Tín hiệu từ cuộc thi thơ “Sống và hy vọng”
VOV.VN - Thông qua thơ ca, thông qua sự hưởng ứng của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên thì những bài thơ như một giá trị tinh thần, vật chất góp phần vào công cuộc phòng chống dịch và hướng tới sự phát triển trở lại của quốc gia.
Hưởng ứng tinh thần Ngày Thơ Việt Nam của Hội Nhà văn Việt Nam đồng thời chọn mô hình hoạt động thích ứng với tình hình dịch bệnh và xu thế chuyển đổi số, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6) – Đài Tiếng nói Việt Nam và Diễn đàn văn chương Quán Chiêu Văn tổ chức cuộc thi thơ “Sống và hy vọng”.
Vì diễn ra trong khuôn khổ các hoạt động nhân Ngày Thơ Việt Nam dịp Rằm tháng Giêng nên cuộc thi tổ chức trong một thời gian rất ngắn, chưa tới 40 ngày. Có lẽ vì chủ đề chạm tới trái tim, gợi cảm hứng và sự chia sẻ một tinh thần sống, một thái độ sống tích cực để vượt qua dịch bệnh cùng những hệ lụy nên mới chỉ sau 10 ngày phát động, Ban tổ chức đã nhận được một lượng bài dự thi khá lớn với rất nhiều tác phẩm được đánh giá cao về chất lượng.
Ngay từ chặng đường đầu tiên, cuộc thi thơ “Sống và hy vọng” đã lấp lóe những tín hiệu khả quan như chủ đề hướng tới. Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên nhìn thấy được nỗi niềm ký thác trong thơ của nhiều tác giả khi tin tưởng gửi gắm tác phẩm tới cuộc thi khi thể lệ vừa công bố buổi sáng thì buổi chiều Ban tổ chức đã nhận được những chùm thơ dự thi đầu tiên. Hiện nay đã có gần 100 tác giả với khoảng 250 bài thơ gửi về dự thi, trong đó có cả tác giả là người Việt Nam ở nước ngoài.
Đi vào cụ thể các hình thức gửi tác phẩm tham dự cuộc thi thơ “Sống và hy vọng”, nhà văn Trịnh Đình Nghi – Người sáng lập Diễn đàn văn chương “Quán Chiêu Văn” tiết lộ con số ấn tượng về các tác giả và sáng tác vượt qua vòng sơ khảo chỉ sau hơn chục ngày phát động cuộc thi. Hình thức gửi bài qua đường bưu điện và gửi vào hộp thư điện tử của Hội VHNT Thái Nguyên đã nhận được một lượng bài dự thi đáng kể. Riêng phần thơ đăng lên diễn đàn online của Hội VHNT Thái Nguyên thì lượng bài đã lên đến một con số khả quan, khoảng 200 – 300 bài. Nhà văn Trịnh Đình Nghi dự đoán về số lượng tác phẩm vượt trội được chọn trước khi bước vào vòng chung khảo và cán đích “Sống và hy vọng” có thể lên tới ngót 1.000 bài.
Cũng theo nhà văn Trịnh Đình Nghi, sự tham gia với tư cách đồng tổ chức của Ban VHNT (VOV6) là một trong những điểm cộng, điểm mới góp phần làm nên uy tín của cuộc thi thơ “Sống và hy vọng”. Sở dĩ nói như vậy vì Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6) – Đài Tiếng nói Việt Nam trước nay vẫn được đánh giá là một đơn vị truyền thống, chuyên nghiệp và tính chuyên môn rất cao.
“Sống và hy vọng” là một trong những cuộc thi gần đây Ban Văn học Nghẹ thuật (VOV6) – Đài Tiếng nói Việt Nam tham gia với tư cách đồng phối hợp tổ chức. Theo Nhà báo Trần Nhật Minh – Trưởng ban Văn học – Nghệ thuật – Đài Tiếng nói Việt Nam, hoạt động lần này nằm trong chủ trương của đơn vị thời gian qua khi đã thành công trong việc bắt tay khơi dậy tinh thần sáng tác của đông đảo tác giả, người yêu thơ cả nước. Chủ trương chung của VOV6 là luôn muốn mở rộng diện hợp tác với các cơ quan truyền thông, những đơn vị gắn với Văn học – Nghệ thuật.
