“Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!” tập 2: Càng đọc càng tò mò, càng muốn biết nhiều

VOV.VN - "Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!" của tác giả Cù Mai Công là một quyển sách dễ đọc, và càng đọc càng có thêm nhiều góc nhìn thú vị.

Vùng đất “địa linh nhân kiệt”

Nếu bạn đọc quyển sách này trong dịp gần tết, bạn sẽ được tác giả kể cho nghe không khí rạo rực đêm Noel, những chộn rộn rất riêng của chợ, của phố, của nhà, của người dân... ở Ông Tạ đón tết xưa và nay.

Nếu bạn theo đạo, bạn sẽ được nghe kể về nhà thờ, về chùa chiền với những cảm nhận chân thực, dung dị, gần gủi mà cũng rất thánh thiện. Bạn sẽ “à” ra: ở đây, các tôn giáo đều chung sống yên bình, cùng tồn tại, cùng đồng hành với cư dân.

Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết vùng “Đất Ông Tạ địa linh nhân kiệt” là nơi sản sinh ra rất nhiều nhà giáo, bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ, doanh nhân, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, MC, nhà báo, người buôn bán ở chợ, dân giang hồ... Trong đó, có nhiều người bạn đã từng biết, chỉ là chưa biết họ là dân Ông Tạ. Bạn sẽ được biết tác giả của những ca khúc bất hủ: Ai về sông Tương, Bài Thánh ca buồn, Câu chuyện đầu năm, Trăng về thôn dã... đã từng làm cư dân Ông Tạ như thế nào. Và đọc xong rồi thì bạn càng tò mò muốn biết về họ nhiều hơn.

Hỏi một số bạn bè đã đọc "Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!” tập 2, mỗi người đều đưa ra một góc nhìn, một cảm nhận khác nhau. Đó là những tò mò được gợi mở; những hoài niệm, những kiến thức, thông tin khác nhau về vùng đất, con người Ông Tạ được khơi dậy. Mỗi người một góc nhìn, mà nhìn hoài vẫn chưa hết “cái góc” Ông Tạ tưởng nhỏ bé mà hoá ra mênh mông vô số chuyện, vô số phận người, phận ngõ, phận phố...này. Sách thú vị là ở chỗ đó.

Bạn sẽ được tác giả kể cho nghe, tỉ mỉ vẽ sơ đồ cho thấy từng con ngõ, đoạn hẻm, từng tuyến đường, góc phố, từng cửa hàng, bảng hiệu, những xứ đạo, những xóm cần lao… trải dài theo năm tháng, từ thuở vùng đất này còn hoang sơ cho đến tận bây giờ, mà ngay cả nhiều người là dân Ông Tạ cũng chưa biết, chưa hình dung hết.

Ở vùng đất đó, có thành công, phát triển, cũng có thất bại. Có nhiều ngày vui, cũng có không ít ngày buồn. Có sum họp, có chia li. Có gia đình “Việt cộng nằm vùng” ở chung xóm với gia đình các sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà. Có ngày vui lịch sử lớn lao của đất nước lẫn trong những câu chuyện nhỏ bé riêng tư đầy bi kịch, đớn đau. Có cả bi kịch của một gia đình cả 9 người cùng tự tử trong ngày 30/4/1975, một cái chấm đau buồn trong một thời khắc lịch sử chung của dân tộc...

Tác giả cứ kể, nhẹ nhàng, không lên giọng, không phân biệt, cứ đều đều như vậy, mà thấm. Biết bao nhân vật, số phận thăng trầm cùng vận nước, cùng mảnh đất nơi mình sinh sống được tác giả chuyển tải qua một giọng kể rành rọt, chi li, cẩn trọng, chu đáo. Tất cả cứ lần lượt lướt đi dưới ngồi bút đôi lúc tưởng “tưng tửng”, cà rởn” mà càng đọc càng thấm cái dung dị, cái nghĩa tình, nỗi niềm ẩn chứa dưới những con chữ của nhà văn - nhà báo ấy. Cũng vì tác giả là nhà báo nên tình tiết, chi tiết, chất liệu, tư liệu trong cuốn sách cứ ngồn ngộn đáng nễ. Tưởng “cà rởn” mà lại  rất chân thực, sâu sắc, nhân văn.

Một góc nhìn chân thật thấm đẫm tình người

Đọc "Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!” tập 2- bạn sẽ thấy tác giả rất tiết chế những cảm xúc chủ quan. Kiểu như họ đã từng ở đó, vẫn đang ở đó. Họ có số phận của họ tôi không can dự nhưng tôi cần kể về họ và mọi người nên biết về họ. Có khi họ quen lắm à nha, họ hay lắm à nha, và cũng có người trong số họ cuộc đời bi kịch lắm à nha. Tôi chỉ kể vậy thôi, bạn muốn biết nhiều hơn, tường tận hơn xin tự tiếp tục tìm hiểu...

Nhưng có lẽ điều đọng lại nhiều nhất qua những câu chuyện kể đó là vùng đất Ông Tạ đã dung chứa, chở che, nối kết được hết những người đến trước và tới sau; người khác lối sống, không cùng quan điểm; người không giống ngành nghề, chênh lệch địa vị...Họ không chỏi nhau, nhiều lúc giúp đỡ cưu mang nhau, nhưng cũng không ai lẫn lộn với ai, cùng nhau làm nên linh hồn vùng đất này.

Đọc Sài Gòn một thuở “Dân Ông Tạ đó!” tập 2- đi, rồi bạn sẽ thấy cái tình chưa vào giờ mất đi là tình người đã cố kết những con người khác biệt với nhau. Đọc đi, rồi bạn sẽ thấy hồn cốt một vùng đất là có thật, là thiêng liêng vô cùng.

Lạ là, tôi không phải dân Ông Tạ nhưng khi đọc cũng đôi lúc thấy mình trong đó, cảm nhận nhiều điều đáng suy gẫm sau những con chữ. Vì vậy, “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!” tập 2-  không chỉ dành cho người dân Ông Tạ.

Sẽ còn nhiều góc nhìn khác, nhiều cảm xúc khác, nhiều tò mò khác nữa quanh cuốn sách. Nhưng chắc rằng, đó là một cuốn sách nên đọc. Và càng nên đọc trong những ngày Tết, khi tâm hồn thơ thới và nhiều rung cảm này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!" tập 2 - Ký ức thân thương từng cung đường...
"Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!" tập 2 - Ký ức thân thương từng cung đường...

VOV.VN - Nếu “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!” tập 1 phác họa toàn cảnh về vùng đất và một số nhân vật đã, đang và từng sống nơi đây, thì với tập 2, có lẽ bạn đọc sẽ phải sững sờ trước hình ảnh từng cung đường, lối ngõ, hẻm hóc… của một góc nhỏ Sài Gòn – Gia Định xưa.

"Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!" tập 2 - Ký ức thân thương từng cung đường...

"Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!" tập 2 - Ký ức thân thương từng cung đường...

VOV.VN - Nếu “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!” tập 1 phác họa toàn cảnh về vùng đất và một số nhân vật đã, đang và từng sống nơi đây, thì với tập 2, có lẽ bạn đọc sẽ phải sững sờ trước hình ảnh từng cung đường, lối ngõ, hẻm hóc… của một góc nhỏ Sài Gòn – Gia Định xưa.