Nghị quyết của châu Âu về Việt Nam là hoàn toàn sai lệch
(VOV) -Nghị quyết đã đi ngược lại tinh thần hợp tác, đối thoại, làm ảnh hưởng tới quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Ngày 18/4, Nghị viện châu Âu đã ra Nghị quyết về lĩnh vực nhân quyền của Việt Nam, trong đó đưa ra những thông tin và nhận định cho rằng, Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận.
Nghị quyết được ban hành dựa trên những thông tin hoàn toàn sai lệch về tình hình thực tế tại Việt Nam. Vì thế, nó không có tính thuyết phục và làm ảnh hưởng đến những nỗ lực xây dựng mối quan hệ đang ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Trong Nghị quyết dài 6 trang, Nghị viện châu Âu cho rằng, Việt Nam đã bỏ tù, tổ chức những phiên toà không công bằng và ra những bản án nặng nề đối với một số nhà báo, blogger của Việt Nam và coi việc làm này là vi phạm nhân quyền, mà cụ thể là quyền tự do ngôn luận của người dân. Trong đó, Nghị quyết có nhắc đến những cái tên như Nguyễn Văn Hải hay còn được biết đến với bút danh "Điếu cày"; Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải, những người đã bị toà án của Việt Nam tuyên phạt án tù vào năm ngoái với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Đồng thời, Nghị quyết này còn cho rằng, Việt Nam kiểm soát internet và blog, làm ảnh hưởng tới việc người dân thể hiện quan điểm cũng như sự bất đồng một cách công khai.
Internet được đưa về tận vùng sâu, vùng xa để người dân được tiếp cận thông tin (Ảnh: Bộ VH-TT&DL) |
Trước tiên, cũng cần nêu một vài con số, để mọi người có thể phán xét Việt Nam có thể kiểm soát internet và blog hay không? Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối tháng 6/2012, ở Việt Nam có 32,4 triệu người sử dụng internet, tăng 10,4% so với cùng thời điểm năm 2011. Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) xếp hạng Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về tốc độ phát triển internet.
Không chỉ phát triển nhanh và liên tục, mạng internet của Việt Nam còn được đánh giá là có giá thành dịch vụ thấp, trong khi chất lượng được đảm bảo. Việc quản lý hiệu quả để hạ thấp giá thành dịch vụ internet cũng như việc ngày càng mở rộng phạm vi có thể kết nối internet là những minh chứng rõ ràng cho thấy, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hết mình, tạo điều kiện để ngày càng nhiều người dân được tiếp cận và sử dụng loại dịch vụ này.
Còn về blog, theo thống kê, hiện tại ở Việt Nam có khoảng 2,5 triệu trang. Nhà nước không kiểm soát, kiểm duyệt các trang này mà khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân được bày tỏ chính kiến qua nhiều kênh, trong đó có blog. Các quy định này được tôn trọng và thực thi trên thực tế. Không chỉ được khuyến khích bày tỏ, ý kiến của người dân còn được lắng nghe và cân nhắc kỹ lưỡng. Các thông tin thu nhận được từ những nguồn này đã và đang góp phần quan trọng vào việc phòng chống tham nhũng, giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội nóng bỏng của đất nước như chính sách kinh tế vĩ mô, dự án bô-xít, Vinalines, Vinashin, các vấn đề khiếu kiện, oan sai…
Ngay trong hoạt động đang được diễn ra và nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận, đó là việc góp ý sửa đổi Hiến pháp cũng thể hiện rất rõ điều này. Hiện nay, tất cả công dân Việt Nam và cả những người Việt đang sống ở nước ngoài đều được tham gia góp ý kiến vào việc sửa đổi Hiến pháp mà Quốc hội ban hành từ năm 1992. Khi nhiều ý kiến cho rằng, ban soạn thảo cần kéo dài thêm thời gian để người dân có thêm thời gian nghiên cứu, đóng góp ý kiến thì Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tiếp thu ý kiến này và kéo dài thêm thời gian góp ý. Và cho đến nay, số ý kiến đóng góp mà Uỷ ban đã nhận được lên tới hơn 26 triệu. Nhiều ý kiến trong số này còn được lắng nghe và tiếp thu. Thực tế này đặt ra câu hỏi căn cứ vào đâu và vì sao Nghị viện châu Âu lại đưa ra những nhận định sai lệch về tình hình tự do ngôn luận ở Việt Nam?
Nếu chỉ nhìn từ các kiểu vụ việc liên quan trực tiếp đến các bloger như Nguyễn Văn Hải/ Điếu cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải mà đưa ra những nhận định đó thì thấy rõ rằng, Nghị viện châu Âu đã phiến diện và không công bằng. Các bloger này đã vi phạm luật pháp Việt Nam, mà cụ thể là điều 88 của Bộ luật Hình sự. Vì vậy, việc xét xử và bắt giữ các nhân vật này là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Quá trình xét xử cũng được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật Việt Nam, vì thế những nhận định cho rằng xét xử không công bằng là thiếu khách quan và không có căn cứ.
Hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia phản ánh đặc điểm văn hoá, lịch sử, địa lý của từng quốc gia. Vì thế, nó được coi là chuẩn mực cho hành vi của mọi công dân sống trong quốc gia đó. Đây là nguyên tắc được công nhận và thực thi không chỉ ở Việt Nam mà tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Nhiều nước châu Âu như Đức, Pháp, Bỉ… đã vận dụng nguyên tắc này, cho phép lực lượng chức năng sử dụng bạo lực để dẹp tan các hoạt động chống đối Chính phủ, mà ở đây phải kể đến vụ cảnh sát Đức đã dùng dùi cui để dẹp người biểu tình tham gia phong trào chiếm phố Wall vào tháng 5/2012 tại Đức và sau đó bắt giữ hơn 1.000 người.
Nếu xét theo cách nhìn mà Nghị viện châu Âu đang áp dụng với Việt Nam trong vấn đề nhân quyền thì việc làm này của Đức cũng có thể coi là vi phạm nhân quyền khi ngăn cản người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, thể hiện sự bất đồng trong chính sách kinh tế-thương mại toàn cầu. Song nó lại phù hợp với pháp luật của Đức. Hay như vào tháng 9/2012, cảnh sát Pháp tấn công vào những người biểu tình phản đối bộ phim “Những người Hồi giáo ngây thơ” trong khi không ngăn chặn tạp chí Charlie Hebdo đăng ảnh nhạo báng nhà tiên tri Mohammed...
Những ví dụ trên đặt ra câu hỏi rằng liệu có phải châu Âu đang áp dụng tiêu chuẩn kép đối với vấn đề nhân quyền, hay cụ thể ở đây là quyền tự do ngôn luận. Châu Âu tự cho mình là những người được đặt ra tiêu chuẩn, mà tiêu chuẩn đó có thể cao hơn cả hệ thống pháp luật của một quốc gia khác và từ đó đưa ra những phán xét lệch lạc, thiếu khách quan nhằm gây sức ép với một quốc gia khác. Như vậy rõ ràng là không công bằng và thật khó chấp nhận.
Trong bối cảnh Việt Nam và Liên minh châu Âu đang có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai bên về cả bề rộng, lẫn chiều sâu, Nghị quyết này của Nghị viện châu Âu đi ngược lại tinh thần hợp tác, đối thoại chung, làm ảnh hưởng tới tương lai quan hệ giữa hai bên./.