Nhiều năm nay, VOV6 đã phối hợp với một số đơn vị tổ chức các cuộc thi mà gần đây nhất là cùng với Hội Nhà văn Việt Nam, báo Nông thôn ngày nay, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn về đề tài “Làng Việt thời hội nhập” đã có kết quả được đánh giá cao. Năm nay, với khó khăn chung là dịch bệnh nên nhiều hoạt động Văn học nghệ thuật bị ảnh hưởng mà có thể sắp tới Ngày Thơ Việt Nam cũng không được tổ chức. Sáng kiến của Diễn đàn Văn chương Quán Chiêu Văn, Hội VHNT Thái Nguyên và VOV6 phối hợp tổ chức cuộc thi thơ “Sống và hi vọng”được kỳ vọng sẽ đáp ứng, giải tỏa những khó khăn khách quan về dịch bệnh và sẽ “xới xáo” được không khí văn chương trong dịp hướng tới Ngày Thơ Việt Nam.
Chủ đề của cuộc thi “Sống và hy vọng” cũng là chủ điểm hoạt động năm nay của Hội Nhà văn Việt Nam. Chủ đề được đánh giá ý nghĩa, rất phù hợp với bối cảnh hiện nay khi toàn cầu và đất nước chúng ta cùng bị ảnh hưởng nhiều do đại dịch. Đó là những mất mát, đau thương, ly tán của các gia đình, cách ly vùng miền, đất nước ta còn nhiều vùng đỏ, đời sống kinh tế, xã hội ảnh hưởng nặng nề. Khơi một giá trị tinh thần và tựa vào giá trị tinh thần, bền vững của dân tộc chúng ta là sự yêu thương, sẻ chia và chúng ta cùng nhau sát cánh để sống và hi vọng để đẩy lùi đại dịch. Và thông qua thơ ca, thông qua sự hưởng ứng của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên thì những bài thơ như một giá trị tinh thần, vật chất góp phần vào công cuộc phòng chống dịch và hướng tới sự phát triển trở lại của quốc gia. Nhà báo Trần Nhật Minh tin tưởng rằng sẽ có những tác phẩm chạm tới được tinh thần của chủ đề này. Và Ban Văn học Nghệ thuật – Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ phát sóng các bài thơ chất lượng cũng như đoạt giải trên làn sóng quốc gia – Đặc biệt là trong chương trình Tiếng thơ – Một chương trình có thương hiệu của Ban VHNT từ xưa tới nay.
Năm ngoái, cuộc thi thơ online chủ đề “Tổ quốc và Mẹ” do Hội VHNT Thái Nguyên và diễn đàn văn chương “Quán Chiêu Văn” đã nhận được sự quan tâm, tham gia hưởng ứng của đông đảo các tác giả, người yêu thơ. Theo nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, cuộc thi thơ “Sống và hi vọng” cũng đang cho thấy sức lan tỏa sâu rộng. Là bộ phận thường trực, bước đầu bà nhìn thấy được cuộc thi lần này cũng không thua kém về chất lượng và số người tham dự so với cuộc thi thơ “Mẹ và Tổ quốc” mà Hội VHNT và Quán Chiêu văn đồng tổ chức năm ngoái. Và Hội VHNT Thái Nguyên tự hào vì đã và đang tham gia vào việc làm lan tỏa tinh thần sống và hi vọng trong đời thường cũng như trong sáng tác văn chương.
Đó cũng là cảm xúc, tâm thế của nhà văn Trịnh Đình Nghi – Thành viên Ban tổ chức trước những tín hiệu đáng mừng của cuộc thi thơ “Sống và hi vọng”. Năm nay dịch bệnh nên nhiều khả năng Hội Nhà văn Việt Nam và nhiều địa phương đều không tổ chức được ngày thơ Nguyên tiêu. Bởi vậy cho nên có được một cuộc thi, một hoạt động như cuộc thi thơ “Sống và hi vọng” rất đáng quý. Ngày thơ vì dịch bệnh mà lắng đi nhưng nhờ những hoạt động ý nghĩa như cuộc thi mà Hội VHNT Thái Nguyên, Ban Văn học nghệ thuật (VOV6) và Diễn đàn Quán Chiêu Văn tổ chức đã cho thấy tình yêu thơ vẫn đang “chụm lửa” trong công chúng, người yêu thơ./.