Một nửa mái nhà

VOV.VN - Ý một câu nói của ai đó rằng “Nếu dãy Trường Sơn là nóc nhà thì Lào và Việt Nam chính là hai mái nhà...”. Xin mượn ý ấy để đặt cho nhan đề bài viết này.

Trong đời những người lính tình nguyện chúng tôi, vùng đất phía tây Trường Sơn kia luôn là điều gì đó có sức thu hút đến kỳ lạ, đôi khi không thể giải thích nổi một cách rõ ràng. Không chỉ bản thân tôi, bạn bè đồng đội cùng thế hệ với tôi mà ngay cả với các bác, các anh thuộc thế hệ trước, lớp lính tình nguyện thời chống Pháp, nhập ngũ khi chúng tôi còn chưa ra đời hay sau chúng tôi, lớp lính tình nguyện thời kỳ 76 – 84...mỗi khi nghe nói về đất nước Lào, thảy đều xốn xang xúc cảm. Ở đấy, chúng tôi đã có những năm tháng gian khó, hy sinh, vinh quang và cay đắng, chiến thắng và thất bại, vui và buồn, mảnh đất chúng tôi đã để lại tuổi thanh xuân của mình, mảnh đất đầy ắp tình cảm của những ông bố, bà mẹ Lào, bạn bè Lào, các chị, các em gái Lào trao cho những chàng trai Việt xa nhà như chúng tôi. Do hoàn cảnh lịch sử, vị trí địa lý mà vô hình chung, giữa hai nước đã hình thành nên mối quan hệ bền chặt từ bao đời nay. Bởi thế, chỉ tính từ những thập niên 1940 của thế kỷ trước đến nay đã hình thành (theo cách suy nghĩ của cá nhân tôi) đến ba thế hệ lính tình nguyện Việt Nam sang giúp bạn. 

Nước Lào vốn nghèo và vẫn còn nghèo, hẳn rồi! Họ chỉ có “TÌNH” cho chúng tôi! Không phải vô cớ mà Tổng Bí thư – Chủ tịch nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith trong buổi tiếp đoàn đại biểu Ban liên lạc toàn quốc cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tại Viêng Chăn vừa qua đã nói với thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, trưởng đoàn: “Quan hệ đặc biệt vĩ đại Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam xuất phát từ 4 chữ TÌNH!”; Tình đồng chí, cùng chung lý tưởng cộng sản; Tình anh em, cùng chung một cha mẹ là Đảng Cộng sản Đông Dương; Tình bạn, là những người bạn thân thiết, vui buồn có nhau; Tình đoàn kết đặc biệt, keo sơn gắn bó, thủy chung son sắt...

Là thành viên trong đoàn, cũng là một người lính tình nguyện không còn trẻ, tôi cảm nhận được những gì mà các Bạn Lào dành cho chúng tôi sau hơn 2 năm cơn bão Covid-19 quét qua một cách tàn bạo. Nói vui, đây cũng là một đoàn đại biểu “đặc biệt” bởi có những điều đặc biệt:

Thứ nhất, nhiều người nhất! Các bạn Lào đón chúng tôi vừa nói, vừa cười rằng: sao mà cái đoàn này “nó” nhiều người quá!? 70 người!!! Ngay cả trên thế giới cũng hiếm khi xuất hiện một “đoàn đại biểu” tầm cỡ cả đại đội như vậy!

Thứ hai, già nhất! Trưởng đoàn, thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, trưởng Ban Liên lạc toàn quốc cựu quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào năm nay bước sang tuổi 104! Mấy cụ trên 90, trên chục cụ ngoài 80, số 70, dưới 70 chỉ đếm trên đầu ngón tay!!!

Thứ ba, được tất cả các vị lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước đón tiếp, gặp gỡ! Người ta vẫn nói: một quốc gia có “tứ trụ triều đình”; Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng...Đoàn chúng tôi thì còn được thêm cả phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào, đại tướng Chansamon Chanyalath đón tiếp nữa!!!

Thứ tư, thân tình nhất, chu đáo nhất! Khi chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Vattay trên chiếc Airbus của hàng không Lào vốn đã hạ giá vé xuống hết cỡ có thể để thể hiện lòng ưu ái, sự biết ơn của thế hệ sau với các cụ thạ hản cẩu koong thắp a xa xả mắc (cựu chiến binh bộ đội tình nguyện) vào lúc chiều muộn thì lãnh đạo cao cấp Hiệp hội CCB quốc gia Lào cùng các cán bộ liên quan đã có mặt chờ sẵn. Họ tay bắt mặt mừng như gặp lại người thân, hỏi han sức khỏe, giúp làm thủ tục nhập cảnh nhanh nhất để đưa đoàn về khách sạn. Ở Lào, quân đội và công an có chung một tổ chức của những người đã nghỉ nên mới gọi là Hiệp hội CCB. Trong tất cả những buổi tiếp xúc với đoàn, các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, nhà nước, quân đội Lào đều hết sức vui vẻ, thoải mái, thân tình trò chuyện như những người ruột thịt cùng gia đình, bỏ qua những nghi lễ ngoại giao thường thấy.

Hình ảnh thủ tướng Lào Phankham Viphavanh ôm chầm lấy vị tướng già Huỳnh Đắc Hương rồi cười ha hả trong khi trò chuyện khiến người ta liên tưởng đến cuộc gặp của một người con với cha, một người cháu với ông trong gia đình hơn là người lãnh đạo chính phủ một quốc gia với một người lính. Thái độ thoải mái , thân mật của ông khiến tôi nhớ lại vào dịp cũng gần tết cách đây một năm, chúng tôi gặp ông ở Đại sứ quán Lào tại Hà Nội, sau một hồi trò chuyện sôi nổi và vô cùng vui vẻ, ông đứng lên lục lọi những túi quần, túi áo trên người, lôi ra một mớ tiền cả chẵn lẫn lẻ. Rồi...thật bất ngờ, ông dúi số tiền ấy vào tay cụ Hương:

- Cụ cầm lấy, mua bánh chưng cho anh em!!!

Những người chứng kiến đều cười ồ lên trước cử chỉ gần gũi, tự nhiên của Thủ tướng. Cũng từ đó, không khí trở nên thoải mái hẳn. Riêng tôi, số tiền Thủ tướng cho được sử dụng “đúng chỉ đạo”: mua bánh chưng Tết!

Không chỉ những vị đương chức mà ngay cả nguyên lãnh đạo, gia đình các cố lãnh đạo Đảng, nhà nước Lào cũng vậy. Cho dù thời gian không nhiều, chúng tôi cũng cố gắng thu xếp để đến thăm gia đình cố Tổng bí thư Cayson Phomvihane, cố Chủ tịch Souphanouvong, cố Chủ tich Quốc hội Saman Vinhaket, Cố Đại tướng Sisavath Keobounphanh, nguyên Tổng bí thư - Chủ tịch nước  Choummaly Sayasone, Bounnhang Vorachith…Ở đâu cũng vậy, chúng tôi như trở về gặp lại những người thân của mình. 

Tôi cũng còn nhớ một kỷ niệm nho nhỏ với gia đình Cố đại tướng Sisavath Keobounphanh. Số là năm 1971, chuẩn bị cho chiến dịch phản công mùa khô, những người lính công binh chúng tôi nhận nhiệm vụ kiến thiết sở chỉ huy cơ bản của Bộ tư lệnh Mặt trận tại Phu Nhuôn (Xiêng Khoảng). Bác Sisavath khi đó là đại diện Quân giải phóng nhân dân Lào bên cạnh Bộ tư lệnh Mặt trận, ông mang theo cả cô con gái nhỏ chừng chín mười tuổi. Cô bé gầy, có mái tóc cắt ngang vai, đôi mắt đen, to và sáng. Cháu thường hay tha thẩn ra cửa hang chơi, xem các chú công binh cắt cây, xẻ ván, làm đường nội bộ và…học tiếng Việt! Một lần cô bé hỏi:

- Chú ơi! Cho quả ớt vào lửa thì tiếng Việt gọi là gì!?

Chúng tôi trêu:

- Thui!

Nó vênh cái mặt có lọn tóc đuôi gà buộc bằng sợi len đỏ lên:

- Không phải “thui”! Thui con trâu, con bò to, quả ớt bé, không phải thui!...

Cô bé ấy bây giờ đã là một nhà khoa học có uy tín.

Theo kế hoạch đã định, sau một số hoạt động chung tại Viêng Chăn, đoàn chia thành 4 đoàn nhỏ, một đi Luông Nậm Thà (Bắc Lào), một tiếp tục tại Viêng Chăn, một đi Nam Lào, một đi Xiêng Khoảng. Mỗi đoàn nhỏ đều gồm các CCB đã từng hoạt động, quen thuộc với địa bàn ấy. Các đoàn đi địa phương cũng mang về những tin tức tốt lành, vui vẻ và cảm động. Ở đâu chúng tôi cũng được đón tiếp trọng thị, chân tình, chu đáo đến từng chi tiết nhỏ nhất mặc dù Bạn đang gặp không ít khó khăn về kinh tế, đời sống xã hội do dịch Covid-19 và nhiều nguyên nhân khác. 

