Vì sao người Việt lười đọc sách?
VOV.VN - Biết rằng đọc sách có thêm nhiều tri thức, có thêm nhiều kinh nghiệm phục vụ cho cuộc sống nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để duy trì thói quen này. Đây cũng là thách thức với ngành xuất bản phải có nhiều đầu sách hay, hấp dẫn, , “trúng” thị hiếu để có thể thu hút độc giả tìm đến sách.
Thống kê của Hội Xuất bản Việt Nam cuối năm 2023 cho thấy, sách giáo khoa và sách tham khảo học đường hiện đang chiếm 80% số lượng sách trên thị trường. Nếu để 2 loại sách này qua một bên, số còn lại chia đều trên số dân thì trung bình mỗi người Việt đọc 1 quyển 1 năm. Đáng chú ý, thống kê chỉ ra rằng 80% người trong độ tuổi 20-30 không đụng đến sách suốt một năm.
Bắt đầu buổi sáng mỗi ngày từ 6h30 và kết thúc khi đã hoàn thành hết bài tập về nhà là 23h đêm, đây là lịch sinh hoạt mỗi ngày của Trịnh Bảo Linh và Lê Quỳnh Chi, học sinh lớp 4A1 trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội.
Bảo Linh nói: "Con phải học thêm các môn toán, tiếng việt và tiếng anh ạ. Buổi sáng con đến trường đi học, buổi tối đi học thêm về con lại làm bài tập về nhà. Con rất bận nên không có thời gian đọc sách".
Còn Quỳnh Chi chia sẻ: "Con học đàn, học vẽ học cả toán, tiếng việt và tiếng anh nên con cũng bận lắm. Lúc ăn cơm xong con nghỉ ngơi một chút rồi làm bài tập đến 10, 11h".
Bận rộn, học thêm nhiều, không có thời gian, … là lý do khiến nhiều em nhỏ không có thời gian dành cho sách. Còn với những người cao tuổi đã về hưu như bà Phạm Tuyết Trinh ở quận Đống Đa dù có nhiều thời gian rảnh rỗi thì lại từ chối đọc sách với lý do: "Đúng là ngại thật. Lâu rồi không đọc là thực sự rất ngại. Mà giờ mắt kém rồi không muốn đọc các tin tức trên sách giấy nữa".
Còn với sinh viên ngày nay cũng chịu áp lực học hành, thi cử nhiều nên thích xem mạng xã hội vì các sản phẩm ở đây ngắn và trực quan. Để đọc một cuốn sách dài toàn chữ phải mất nhiều thời gian, suy ngẫm.
Biết rằng đọc sách có thêm nhiều tri thức, có thêm nhiều kinh nghiệm phục vụ cho cuộc sống nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để duy trì thói quen này. Đây cũng là thách thức với ngành xuất bản phải có nhiều đầu sách hay, hấp dẫn, , “trúng” thị hiếu để có thể thu hút độc giả tìm đến sách.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nhấn mạnh vai trò xây dựng thư viện sách tại nhà trường và rèn các em thói quen đọc sách: "Cục in xuất bản và phát hành dựa nguồn sách lưu chiểu hàng năm qua vòng quy định pháp luật chúng tôi hỗ trợ rất nhiều từ các địa phương đến các phòng đọc. Đặc biệt chúng tôi rất để tâm xây dựng hệ thống thư viện tại các trường. Một điều rất quan trọng ở các nước là bao giờ hệ thống thư viện tại các trường cũng rất được quan tâm, đầu tư, và phát triển. và những mạnh thường quân cũng đầu tư rất nhiều vào các trường, nhưng đầu tư nhiều nhất chính là qua hệ thống thư viện đưa sách đến với câu chuyện sách chính là con đường dẫn đến tri thức, sách là con đường nuôi dưỡng tâm hồn".
Để thu hút người đọc đến với sách nhiều hơn, những năm gần đây, nhiều đơn vị xuất bản, công ty sách và những người yêu sách đã chủ động mang sách đến nông thôn, đến vùng cao còn nhiều khó khăn, vào trại giam nhằm tạo sự thuận tiện nhất cho người đọc.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tân Việt Books Nguyễn Kim Thoa bày tỏ: "Không gian nhà văn hoá tích hợp không gian văn hoá đọc cộng đồng là một trong những công trình tôi cho rằng vô cùng ý nghĩa và giá trị để gieo hạt mầm tri thức cho rất nhiều đối tượng từ người cao tuổi cho đến các em nhỏ đều có thể tham gia đọc được. Đây sẽ là địa chỉ thường xuyên để mọi người đến đọc sách và các hoạt động văn hoá khác của thôn. Và khi đó, mọi người cũng dần hình thành thói quen đọc sách tại nhà, tại trường rồi tại bất cứ đâu".
Bà Khuất Thị Hoa Phượng, Giám đốc nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: "Bây giờ phải ưu tiên nguồn lực để thực hiện truyền thông vào những vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn để thay đổi nhận thức đã đành, làm sao chúng ta thúc đẩy và thức tỉnh chính những người dân, làm sao họ thay đổi nhận thức rồi họ thay đổi các hành vi để làm sao khi kiếm được 10 đồng họ sẽ bỏ ra 1 đồng mua sách. Các nhà xuất bản, các công ty sách, các đơn vị phát hành sách làm thế nào để có thể giơids thiệu sách ở những vùng khó khăn ấy. Đấy là bài toán nan giải nhất hiện nay".
Không thể một sớm một chiều xây dựng thói quen đọc sách trong mỗi người, nhưng rõ ràng, khi sách thay đổi linh hoạt để đáp ứng “đúng” và “trúng” thị hiếu người dùng, ngắn gọn, dễ đọc dễ hiểu, hình minh hoạ hấp dẫn, đặt ra nhiều vấn đề trọng tâm đang đặt ra trong cuộc sống và đa dạng cách thức tiếp cận như sách giấy, sách nói, ứng dụng dễ cài đặt trên app thì sách mới thực sự cạnh tranh được với mạng xã hội, báo chí trong thời đại kỷ nguyên số như hiện nay.