Những ngày này, hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều đang nóng lên bởi một câu chuyện những tưởng nhỏ mà không hề nhỏ - đòi lại “vỉa hè” cho người đi bộ. Chắc chắn rằng, việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ là cần thiết để đảm bảo giao thông, mỹ quan đô thị và không gian văn minh, sạch đẹp của 2 thành phố hiện đại, tầm cỡ nhất nước.
|
Các cấp chính quyền quyết tâm giành lại vỉa hè. |
Đây là điều không cần phải bàn cãi, và điều này đã được các cấp chính quyền của 2 thành phố rốt ráo làm từ nhiều năm nay. Nhưng thực tế là, sau mỗi lần ra quân ồ ạt, trống rong cờ mở thì rồi đâu lại vào đấy, tình trạng tái chiếm vỉa hè lại vẫn tiếp diễn, ngang nhiên và bình thản như chưa từng có điều gì xảy ra.
Nhưng lần này, quyết tâm giành lại vỉa hè của các cấp chính quyền là rất rõ ràng, kiên quyết không nhân nhượng với việc chiếm dụng vỉa hè, được thể hiện qua những lời hứa như những “quyết tâm thư” từ quan của nhiều vị lãnh đạo cấp quận, phường. Điều này nhận được sự đồng lòng và đánh giá cao của người dân. Nhưng để công cuộc giành lại vỉa hè có kết quả bền vững thì có lẽ quyết tâm không thôi là chưa đủ mà cần có những giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn về nhiều mặt bởi đằng sau câu chuyện vỉa hè còn nhiều vấn đề đáng lưu tâm.
Nhìn về mặt lịch sử, văn hóa, có thể thấy, ở nước ta, vỉa hè là dấu hiệu để phân biệt phố với làng. Hà Nội trước đây vốn nổi tiếng với 36 phố phường và mỗi phố cổ gắn với một nghề kinh doanh truyền thống, được thể hiện ngay từ tên gọi của nó như Hàng Bún, Hàng Thiếc, Hàng Nón, Hàng Tre… Vỉa hè vì thế còn gắn với nền “kinh tế vỉa hè”, là nguồn sống, là sinh kế của hàng vạn người. Vỉa hè không chỉ là nơi dành cho giao thông, buôn bán mà còn là “chốn đi về”, là đời sống tinh thần gắn với tâm thức của nhiều người dân Hà Nội.
Bởi vậy, dọn dẹp vỉa hè còn là bài toán đặt ra với các nhà quản lý, hoạch định chính sách và liên quan đến các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội… Nếu không có giải pháp căn cơ, thấu đáo thì sẽ không thể giải quyết được tận gốc vấn đề và dẹp chỗ này thì lại phình ra ở chỗ kia, hoặc dễ dẫn đến những hệ lụy khác bởi “đói ăn vụng, túng làm liều” khi nguồn sống không còn đảm bảo.
Và điều đáng chú ý là trong khi công cuộc giành lại vỉa hè còn chưa có hồi kết thì lại xuất hiện ý tưởng “cho thuê vỉa hè thu tiền” của một vị kiến trúc sư ở thành phố Hồ Chí Minh và một lãnh đạo công an quận (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Liệu rằng điều này có dẫn đến tình trạng “hợp lý hóa” việc chiếm dụng vỉa hè, tạo ra những “nhóm lợi ích” khác nhau và cơ hội cho nạn bảo kê vỉa hè vốn đã và đang tồn tại khi âm thầm, lúc công khai hiện nay. Và rằng mục đích cuối cùng của việc dọn dẹp vỉa hè là giành lại chỗ cho người đi bộ có còn được đảm bảo?