Cần giải pháp an dân

Việc điều chỉnh tỷ giá có thể gây tăng giá nhiều mặt hàng. Điều quan trọng nhất cần phải làm lúc này là trấn an tâm lý của người dân

Mấy ngày nay, thông tin giá cả hàng hóa tăng luôn là tin nóng và được đăng tin đầu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc điều chỉnh tăng tỷ giá dù được đánh giá là tích cực, song nó gây tác dụng phụ có thể gây ra đợt tăng giá mới nhiều mặt hàng khác. Người dân quan tâm nhiều đến động thái tăng giá của từng mặt hàng và giờ đây điều quan trọng nhất cần phải làm, đó là trấn an tâm lý của người dân, kèm với đó là những hành động quyết liệt và cụ thể để chống lạm phát từ cơ quan quản lý.

Xét về quan điểm điều hành kinh tế vĩ mô, đúng là đã đến lúc, tiềm lực và điều kiện kinh tế của chúng ta không thể đủ sức để bù giá hay giữ giá của những mặt hàng thiết yếu lâu hơn. Việc tăng giá điện, xăng dầu, than… gần như là bất khả kháng và nằm trong lộ trình đã được Chính phủ tính toán khá kỹ lưỡng. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ tăng lúc nào và tăng bao nhiêu để tránh những hệ lụy không đáng có.

Vài ngày trước, Chính phủ tiếp tục cam kết chưa tăng giá xăng khiến người dân tạm bớt lo. Nói như thế vì hiện tại chúng ta đã dùng đến 2 biện pháp cuối cùng là giảm thuế về 0% và tiếp tục xả quĩ bình ổn để cố gằng kìm giá thêm. Tương lai không xa khi quĩ cạn kiệt, xăng dầu trong nước tất yếu sẽ phải điều chỉnh theo giá của thế giới. Trong khi đó, giá điện khó có thể kìm lâu hơn và hiện tại phương án điều chỉnh giá đã trình Chính phủ và dự kiến có thể sẽ được quyết định tăng trong vài ngày tới. Thêm vào đó, việc điều chỉnh tỷ giá tăng 9,3% cách đây ít ngày được xem là yếu tố sẽ đẩy giá cả nhiều mặt hàng tăng thêm gây áp lực đẩy lạm phát thêm một nấc.

Trong tình hình hiện tại, người dân cần sự chia sẻ và đồng thuận với Chính phủ nhưng thực tế là khi đối diện với những đợt tăng giá mới, không phải ai cũng có đủ sự cảm thông và đồng thuận, đặc biệt là người nghèo. Xét cho đến tận cùng của vấn đề thì lạm phát cao chính là mức thuế vô hình dáng vào người nghèo, làm thu nhập và thực tế tích lũy của họ vốn ít lại càng ít đi.

Song làm thế nào để người dân yên tâm và đồng thuận?

Câu trả lời thỏa đáng chính là thông điệp điều hành rõ ràng, minh bạch và cẩn trọng trong việc điều chỉnh giá những mặt hàng nhà nước đang chi phối. Việc điều chỉnh giá phải cân nhắc và dựa trên cân đối lợi ích tổng thể, phải dựa vào khả năng chịu đựng của đại bộ phận dân chúng, đặc biệt là những người nghèo, kèm với đó là các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân, đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp thường kỳ tháng 1 vừa rồi.

Ổn định kinh tế vĩ mô vốn vẫn được Chính phủ ưu tiên hàng đầu, trong đó có việc điều hành chính sách tiền tệ, nhất là tỷ giá. Sau khi điều chỉnh tỷ giá vài hôm trước, nhiều quan điểm đồng tình với ngân hàng nhà nước là thời gian tới, cần tiếp tục xu hướng điều hành linh hoạt tỷ giá theo các tín hiệu và nguyên tắc thị trường để tránh tạo nên các làn sóng lạm phát khi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng giá bán ra để bù vào chi phí chuyển đổi hay mua bán ngoại tệ như thời gian qua.

Thêm nữa, trong tình hình như hiện nay, điều quan trọng không kém là phải đề cao tính kỷ luật trong Nhà nước pháp quyền. Vẫn đây đó chưa hoặc không chấp hành nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, vẫn có tình trạng “té nước theo mưa”, lợi dụng tình hình để tăng giá, trục lợi hay lãng phí trong đầu tư xây dựng từ ngân sách… khiến nỗ lực chống lạm phát của Chính phủ không được như mong muốn.

Cũng trong lúc này, trách nhiệm của các cơ quan chức năng là chia sẻ thông tin nhanh và chính xác cho dân chúng, công khai mọi chính sách tiền tệ có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Sự tin tưởng của dân chúng vào cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp người dân và doanh nghiệp tránh tình trạng hoang mang, mua bán bất thường hay đầu cơ tích trữ theo “tin đồn” khiến lạm phát có nguy cơ tăng thêm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên