Nhà báo Phan Quang với cuốn tiểu luận “Qua tên gọi bốn con đường”
VOV.VN - Đúng dịp kỷ niệm “Ngày báo chí cách mạng Việt Nam”, nhà báo lão thành Phan Quang cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu luận “Qua tên gọi bốn con đường”.
Tập sách “Qua tên gọi bốn con đường” (Nhà xuất bản Văn học) tuyển chọn một số bài viết, tham luận gần đây của nhà báo Phan Quang. Theo tác giả, đây chỉ là những “cảm nhận” và “thu hoạch” về một số vấn đề đặt ra trong cuộc sống hôm nay. Đặc biệt là thuộc lĩnh vực báo chí và truyền thông.
Tiêu biểu cho loạt bài viết này phải kể đến tiểu luận có nhan đề “Nghĩ về bản lĩnh báo chí Việt Nam”. Có 6 mục nhỏ được tác giả đánh số, trong đó mục 1 nói vắn tắt nhưng không kém phần đầy đủ về con đường của “báo chí cách mạng Việt Nam đi từ không đến có”. Bắt đầu từ việc Chủ tịch Hồ Chí Minh “tạo dựng” báo Thanh niên (1925) mở ra kỷ nguyên mới cho báo chí Việt Nam.
Mục 2 là phần nói về những người làm báo chí - những nhà báo cách mạng Việt Nam từ Nguyễn An Ninh, Phan Đăng Lưu, Trường Chinh, Trần Huy Liệu và bao tên tuổi nữa. Dẫn lời Bác Hồ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”, tác giả nêu rõ: “Lời Bác đúng theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Trên thế giới không có quốc gia nào có nhiều người làm báo bỏ mình tại chiến trường như ở Việt Nam. Đó là khí phách của báo chí Việt Nam, đó là bản lĩnh của người làm báo Việt Nam”…
Cuốn sách "Qua tên gọi bốn con đường". |
Tiếp tục chủ đề về báo chí, bạn đọc có thể tìm thấy những trang tư liệu rất quý về cách thực thi luật pháp về báo chí ở các nước có nền báo chí phát triển như Pháp và Thuỵ Sĩ trong bài “Đạo đức và trách nhiệm người cầm bút “(trang 170).
Với tiêu đề nhỏ “Khi tác phẩm ra khỏi phòng văn”, Phan Quang nêu: Về lý thuyết, dưới chế độ dân chủ, bất kỳ ai đều có thể viết về bất kỳ điều gì. Tuy nhiên, quyền tự do tuyệt đối chỉ khoanh lại trong phạm vi bốn bức tường phòng văn, tức là chừng nào những cái viết nên chưa công bố. Một khi tác phẩm được xuất bản, nhà văn sẽ cùng nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật và cộng đồng, và dĩ nhiên “phải tuân thủ những hạn chế do luật định”, nếu vi phạm sẽ bị chế tài theo ba mặt: hành chính, tư pháp và đạo đức.
Tác giả đưa ra một loạt ví dụ về việc các cơ quan hành pháp, tư pháp ở Thuỵ Sĩ và Pháp hành xử như thế nào trước một tác phẩm báo chí mà họ quy là “phạm luật” và “những kết thúc buồn” của một số tác phẩm xuất bản và của tác giả xuất bản phẩm ấy (bao gồm cả nhà xuất bản).
Mười tám tuổi đã làm báo và cầm bút cho đến hôm nay nên tấm lòng Phan Quang đau đáu với nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2007, ông kêu gọi cần khởi động ngay việc xây dựng Bảo tàng báo chí Việt Nam (và là Bảo tàng từ khi Việt Nam xuất hiện tờ báo in đầu tiên cho đến hôm nay). Ông nêu vắn tắt một số việc cần làm ngay. Với ông, thật là hạnh phúc khi 10 năm sau, ngày 16/8/2017 được dự lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Bảo tàng báo chí Việt Nam nằm trong hệ thống bảo tàng quốc gia Việt Nam.
Tại buổi lễ, ông đã có một phát biểu đầy xúc động, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà báo tham dự buổi lễ. Cả hai bài phát biểu này của ông đều được chọn in trong tập sách này (trang 113 và 119).
Chọn tên gọi “Quá khứ trước mặt ta” cho bài phát biểu nhân Bảo tàng báo chí Việt Nam được thành lập, ông tâm sự: “Quá khứ không ở sau lưng ta, quá khứ hiển hiện xung quanh ta, quá khứ đang vui buồn cùng với ta, quá khứ soi tỏ cái đích ta vươn tới… Mọi người, từ em bé học vỡ lòng, ai cũng biết sông khởi nguồn từ suối. Suối càng cao càng xa, chi lưu càng lắm, sông mẹ càng mênh mông.
Báo chí Việt Nam ngày nay là dòng sông mẹ tiếp nhận nguồn nước nhiều chi lưu. Trong đó dòng chủ lưu quyết định hướng chảy cho mọi suối nguồn là vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh, hội nhập quốc tế với bản sắc và thực lực Việt Nam, hoà hiếu với mọi quốc gia trên cơ sở bảo toàn chủ quyền đất nước tổ tiên ta đổ bao mồ hôi nước mắt và xương máu nữa gây dựng nên. Sông mẹ mang phù sa từ mọi nguồn sông suối bồi đắp cuộc sống, trong cái mênh mang sâu thẳm ấy mẹ không quên đóng góp của con nào, cho dù con sống nơi đâu hay đã từng lưu lạc”.
Phan Quang: Thương nhớ vẫn còn...
Là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam trong giai đoạn Đài cần phải có những bước chuyển căn bản để theo kịp sự nghiệp đổi mới của Đảng ta trong “một thế giới phẳng”, nhà báo Phan Quang luôn có những trang viết về “nhà Đài”. Tập sách này có bài của ông nhân kỷ niệm lần thứ 65 ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam. Cũng là sự kiện ấy, ông “ làm mới lên” khi so sánh:
“Một sự trùng hợp thú vị: Ngày 7/9/1945, ngày Đài Tiếng nói Việt Nam cất tiếng chào đời cũng chính là ngày Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ thành lập Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự trùng hợp ngẫu nhiên? Có thể. Song sự ngẫu nhiên này là tích hợp một quá trình tất yếu, biểu hiện tầm nhìn kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Ông có được sự so sánh này khi đọc tập hồi ký “Những năm tháng quyết định” của Đại tướng Hoàng Văn Thái, vị Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của quân đội ta (NXB Quân đội nhân dân, 1985, trang 326). Người viết bài này đã làm một việc cẩn thận giống ông là mở cuốn hồi ký của Đại tướng Hoàng Văn Thái (bản in 1985) và tìm thấy chi tiết này đúng ở trang 326 trong tập sách có 330 trang in. Nhà báo Phan Quang đã đọc tập hồi ký đến trang cuối cùng. Quả là một tác phong làm việc để các nhà báo trẻ hôm nay học tập.
Phan Quang là một nhà báo đọc nhiều, nhất là từ nguồn sách báo nước ngoài mà ông thường xuyên cập nhật. Là một Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội, phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, ông có những phát biểu mang tầm quốc gia và quốc tế. Nhưng trước sau ông vẫn là một nhà báo.
Đọc bài viết có tên “Chúng ta nợ quá khứ nhiều” (trang 135), tôi càng tâm đắc về điều này. Bài viết bắt đầu từ một thông tin về việc Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định dùng các phương tiện hiện đại thay các đài truyền thanh phường (ông không dùng cách nói huỵch toẹt của một số tin viết về việc này như: dẹp bỏ, cấm…).
Với Phan Quang, thông tin ấy gợi lên một hồi ức. Dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1990, ông đọc “Danh mục các cơ sở cách mạng và kháng chiến ở tỉnh Tuyên Quang” của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngạc nhiên gặp tên Bản Đ., có ghi rõ đây là nơi Đài Phát thanh Quốc gia đóng cơ quan đầu những năm 1950. Một địa danh không thấy trong hồ sơ lưu của Đài. Rời cuộc họp, ông ghé lại nhà ông Trần Lâm, vị Tổng Giám đốc đầu tiên của Đài và nhận được lời xin lỗi chân thành bà con bản Đ. vì sự “mụ mị” này của ông Trần Lâm. Hôm sau, ông lên bản Đ. Một bản nhỏ heo hút, dân cư có vài chục hộ. Bà con hết sức vui mừng gặp cán bộ nhà Đài: “Ui dà! Lâu rồi, lâu lắm rồi! Mấy chục năm rồi!”… tuyệt nhiên không có một lời oán trách.
Sau chuyến đi ấy, Đài Tiếng nói Việt Nam xây tặng bản Đ. một trạm truyền thanh, mắc các loa công cộng phục vụ bà con cả bản.
Đọc “Thời gian không đổi sắc màu” của Phan Quang, thấy cần phải viết
Trong bài viết này, ông xúc động bộc bạch: “Bao năm qua, tôi không có dịp trở lại bản Đ. tỉnh Tuyên Quang. Cùng với thời gian, chắc cái trạm truyền thanh “hiện đại” thời ấy nay không còn… Trạm truyền thanh bản Đ. đã hoàn thành sứ mệnh cao quý và đi vào lịch sử. Nhưng tấm lòng những người dân nghèo nói chung ít học mà hết mình với đại sự quốc gia thì không bao giờ mất”.
Kết thúc bài viết, ông kể về tấm lòng với Việt Nam của hai vợ chồng nhà báo Cộng hoà dân chủ Đức. Cả hai đều đã công tác ở Việt Nam những năm bom Mỹ còn rơi trên bầu trời Hà Nội. Năm 1982, ông có dịp sang Berlin thăm họ, Và điều bất ngờ là trước khi vào tiệc, được nghe ông chủ nhà (dù không biết tiếng Việt) dõng dạc xướng to với cái giọng lơ lớ chẳng phải ta chẳng ra Tây: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay Mỹ cách Hà Nội… cây số”.
Ông viết: “Mọi người có mặt tối hôm ấy cùng phá ra cười. Riêng tôi cười to hơn ai hết, cười mà hai hàng nước mắt cứ tuôn trào ra mặt, nhỏ xuống áo.
Chúng ta nợ quá khứ thật nhiều”.
Từ một thông tin ngắn, nhà báo Phan Quang đã liên tưởng như thế.
Là một nhà báo kiêm nhà văn, lại là một dịch giả có uy tín, phong cách viết của Phan Quang thật đa dạng. Từ một vấn đề trong nước, ông nhìn ra thế giới. Cập nhật những động thái của báo chí – văn học – nghê thuật của thế giới đương đại, ông đề cập những vấn đề của làng báo, làng văn Việt Nam hôm nay.
Dường như tập sách “Qua tên gọi bốn con đường” tập hợp khá đầy đủ phong cách viết của ông. Ông đề cập ngọn nguồn của ngôn ngữ đối với đời sống và sáng tạo nghệ thuật, rồi phương tiện để truyền tải ngôn ngữ ấy. Đầu tiên là chữ viết, cùng với chữ viết là những phương tiện để ghi các ký hiệu ngôn ngữ “một hòn đá, một cái mai rùa, thanh tre, tấm kim loại, tấm lụa rồi tờ giấy xen-luy-lô”.
Lang thang trong các vấn đề tưởng như học thuật, ông đề cập những quan niệm về đạo Khổng (còn gọi là đạo Nho) ở quê hương nó và ở Việt Nam. Thuật lại phản biện của một trí thức Việt Nam – bác sĩ Nguyễn Khắc Viện với luận điểm về đạo Nho ở Việt Nam của Paul Mus (thành viên trường Viễn Đông bác Cổ Pháp tại Hà Nội từ năm 1926, giáo sư hai trường Đại học lớn ở Pháp và Mỹ), ông ủng hộ quan điểm của Nguyễn Khắc Viện: Chủ nghĩa Marc đến với Việt Nam không phải với tư cách một học thuyết như mọi học thuyết khác mà như một công cụ giải phóng dân tộc. Và khẳng định: trong cách mạng Việt Nam, những chiến sĩ mác xít sẵn sàng và biết cách vận dụng đạo đức chính trị của Nho giáo cho công việc của mình. Và luồng Nho giáo ấy mang tính nhân văn.
