Bỏ túi nylon để cứu mình thoát khỏi "ô nhiễm trắng"

Theo Luật thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012, túi nylon phải chịu thuế bảo vệ môi trường 30.000-50.000 đồng/kg túi sản xuất ra.

Những ngày này, giá túi nylon bắt đầu tăng. Tiểu thương, và cả các siêu thị không khỏi lo lắng vì chi phí túi nylon cao sẽ ảnh hưởng đến việc buôn bán, lời lãi. Tuy nhiên, nếu không có thời điểm này, thì không biết đến bao giờ, thói quen sử dụng túi nylon vô tội vạ mới chấm dứt.

Thời gian qua, túi nylon rẻ, được người bán hàng cung cấp miễn phí, nên người dân có phần lạm dụng. Các bà nội trợ hiện đại, nếu có ý thức gom riêng túi nylon để tái sử dụng hoặc phân loại rác, hẳn đều thấy đáng sợ khi chỉ 1-2 ngày, số túi nylon đã được 1 bịch lớn. Ví dụ, mua đồ ăn sáng cho gia đình là bánh cuốn, thì cần 1 túi đựng bánh, 1 túi đựng nước chấm, 1 túi đựng rau thơm, và... 1 túi lớn hơn đựng tất cả! Rồi đi chợ hàng ngày mỗi thứ rau, dưa, đậu phụ, thịt… đều đựng vào riêng từng túi. Số túi nylon nhiều đến nỗi không ít người lo lắng kêu lên rằng: chúng ta đang tự chôn lấp chính mình bằng túi nylon!.

Nhưng lo lắng thì lo lắng, mà sử dụng thì vẫn sử dụng, bởi vừa tiện, vừa “chẳng mất gì”. Mặc dù cái hại lâu dài thì ai cũng rõ. 

Các nhà khoa học đã cho biết, túi nylon thông thường khi thải ra môi trường tự nhiên phải mất từ hàng chục năm cho tới hàng trăm năm mới  phân hủy được hoàn toàn. Môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nylon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Túi nylon lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, khiến cây trồng chậm tăng trưởng. Những chất độc hại từ túi nylon khi ngấm vào nguồn nước sẽ xâm nhập vào cơ thể người, gây bệnh tật. Rác thải túi nylon còn làm tắc cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải, ô nhiễm môi trường… Chuyện này không chỉ là vấn đề ở nước ta, mà tại nhiều nước, rác thải túi nylon đã bị gọi là "ô nhiễm trắng".

Giờ đây, khi buộc phải hạn chế sử dụng túi nylon, người ta sẽ phải dùng cách khác thay thế như túi vải, túi giấy, túi nhựa dùng nhiều lần. Nếu chỉ sử dụng túi nylon với hàng hóa ướt, bắt buộc phải dùng thì số rác thải túi nylon cũng sẽ giảm rất nhiều so với trước.

Biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức những năm qua đã không mấy phát huy tác dụng thì nay, công cụ kinh tế là "liều thuốc" nặng hơn, có thể sẽ giải quyết được vấn đề.  

Một điều đáng nói nữa là theo luật Thuế bảo vệ môi trường, túi nylon thân thiện với môi trường thì không phải chịu thuế. Trên thực tế, hiện nay đa số các bao bì tự hủy sản xuất trong nước chỉ là bao bì tự phân rã, do được sản xuất bằng hạt nhựa và phụ gia chứ không phải bao bì phân hủy sinh học. Như vậy, thay vì tồn tại trong môi trường ở dạng mảnh lớn, chúng phân rã thành nhiều mảnh nhỏ, không bồi bổ cho đất mà còn khó thu gom. Túi nylon phân hủy sinh học được sản xuất từ nguyên vật liệu có nguồn gốc thực vật nhu tinh bột, xơ đay… đang được sử dụng ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, tuy nhiên giá thành cao gấp nhiều lần túi nylon thông thường.

Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản nào nêu tiêu chí cụ thể và phương pháp đánh giá túi nylon thân thiện với môi trường. Hy vọng rằng, các quy định cụ thể sẽ sớm được ban hành, đồng thời với việc khuyến khích sản xuất, sử dụng túi nylon thực sự thân thiện với môi trường. Đấy chính là lộ trình để chúng ta hướng tới một cuộc sống lành mạnh, phát triển bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên