bình Chương, nhưng, như anh chia sẻ, những bức tranh hiện tại của anh “tập trung vào những góc hẹp hơn trước, như muốn quan sát từng giây sự đổi thay của cuộc sống.”
Trong khuôn khổ Triển lãm, sáng 25/11, tại không gian trưng bày triển lãm Hiện thực + diễn ra chương trình Art talk "Tại sao vẽ hiện thực" với hai diễn giả họa sỹ Trịnh Lữ và họa sỹ Phạm Bình Chương. Các họa sỹ sẽ trò chuyện những câu chuyện liên quan đến chủ đề vẽ tranh hiện thực và lý do lựa chọn trường phái hiện thực trong các tác phẩm của mình.
Vâng, và trước đó, trả lời câu hỏi: Có phải vì không vẽ được các lối vẽ khác mà chọn lựa hiện thực? Hãy nghe họa sĩ Lê Cù Thuần: “Với trường hợp của Lưu Tuyền chẳng hạn. Bạn ấy có thể vẽ trừu tượng, vẽ siêu thực, nhưng bạn ấy chọn hiện thực. Nó đúng là cái tạng. Có thể sau này thì chưa rõ, nhưng hiện tại đó là cái phù hợp nhất."
Hoặc như họa sĩ Lê Thế Anh, người đồng thời cũng giảng dạy mỹ thuật nhiều năm qua tại Đại học Sân khấu điện ảnh, khẳng định: “Trước đây chúng ta có rất nhiều tranh cãi về thế nào là hiện thực và vẽ thế nào mới là hiện thực, thế nào thì không nệ thực. Câu hỏi đó luôn đau đáu với người sáng tác. Bây giờ giới trẻ cũng nhiều người nói rằng, bây giờ vẽ hiện thực như thế thì cần gì phải vẽ, khi đã có máy ảnh làm công việc đó?
Tôi nghĩ ngôn ngữ giữa hội họa và nhiếp ảnh vẫn có sự khác nhau. Việc vẽ hiện thực, trừu tượng hay bất cứ trường phái nào không quan trọng bằng việc trong quá trình vẽ, người họa sĩ tìm ra cảm xúc thật của mình trong đó và người họa sĩ cảm thấy hạnh phúc khi được vẽ, được sáng tác. Đấy mới là tiêu chí quan trọng.
Bạn vẽ phong cách gì không quan trọng bằng việc bạn cảm thấy hạnh phúc khi vẽ. Và bạn tìm được hạnh phúc đấy nhưng cũng làm chạm tới được người xem. Và khi đứng trước bức tranh đó, người xem cũng cảm thấy rung động, thì đó là thành công của tác phẩm cũng như của hội họa.”
Một số tác phẩm tại triển lãm: