Bầu cử Mỹ: “Tiền” có thể giúp các ứng cử viên giành phiếu? 

VOV.VN - Chi phí đắt đỏ của mỗi mùa bầu cử ở Mỹ luôn là một vấn đề được thảo luận rộng rãi. Chắc hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi “Nhiều tiền liệu có thể giúp các ứng cử viên giành chiến thắng?”. 

Cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ 2 cũng là lần cuối cùng giữa hai ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ năm nay là Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên của Đảng Dân chủ Joe Biden đã diễn ra tại Đại học Belmont, Nashville, bang Tennessee.

 “Theo dự báo của một trung tâm nghiên cứu chính trị Mỹ, tổng số tiền chi cho các cuộc bầu cử liên bang vào cuối năm nay có thể lên tới gần 11 tỷ USD, thậm chí còn cao hơn nữa. Vào năm 2016, tổng chi phí mà Ủy ban Chính trị Liên bang và các ứng cử viên chi ra chỉ rơi vào khoảng 6,5 tỷ USD. Cuộc bầu cử năm 2012 cũng chỉ tiêu tốn 6,3 tỷ USD.

Thậm chí, theo Business Insider, ngay cả trong trường hợp các bên ngừng bơm thêm tiền ngay lúc này thì cuộc đua vào Nhà trắng năm 2020 vẫn đạt danh hiệu “cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Tổng chi phí cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội cho đến nay là 7,2 tỷ USD. Trong đó, Đảng Dân chủ chi nhiều hơn các đối thủ của Đảng Cộng hòa”.

Vào mỗi mùa bầu cử Mỹ, ngoài các vấn đề chính trị, cương lĩnh tranh cử của các ứng cử viên, các buổi tranh luận trực tiếp, thông tin mà mọi người quan tâm chính là nguồn quỹ tranh cử của các ứng cử viên.

Chi phí khủng

Nguồn quỹ tranh cử đóng một vai trò khá quan trọng trong các hoạt động vận động cử tri và thậm chí còn là một trong những yếu tố đóng góp vào thắng lợi của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ, mặc dù điều này không phải lúc nào cũng đúng. Chi phí cho một chiến dịch tranh cử Tổng thống ở Mỹ là cực kỳ tốn kém và các ứng cử viên cùng với Đảng của mình phải ra sức huy động và sử dụng số tiền khổng lồ lên tới hàng tỉ USD cho chiến dịch tranh cử.

Vận động gây quỹ là nguồn tiền đóng vai trò rất lớn trong chi phí tranh cử của các ứng viên Tổng thống tại Mỹ. Tuy nhiên, luật pháp Mỹ qui định việc đóng góp cho các quỹ tranh cử của các ứng cử viên cực kỳ chặt chẽ, nhằm ngăn chặn nguy cơ một số cá nhân có thể dùng tiền đóng góp để thao túng ứng cử viên nói riêng và cuộc bầu cử nói chung. Từ năm 1907, Mỹ đã có hàng loạt đạo luật liên quan đến vấn đề đóng góp cho kinh phí tranh cử. Luật Mỹ hiện nay có qui định cho phép bất cứ người dân Mỹ nào có đóng thuế thu nhập đều có thể trích 3 USD ủng hộ quỹ bầu cử công cộng. Quỹ này sẽ tài trợ một phần chi phí tranh cử cho các ứng viên và đảng phái như chi cho đại hội toàn quốc của Đảng, tài trợ cho các ứng cử viên…

Nhưng số tiền tài trợ từ quỹ bầu cử công cũng không đáng kể gì so với tổng chi phí của cả chiến dịch tranh cử kéo dài suốt một năm ròng nên cả hai đảng lớn đều phải tích cực vận động, tìm cách thu hút nhiều nguồn tài trợ khác mà luật pháp cho phép. Kể từ năm 1970, ở Mỹ có ba nguyên tắc chính điều chỉnh luật tài trợ tranh cử Liên bang, áp dụng cho tất cả các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội: Một là công khai tài chính, hai là cấm một số nguồn tài trợ, ba là hạn chế một số nguồn tài trợ.

Quy định cấm một số nguồn tài trợ nhắm đến đối tượng là các tập đoàn, ngân hàng lớn, các nghiệp đoàn có thể sử dụng tiền của mình để gây ảnh hưởng đối với ứng cử viên nói riêng và các cuộc bầu cử Liên bang nói chung. Các quỹ dành cho vận động tranh cử của công dân nước ngoài cũng bị cấm sử dụng trong tất cả các cuộc bầu cử tại Mỹ. Người nước ngoài không được đóng góp cho các ứng cử viên như những người có “Thẻ xanh”. Việc sử dụng tiền của quỹ bầu cử như thế nào cũng có qui định chặt chẽ. Trong đó, để đảm bảo cạnh tranh công bằng, có qui định về số chi phí tối đa mỗi ứng cử viên có thể sử dụng để vận động tranh cử ở từng bang và tương ứng với số tiền tài trợ của quỹ bầu cử công dành cho các ứng cử viên.