Nói về chữ viết, ông thử bàn về chữ Nho và chữ Quốc ngữ ở Việt Nam: các thầy tu du nhập bảng chữ cái la-tinh vào Việt Nam để ghi âm tiếng nói của người Việt. Nhưng sự nhanh nhạy, năng động của giới Nho học Việt Nam, của người Việt Nam đã biến nó thành “quốc ngữ” để đến sau Cách mạng tháng 8/1945, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ trong một thời gian ngắn, đã hoàn thành việc dạy cho người dân của nước Việt Nam mới biết chữ và tự mình viết lên lá phiếu của mình, sự lựa chọn một chế độ mới, một cuộc sống mới.
Đọc sách của Nhà báo Phan Quang: Khi ta 20 tuổi
Tiểu luận “Chữ Quốc ngữ trong văn hiến Việt Nam” (trang 60 đến trang 87) chính là đề cập nội dung này. Ông nhấn mạnh: “Nhìn bề ngoài, có vẻ như một nghịch lý: các nhà Nho yêu nước, kịch liệt chống thực dân, bị Pháp bắt bớ, tù đày, giết hại lại đồng tình với một chủ trương do người Pháp khởi xướng, thực tế đó nói lên tầm nhìn xa, lòng yêu nước đậm chất nhân văn và tính vô tư của các bậc tiền bối đáng kính của chúng ta”.
Thế là từ một vấn đề tưởng như học thuật, Phan Quang đã đề cập một vấn đề cốt lõi của lịch sử dân tộc Việt Nam: lòng yêu nước. Cũng từ câu chuyện “chữ quốc ngữ”, ông đề cập việc chữ quốc ngữ đồng hành cùng dân tộc, cùng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng ta lãnh đạo. Và theo ông “Trong tương lai, đồng hành cùng dân tộc vượt qua thách thức, nắm bắt vận hội, vai trò của chữ quốc ngữ ngày càng phát huy, quốc ngữ, quốc văn sẽ có cống hiến ngày càng lớn cho đất nước”.
Cũng chính trong tiểu luận này (ông viết năm 2007 và sửa 2017) bạn đọc mới hiểu vì sao nhà báo Phan Quang chọn cụm từ “Qua tên gọi bốn con đường” làm nhan đề cho tập sách mới nhất, dày 250 trang (khổ 13,5x20,5cm) của mình.
Kết thúc tiểu luận, ông viết: “Chỉ cần tên gọi bốn con đường, từ đường Lê Duẩn lội ngược thời gian qua đường Nam Kỳ khởi nghĩa, đường Alexandre de Rhodes lên đường Hàn Thuyên, cùng với tên gọi toà nhà Thống Nhất giữa lòng Sài Gòn - Chợ Lớn nay là thành phố Hồ Chí Minh chói lọi tên vàng, chừng ấy thôi đủ cho mọi người nhìn thấy ý chí kiên cường cùng truyền thống khoan dung của người Việt, bắt đầu thể hiện thành văn từ thời Lý Thường Kiệt với “Nam quốc sơn hà…”, qua Nguyễn Trãi tại “Bình Ngô đại cáo” đến “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh, cũng như hình dung rõ quá trình giao lưu, tiếp biến và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Việt từ chữ Hán sang chữ Nôm, rồi từ mẫu tự Latinh sáng tạo nên chữ quốc ngữ ngày nay…”.
Mời các bạn đọc tập tiểu luận “Qua tên gọi bốn con đường” của nhà báo Phan Quang, với phần mở đầu có nhan đề “ Lòng yêu nước Việt Nam đậm tính nhân văn”./.