Phi công Pakistan tại Việt Nam: Vì sao “Ông nói gà, bà nói vịt”?
VOV.VN -Cục HKVN khẳng định đã cấp chứng chỉ cho 27 phi công Pakistan. Trong đó, Vietjet Air 17, Vietnam Airlines 6 và Jetstar Pacific có 4 phi công.
Ngay sau khi Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) công bố có 27 phi công Pakistan làm việc cho các hãng bay trong nước, đồng loạt các hãng ra thông cáo khẳng định không có.
Việt Nam tạm dừng bay nhiều phi công Pakistan sau nghi vấn giả mạo bằng lái. |
Cụ thể, trong ngày 28/6, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vasco cho biết đã kiểm tra và khẳng định hiện tại toàn bộ phi công nước ngoài của hãng không mang quốc tịch Pakistan, hoặc sử dụng bằng cấp, chứng chỉ do Pakistan cấp.
Vietjet cũng khẳng định không có phi công Pakistan "đang làm nhiệm vụ". Trong tổng số 27 phi công Pakistan làm việc tại các hãng hàng không, có 11 phi công làm việc tại Vietjet.
Bamboo Airways cũng khẳng định, “toàn bộ phi công trong biên chế của hãng không mang quốc tịch Pakistan, không sử dụng bằng cấp, chứng chỉ do Pakistan cấp. Toàn bộ số phi công nước ngoài của Bamboo Airways phần lớn đến từ Anh, Đức, Italy, Pháp, Mỹ, Brazil, Australia...
Tuy nhiên, theo thông tin tối 28/6, Cục HKVN cho biết, qua rà soát, Cục đã cấp chứng chỉ tại Việt Nam cho 27 phi công mang quốc tịch Pakistan, trong đó, Vietjet 17 phi công, Vietnam Airlines 6 phi công và Jetstar Pacific có 4 phi công.
Hiện tại, số phi công quốc tịch Pakistan đang có mặt ở Việt Nam là 12 người, trong đó, 11 phi công của Vietjet và 1 phi công Jetstar Pacific, 15 phi công khác thời gian qua có thể đã rời Việt Nam về nước vì dịch Covid-19.
Vì sao lại có sự chênh lệch số liệu, trong báo cáo giữa Cục HKVN và các hãng như vậy. Việc “ông nói gà, bà nói vịt” ở đây là gì?
Cục trưởng Cục HKVN khẳng định, trong số 27 phi công Pakistan bị tạm đình chỉ, ngoài 15 phi công đã chấm dứt hợp đồng lao động về nước, còn 12 phi công (gồm 11 phi công Pakistan của Vietjet và 1 phi công của Jetstar Pacific) vẫn đang trong hợp đồng. |
Trao đổi với phóng viên VOV sáng nay (29/6) bên lề Lễ khởi công sửa chữa, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất tại Nội Bài (Hà Nội) về việc vì sao các hãng khẳng định là không còn phi công Pakistan nào đang làm việc, nhưng Cục HKVN vẫn khẳng định có, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục HKVN khẳng định, trong số 27 phi công Pakistan bị tạm đình chỉ, ngoài 15 phi công đã chấm dứt hợp đồng lao động về nước, còn 12 phi công (gồm 11 phi công Pakistan của Vietjet và 1 phi công của Jetstar Pacific) vẫn đang trong hợp đồng.
“Bằng phi công có hiệu lực 5 năm, chứng chỉ năng định (kiểm tra, thẩm định năng lực phi công) do Cục HKVN cấp có hiệu lực 12 tháng, trong thời gian đó thì phi công có quyền đăng ký xin việc bình thường tại các thị trường khác. Việc Cục Hàng không thống kê số lượng phi công dựa trên thời hạn hiệu lực của chứng chỉ do Cục HKVN cấp”, ông Thắng cho biết.
Về việc vì sao theo thống kê của Cục HKVN vẫn còn 1 phi công Jetstar Pacific đang làm việc, nhưng hãng khẳng định không có, đại diện Jetstar Pacific cho biết, phi công Pakistan này đã về nước từ khi dịch Covdi-19 xảy ra, hiện không còn ở Việt Nam và không bay cho Jetstar Pacific.
Hiện chưa có kết luận cuối cùng về việc phi công Pakistan tại Việt Nam có sử dụng bằng giả hay không. |
Sẽ thu hồi bằng lái nếu phát hiện vi phạm
Liên quan đến quy trình kiểm tra bằng của 27 phi công Pakistan nêu trên, ông Đinh Việt Thắng cho biết, hiện Cục HKVN đã gửi đề nghị sang phía Pakistan, nhà chức trách nước này phải có trách nhiệm trả lời Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
“Nếu Pakistan nói bằng hợp pháp, hợp chuẩn thì các hãng vẫn sẽ sử dụng các phi công đó bình thường, vì bằng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và đã được Cục Hàng không kiểm tra năng lực trước đó. Nhưng trường hợp bằng cấp, chứng chỉ không đảm bảo, chúng tôi sẽ thu hồi bằng và không cho phép phi công hoạt động tại Việt Nam”, ông Thắng khẳng định.
Cũng theo lãnh đạo Cục HKVN, quy trình kiểm tra bằng cấp, chứng chỉ và năng lực phi công của Cục rất chặt chẽ, theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO.
Đã đình chỉ bay gần 20 phi công Pakistan đang làm việc tại Việt Nam
“Từ trước tới nay, Cục chưa phát hiện trường hợp phi công nào gian lận về bằng lái, vì trước khi cấp chứng chỉ tại Việt Nam đều có kiểm tra và xác định từ nhà chức trách nơi cấp bằng”, ông Thắng cho biết.
Theo ông Đinh Việt Thắng, dù đã có bằng gốc do Pakistan cấp, nhưng trước khi được làm việc tại Việt Nam, các phi công này phải trải qua quá trình đào tạo huấn luyện bay đầy đủ cả về lý thuyết, thực hành, bay chuyển loại trên SIM và được giám sát chặt chẽ theo quy định của pháp luật Việt Nam, được Cục Hàng không cấp bằng lái để sử dụng làm việc tại Việt Nam./.