Các chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ từ trước tới nay vẫn luôn tốn kém, đòi hỏi khoản tiền lớn để các ứng cử viên quảng bá tên tuổi và hình ảnh khắp cả nước. Ước tính, số tiền tranh cử trong mỗi cuộc bầu cử mới đều lớn hơn so với trước đó và con số này đã tăng mạnh trong thế kỷ 21.

** Cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000, ông George W, Bush đã dành tới 200 triệu USD để đua vào Nhà Trắng. Đối thủ của ông Bush khi ấy là ông Al Gore cũng mạnh tay chi số tiền tương đương nhưng đã để thua sát nút ở bang Florida.
** Tiếp đến, vào năm 2004, ông Bush đã bỏ ra khoản tiền lớn chưa từng có để tranh cử trị giá 345 triệu USD và ông đã giành chiến thắng.
** Số tiền các ứng cử viên bỏ ra để tranh cử tiếp tục tăng lên. Vào năm 2008, ông Barrack Obama đã mạnh tay bỏ ra số tiền 730 triệu USD để giành vị trí ông chủ Nhà Trắng. Trong khi đó, đối thủ đảng Cộng hòa của ông Obama là John McCain chỉ dành 330 triệu USD để tranh cử. 
** Năm 2012, ông Obama tiếp tục bỏ ra khoản tiền tương đương 722,4 triệu USD để tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ Tổng thống nữa.
Những con số nêu trên chỉ ra rằng, thông thường những ứng viên chi mạnh tay cho chiến dịch tranh cử hơn sẽ giành chiến thắng. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi vào năm 2016 khi bà Hillary Clinton thua sát nút trước đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump dù đã bỏ ra khoản tiền gần gấp đôi so với ông Trump.

Năm nay, cuộc đua ngân sách giữa hai ứng viên Trump và Biden diễn ra thế nào?

Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là tới ngày bầu cử và theo một số nguồn phân tích thì tình hình tài chính của chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump đang không được tốt so với đối thủ Joe Biden. Quỹ tranh cử của ông Joe Biden đã vượt hơn 200 triệu USD so với Tổng thống Trump vào tháng 9 và tiếp tục tăng lên vào tháng 10. Chiến dịch tranh cử của ông Biden bắt đầu tháng 10 với 432 triệu USD so với 251 triệu USD của chiến dịch tranh cử của ông Trump. Hiện tại, ông Biden có 177 triệu USD để phục vụ tranh cử, gấp gần 3 lần so với 63 triệu USD còn lại trong ngân sách của ông Trump.

Việc bị hao hụt quỹ tranh cử là một bất lợi đáng kể đối với ông Trump, cụ thể là đối thủ của ông đang có nhiều tiền hơn và ít bị hạn chế trong chi tiêu cho quảng cáo tranh cử vào thời điểm quan trọng nhất của cuộc bầu cử, khi hàng chục triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm. Trong khi đó, ông Trump đã phải cắt giảm quảng cáo trên truyền hình tại một số bang chiến địa quan trọng và đây được coi là một trong những yếu tố khiến ông Trump bị đối thủ của mình dẫn trước trong 1 thời gian dài tại hầu hết các cuộc khảo sát trên toàn quốc, tuy nhiên, tại các bang chiến địa quan trọng, ông Trump đã rút ngắn được khoảng cách với đối thủ. 

Theo Advertising Analytics, chiến dịch của ông Biden đã đặt mua quảng cáo truyền hình với số tiền 162 triệu USD trong thời gian từ 1/10 đến ngày bầu cử, trong khi chiến dịch của ông Trump chỉ đặt 79 triệu USD. Sự chênh lệch trong chi tiêu quảng cáo trên truyền hình thậm chí còn rõ ràng hơn ở 3 bang mà ông Trump đã giành chiến thắng để đắc cử tổng thống vào năm 2016. Tại 2 bang chiến địa Pennsylvania và Wisconsin, số tiền quảng cáo tranh cử của ông Biden gấp 4 lần ông Trump. Khoảng cách chênh lệch đã thu hẹp hơn ở Michigan, nơi ứng viên đảng Dân chủ chi 15,3 triệu USD tiền quảng cáo và ông Trump chi 4 triệu USD.

Khi chỉ còn gần 2 tuần nữa là tới ngày bầu cử 3/11, tình hình tài chính cho chiến dịch tranh cử có vẻ khá tồi tệ đối với nhà lãnh đạo Mỹ. Ông Biden đã chi 63,8 triệu USD cho quảng cáo truyền hình tại 20 tiểu bang, trong khi ông Trump chỉ bỏ ra 31,9 triệu USD và Tổng thống Trump cũng thường xuyên hủy quảng cáo tranh cử đã đặt mua ở Ohio, Iowa, New Hampshire và các bang khác trước giờ phát sóng.

Tác động của “tiền” lên cuộc vận động tranh cử năm nay?