Có 2 nơi không thể bỏ qua mỗi lần đến Viêng (Viêng Chăn, theo cách nói tắt của người Lào): Đó là Đại sứ quán Việt Nam và Nghĩa trang Liệt sỹ bản Cơn. Đại sứ Nguyễn Bá Hùng từng là một người lính và rất am hiểu về tình hình, bằng lối trình bày cô đọng, khúc chiết ông đã "vẽ" nên cho chúng tôi một bức tranh toàn cảnh đầy đủ sắc màu sáng tối khái quát nhất về tình hình của Bạn. Không chỉ thế, ông còn có những gợi ý hoạt động đóng góp vào mối quan hệ đặc biệt vĩ đại Việt - Lào rất thiết thực, ý nghĩa cho chúng tôi và tổ chức Ban liên lạc Quân tình nguyện. 

Nghĩa trang bản Cơn cách thủ đô Viêng Chăn chừng 70 km không phải là một nghĩa trang lớn, ở đây chỉ thờ có 15 liệt sỹ (11 Việt, 2 Lào, 2 Nhật) hy sinh trong trận đánh đồn Pháp tại bản Cơn từ những năm 1948. Nghĩa trang được các CCB cùng đơn vị vận động quyên góp và xây dựng để vinh danh những chiến sỹ quốc tế đã hy sinh vì độc lập tự do của đất nước Triệu Voi từ những ngày đầu khó khăn, cách mạng đang còn trứng nước. Chính quyền địa phương huyện Tulakhom thậm chí đã di dời cả một trường trung học cơ sở sang địa điểm bên cạnh để nghĩa trang được tọa lạc chính trên nền đồn binh Pháp ngày xưa. Phía trước, ẩn hiện sau những tán cây rừng, cái tháp nước hoen rỉ thời ấy vẫn còn như chứng nhân câm lặng của một thời loạn lạc.

Có một thú vị khi đoàn chúng tôi đến thăm Trường lý luận chính trị QĐND Lào. Nghe cái tên, tôi đã chuẩn bị cho mình một tâm thế để nghe những bài phát biểu dài dằng dặc đầy tính hàn lâm, kinh viện từ phía chủ nhà và khách! Sau màn chào hỏi, mọi người vào hội trường. Rồi an tọa, rồi giới thiệu, rồi... khi tôi cho rằng chắc sẽ đến màn đọc diễn văn thì chủ nhà… mang rượu và đồ nhắm ra!!! Sau đó, đương nhiên là uống rượu! Là chúc tụng, là hát và, cũng đương nhiên, không thể thiếu là… Lăm Vông! Không khí nhanh chóng “nóng’ lên, vui vẻ, ồn ào khi một dàn các cháu gái trẻ trung, xinh xắn như những bông hoa rừng tươi mát mặc quân phục, nhưng bước nhảy rất điêu luyện trên nền nhạc truyền thống cúi đầu một cách duyên dáng mời các bác, các ông bước vào vòng múa. Nhìn những mái đầu xanh uyển chuyển theo nhịp nhạc bên những mái đầu bạc không hiểu sao tôi có một cảm giác an lành, thư thái...mọi xô bồ, lo toan cuộc sống thường nhật như đang ở đâu đó tít ngoài quốc lộ 13 kia. Cái Học Viện Chính trị tương lai này khiến chúng tôi bất ngờ quá!

5 ngày đêm trôi qua nhanh như một giấc mơ đẹp, một giấc mơ có thật! Rồi thì cũng đến lúc chúng tôi tạm biệt viêng Chăn, tạm biệt đất nước Lào để trở về. Cái cảm giác hụt hẫng, buồn buồn mỗi khi chia tay người thân lại ùa đến. Cũng chỉ đến lúc đó, chúng tôi mới thu xếp được chút thời gian ít ỏi để đi ra Patuxai (Khải Hoàn môn Viêng Chăn) chụp vài kiểu ảnh kỷ niệm, tạt vô Talatsao (Chợ sáng) mua chút đồ kỷ niệm. Viêng Chăn đã nhiều thay đổi, nhiều nhà cao tầng hơn, nhiều ô tô hơn, nhiều người ăn mặc đẹp hơn, nhiều trung tâm mua sắm giải trí hơn, rực rỡ hơn...song cũng bụi hơn, tắc đường hơn, ồn ào hơn...Và thật lòng, tôi vẫn nhớ một Viêng Chăn thanh bình, yên ả, êm đềm bên dòng Mekong như một làng quê sau 8 giờ tối cách đây hai mươi năm trước. Nhưng...cuộc sống mà, cái gì cũng có giá của nó. 

