Phần Lan bảo vệ sườn Đông Bắc NATO ra sao trong bối cảnh xung đột Ukraine?
VOV.VN - Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO tạo ra một thực tế chiến lược mới ở Bắc Âu, mang lại nhiều lợi thế cho NATO ở khu vực này trong thế đối đầu với Nga. Riêng Phần Lan sẽ kết nối sườn Đông và sườn Tây của NATO.
NATO nhiệt liệt ủng hộ Phần Lan gia nhập do vị thế đặc biệt của họ
Sau khi Nga phát động tiến công Ukraine vào tháng 2/2022, Phần Lan liền tái đánh giá các nền tảng trong học thuyết an ninh của mình, dẫn tới việc Helsinki xin gia nhập khối quân sự NATO. Sau một thời gian ngắn chần chừ, Thụy Điển cũng theo gương đối tác thân cận nhất của mình.
Cặp đôi Bắc Âu này nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ một cách áp đảo. Thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell đã gọi đây là điều chắc chắn đạt được cho nền an ninh Mỹ. Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 95-1 để đưa Phần Lan và Thụy Điển vào NATO. Các đồng minh của Mỹ cũng hoan nghênh động thái này. Tính đến tháng 10 này, 28 trong số 30 quốc gia thành viên của NATO đã phê chuẩn cho hai quốc gia trên gia nhập liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương.
Phần Lan và Thụy Điển vừa có những đặc điểm tương đồng, gần gũi, vừa có những nét riêng khi gia nhập NATO. Mục đích và lợi ích của họ một khi ở trong NATO phản ánh các văn hóa chiến lược khác nhau và những vị trí địa chiến lược khác biệt.
Thuy Điển được xem là bàn đạp trọng yếu cho NATO mở các chiến dịch quân sự ở Bắc Âu, bao gồm Biển Baltic. Trong khi đó, Phần Lan là quốc gia tuyến đầu, nằm cận kề không chỉ thành phố Saint Petersburg của Nga mà còn cả bán đảo Kola - nơi đặt đại bản doanh của Hạm đội phương Bắc của Nga với năng lực tấn công hạt nhân đáp trả.
Vị trí địa chiến lược của Phần Lan sẽ đưa nước này trở thành cánh sườn Đông Bắc của khối NATO. Nói cách khác, Phần Lan không chỉ là một quốc gia Baltic mà còn là quốc gia Bắc cực. Nếu trở thành thành viên của NATO, Phần Lan sẽ kết nối các sườn phía Đông và phía Bắc của khối quân sự này, tăng cường đáng kể thế đứng của liên minh này ở các vùng chính của NATO có sự cọ xát với Nga. Việc Phần Lan được kết nạp vào NATO do vậy sẽ có tác động đáng kể lên diễn biến năng lực răn đe của NATO và tư thế phòng thủ của khối này trước Nga.
Bên cạnh đó, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO có tiềm năng dẫn tới sự phân chia lao động mới trong lĩnh vực an ninh ở khu vực Bắc Âu.
Cường quốc Bắc Âu
Vùng Biển Baltic trở thành điểm nóng tiềm tàng giữa NATO và Nga sau khi Nga căng thẳng quân sự với Ukraine vào năm 2014. Phản ứng lại diễn biến đó, NATO nâng cao mức độ sẵn sàng chiến đấu, vạch ra các kế hoạch tác chiến mới cho khu vực và thiết lập các nhóm chiến đấu đa quốc gia để bảo đảm sự bảo vệ chắc chắn cho các quốc gia Baltic và Ba Lan.
Sau khi Nga mở chiến dịch tấn công Ukraine vào năm 2022, NATO còn chú ý hơn nữa tới toàn bộ sườn phía Đông, mở rộng từ Biển Baltic tới Biển Đen.
Nói như thế có nghĩa là vùng Biển Baltic vẫn dễ xảy ra căng thẳng giữa Nga và NATO, nhất là khi Nga không bộc lộ dấu hiệu sẵn sàng lùi bước. Các nước Baltic đã kêu gọi sự hiện diện mạnh mẽ và lâu dài của khối này trong khu vực.
Việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ giúp khối quân sự này nâng cao năng lực bảo vệ các nước Baltic, đặc biệt là Estonia. Khi ấy, không phận, lãnh thổ và hải cảng của Phần Lan sẽ nằm trong tay các lực lượng NATO để họ dễ sử dụng.
Khoảng cách giữa bờ biển phía Nam của Phần Lan và bờ biển phía Bắc của Estonia là từ 80-120km, tức là nằm gọn trong tầm tấn công chính xác đang phát triển của Phần Lan. Giới lãnh đạo quân sự cấp cao của Phần Lan đã chỉ ra rằng năng lực tác chiến tầm xa của các chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Phần Lan là nhằm răn đe Nga tiến hành tập trung binh lực lớn ở gần Phần Lan.
Phần Lan gia nhập NATO cũng sẽ nâng cao thế đứng của khối này trên Biển Baltic.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia gần đây gợi ý rằng với tư cách là đồng minh của NATO, Phần Lan và Estonia có thể tích hợp lực lượng phòng thủ bờ biển của họ để giúp khối quân sự này chặn khả năng tiếp cận của hải quân Nga đối với Biển Baltic thông qua nút thắt cổ chai ở vịnh Phần Lan.
Cường quốc Bắc cực
Thế cân bằng chiến lược ở vùng Bắc cực đã nghiêng về Nga trong vài năm gần đây. Vào giữa thập niên 2000, Moscow quyết định tái ưu tiên khu vực Bắc cực. Nguồn tài nguyên của vùng này cũng như ý nghĩa quân sự của nó là điều thiết yếu đối với tham vọng đại cường của Nga. Nga đã tiến hành xây dựng lực lượng quân sự của mình tại đây, thể hiện năng lực qua các cuộc tập trận và thử tên lửa.
Để ứng phó với các thách thức an ninh đó từ Nga, NATO đã phải cập nhật cấu trúc chỉ huy của mình, đáng chú ý là tái kích hoạt Bộ chỉ huy Đại Tây Dương nhằm “bảo vệ các tuyến hàng hải giữa châu Âu và Bắc Mỹ”. Ngoài ra, NATO đã tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên ở Bắc cực như là cuộc tập trận Phản ứng Lạnh ở Na Uy.
Như vậy, NATO chưa hình thành một chiến lược rõ ràng để răn đe Nga ở vùng Bắc cực. Nhưng các hành động của Nga ở Ukraine vào năm 2014 và năm 2022 đã thúc đẩy NATO khẩn trương hơn trong vấn đề này.
Vào cuối tháng 8/2022, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố khối đang đẩy mạnh hoạt động ở vùng Bắc cực.
Mặc dù Phần Lan không phải là một quốc gia duyên hải Bắc cực, việc nước này gia nhập NATO sẽ giúp khối theo hướng đó. Có thêm Phần Lan, NATO sẽ có gần như 120 máy bay tiêm kích F-35 ở Bắc Âu cho tới cuối thập niên 2020.
Ngoài ra, pháo binh tầm xa của Phần Lan (một trong những lực lượng mạnh nhất châu Âu) cũng là một lợi thế cho NATO trong việc răn đe Nga thực hiện các chiến dịch trên bộ ở Bắc Fennoscandia - một vùng đệm trọng yếu bảo vệ các tuyến đường biển của Bắc Đại Tây Dương.
Bên cạnh đó, Phần Lan cũng sở hữu năng lực tác chiến đáng gờm trên địa bàn Bắc cực, có thể góp phần vào việc hình thành một sư đoàn Bắc cực trong thời gian ngắn./.