Trên thực tế, vấn đề tài chính, gây quỹ không hẳn là yếu tố quyết định thắng lợi của các ứng cử viên, cụ thể như chúng ta đã thấy trong năm 2016 khi ông Trump mới là người thắng cử mặc dù chiến dịch của bà Hillary Clinton chi nhiều tiền hơn. Tại thời điểm năm 2016 thì yếu tố bất ngờ cộng với tính cách cá nhân đã giúp ông Trump thắng cử. Tuy nhiên, cần nhớ rằng ông Trump hiện nay không phải là ông Trump của 4 năm trước mà ông đang là đương kim Tổng thống Mỹ, do đó ông cần thể hiện bản thân mình trên cương vị người đứng đầu đất nước với các chính sách, đường hướng cụ thể vượt trội so với ứng cử viên Joe Biden để có thể giành được tấm vé ở lại Nhà Trắng thêm 1 nhiệm kỳ nữa. Tuy nhiên, tới thời điểm này thì cá nhân ông Trump vẫn chưa thực sự đưa ra được cách tiếp cận thuyết phục với những vấn đề lớn của đất nước trong khi hoạt động gây quỹ cũng không khả quan so với đối thủ của mình.

Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của ông Biden và đảng Dân chủ đang thể hiện khá tốt trong việc gây quỹ và chính việc có nhiều kinh phí cho các hoạt động quảng cáo đã mang lại kết quả khá tốt cho ông Biden trong các cuộc khảo sát trên toàn quốc và tại một số bang chiến địa. Điều này cho thấy việc chi nhiều tiền cho chiến dịch quảng cáo có thể đã có tác động tích cực tới tâm lý cử tri. Tuy nhiên, kết quả các cuộc khảo sát cũng không hẳn là cơ sở đảm bảo chiến thắng của các ứng cử viên như những gì diễn ra năm 2016. Chính vì vậy, khó có thể nói “tiền” là yếu tố giúp các ứng cử viên giành phiếu mà điều này cần kết hợp với yếu tố chiến lược chính trị đúng đắn của mỗi ứng cử viên. 

Cuộc đua Tổng thống Mỹ đang gay cấn hơn bao giờ hết khi cả hai ứng viên hiện nay đều đang theo sát nhau cả về chiến lược tranh cử và cả “cuộc đua” về gây quỹ để tạo lợi thế trước đối phương. Sau màn tranh luận trưc tiếp hôm nay giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden, ngân quỹ của hai ứng cử viên này sẽ có sự biến động. Đó cũng sẽ là một trong những yếu tố quyết định đến kết quả chung cuộc vào ngày 3/11 tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cuộc đua gay cấn giữa Trump và Biden ở các bang chiến địa
Cuộc đua gay cấn giữa Trump và Biden ở các bang chiến địa

VOV.VN - Tổng thống Trump vẫn đang phải “đuổi theo” đối thủ Joe Biden trong các cuộc thăm dò trên cả nước, tuy nhiên khoảng cách đã có sự thay đổi, trong đó có các bang chiến địa.

Cuộc đua gay cấn giữa Trump và Biden ở các bang chiến địa

Cuộc đua gay cấn giữa Trump và Biden ở các bang chiến địa

VOV.VN - Tổng thống Trump vẫn đang phải “đuổi theo” đối thủ Joe Biden trong các cuộc thăm dò trên cả nước, tuy nhiên khoảng cách đã có sự thay đổi, trong đó có các bang chiến địa.

Video: Trump bị tắt micro khi đang nói, vẫn khen người điều phối tranh luận
Video: Trump bị tắt micro khi đang nói, vẫn khen người điều phối tranh luận

VOV.VN - Ông Trump bị tắt micro trước khi kết thúc câu nói trong cuộc tranh luận ngày 22/10, nhưng ông vẫn khen ngợi vai trò điều tiết của phóng viên NBC News Kristen Welker trong cuộc tranh luận.

Video: Trump bị tắt micro khi đang nói, vẫn khen người điều phối tranh luận

Video: Trump bị tắt micro khi đang nói, vẫn khen người điều phối tranh luận

VOV.VN - Ông Trump bị tắt micro trước khi kết thúc câu nói trong cuộc tranh luận ngày 22/10, nhưng ông vẫn khen ngợi vai trò điều tiết của phóng viên NBC News Kristen Welker trong cuộc tranh luận.

Chris Wallace cảm thấy “ghen tị” với người dẫn dắt cuộc tranh luận tổng thống thứ hai
Chris Wallace cảm thấy “ghen tị” với người dẫn dắt cuộc tranh luận tổng thống thứ hai

VOV.VN - Chris Wallace, người dẫn dắt cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa Trump và Biden đã bày tỏ sự ghen tị khi xem Kristen Welker điều phối cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ứng viên vào ngày 22/10.

Chris Wallace cảm thấy “ghen tị” với người dẫn dắt cuộc tranh luận tổng thống thứ hai

Chris Wallace cảm thấy “ghen tị” với người dẫn dắt cuộc tranh luận tổng thống thứ hai

VOV.VN - Chris Wallace, người dẫn dắt cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa Trump và Biden đã bày tỏ sự ghen tị khi xem Kristen Welker điều phối cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ứng viên vào ngày 22/10.