Vẫn chưa hết ngạc nhiên, chẳng là Bạn có cho mỗi thành viên trong đoàn một chút quà, trong đó có một lọ mật ong nhỏ chừng 150ml, nhưng theo quy định của ngành hàng không, thì lại nằm trong nhóm hàng cấm mang theo tàu bay. Và họ thu lại. Cũng không ai kêu ca gì, quy định là quy định, an toàn bay phải được đặt lên hàng đầu, chúng tôi hiểu điều đó. Rồi không hiểu bằng con đường nào, tin ấy đến tai lãnh đạo cao cấp Lào, một cuộc điện thoại đến hải quan cửa khẩu sân bay Vattay, họ trả lại tất cả và cho phép chúng tôi mang lên tàu bay...Thật ra thì giá trị món đồ là rất nhỏ và hải quan Bạn không làm sai nhưng sự “ngoại lệ” có phần đặc biệt này chứng minh tấm lòng, sự chu đáo, nâng niu từng chi tiết nhỏ nhất của Bạn với những người lính tình nguyện chúng tôi. Nhưng cử chỉ như thế khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp trong lòng, thấy thêm yêu mến đất nước, con người vùng đất mà chúng tôi (và chúng ta) đã cùng bạn giải phóng, gìn giữ...

Viêng Chăn đã ở lại dưới cánh bay, nhìn những mái đầu bạc trắng, những khuôn mặt giãi dầu chinh chiến của các cụ, các bác, các anh đồng đôi cùng chiến hào một thời...có phần mệt mỏi nhưng vui tươi vì một chuyến đi viên mãn, trong tôi trào lên một cảm xúc vui buồn khó tả. Đối với nhiều người có mặt trong khoang hành khách chuyến bay này, đây có thể là chuyến đi thăm đất nước Lào cuối cùng, bởi ít nhất 5 năm nữa mới đến một dịp tương tự...Nhưng thôi, suy nghĩ nhiều làm gì, được sống đến hôm nay, được hưởng nhưng giây phút như vừa qua, với chúng tôi, đã là một niềm hạnh phúc!

Xin bày tỏ lòng biết ơn với tất cả những người đã trực hay gián tiếp góp phần làm nên thành công chuyến đi này, những đồng đội đã nằm lại chiến trường, những cơ quan nhà nước hai nước, những người tổ chức, phục vụ...Tất cả!

Nguyện vẹn trong tôi là cảm giác chưa bao giờ thấy sang Lào là đi ra nước ngoài! Ý một câu nói của ai đó rằng “Nếu dãy Trường Sơn là nóc nhà thì Lào và Việt Nam chính là hai mái nhà...”. Xin mượn ý ấy để đặt cho nhan đề bài viết này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga chúc mừng 47 năm Quốc khánh Lào
Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga chúc mừng 47 năm Quốc khánh Lào

VOV.VN - Ngày 1/12, Đoàn đại biểu Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã đến chúc mừng Đại sứ quán Lào tại Moscow, nhân kỷ niệm 47 năm Quốc khánh nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (2/12/1975-2/12/2022).

Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga chúc mừng 47 năm Quốc khánh Lào

Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga chúc mừng 47 năm Quốc khánh Lào

VOV.VN - Ngày 1/12, Đoàn đại biểu Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã đến chúc mừng Đại sứ quán Lào tại Moscow, nhân kỷ niệm 47 năm Quốc khánh nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (2/12/1975-2/12/2022).

Điện mừng 47 năm Quốc khánh nước Cộng hòa DCND Lào
Điện mừng 47 năm Quốc khánh nước Cộng hòa DCND Lào

VOV.VN - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội đã đồng gửi Điện mừng 47 năm Quốc khánh nước Cộng hòa DCND Lào.

Điện mừng 47 năm Quốc khánh nước Cộng hòa DCND Lào

Điện mừng 47 năm Quốc khánh nước Cộng hòa DCND Lào

VOV.VN - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội đã đồng gửi Điện mừng 47 năm Quốc khánh nước Cộng hòa DCND Lào.

Kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào tiếp tục tăng
Kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào tiếp tục tăng

VOV.VN - Theo Thương vụ Việt Nam tại Lào, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Lào từ tháng 1-10/2022 tăng 28,3% đạt 1,36 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào tiếp tục tăng

Kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào tiếp tục tăng

VOV.VN - Theo Thương vụ Việt Nam tại Lào, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Lào từ tháng 1-10/2022 tăng 28,3% đạt 1,36 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên định hướng chính sách năm 2023
Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên định hướng chính sách năm 2023

VOV.VN - Cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên quyết định triệu tập Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa VIII Đảng Lao động Triều Tiên vào cuối tháng này, để thảo luận và quyết định các kế hoạch công tác năm 2023.

Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên định hướng chính sách năm 2023

Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên định hướng chính sách năm 2023

VOV.VN - Cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên quyết định triệu tập Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa VIII Đảng Lao động Triều Tiên vào cuối tháng này, để thảo luận và quyết định các kế hoạch công tác năm 2023.