"Hồi sinh" sông Tô Lịch: Cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp
VOV.VN - Nhiều chuyên gia tán thành việc đưa nước sạch từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, tuy nhiên, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, tính toán căn cơ các vấn đề kỹ thuật và kinh tế.
Cần tính toán kỹ để đạt hiệu quả tối đa khi đưa nước sông Hồng vào Tô Lịch
Mới đây, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội Hà Nội tháng 2/2021, ông Hoàng Cao Thắng - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các đơn vị liên ngành của TP Hà Nội đã khảo sát và đưa ra phương án bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc, nhằm cải thiện chất lượng nước con sông này.
Theo ông Thắng, phương án này không chỉ giúp bổ cập cho sông Tô Lịch mà cho cả sông Nhuệ. Về lâu dài thành phố Hà Nội sẽ triển khai dự án nâng cấp, xây dựng mới cống Liên Mạc nhằm đảm bảo việc tưới tiêu nông nghiệp và bổ cập nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ. Tuy nhiên, trước mắt khi dự án chưa thực hiện, các đơn vị liên quan lên kế hoạch "xây 8 trạm bơm dã chiến tại khu vực cống Liên Mạc để bổ cập nước cho sông Nhuệ, sông Tô Lịch, công suất dự kiến khoảng 9 m3/s".
Liên quan đến ý tưởng này, GS.TS Nguyễn Chiến (chuyên gia đầu ngành về công trình thủy và thủy lợi, nguyên Chủ nhiệm khoa Công trình thủy lợi - Trường Đại học Thủy lợi) cho biết: "Đây là việc làm cần thiết nhưng với những máy bơm lưu động thì mới chỉ là việc trước mắt. Chúng ta cần phải có giải pháp căn cơ cho việc xử lý ô nhiễm ở sông Tô Lịch. Nếu làm sống lại sông Tô Lịch thì cần thống nhất phương án làm lâu dài và cần làm đồng bộ theo 4 bước: Đầu tiên cần gom nước thải sinh hoạt theo đường đi riêng vào các nhà máy xử lý để làm sạch mới cho ra sông (thực tế Hà Nội đã và đang thực hiện ở nhà máy Yên Xá). Tiếp đến là dùng công nghệ xử lý ban đầu lòng sông, thứ 3 là tạo ra dòng chảy thường xuyên và bước cuối cùng là tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của người dân để giữ gìn môi trường bằng cách không xả rác, chất thải ra sông Tô Lịch nữa”.
Về ý tưởng dùng 8 trạm bơm lưu động bơm nước vào sông Tô Lịch, GS.TS Nguyễn Chiến cho rằng: “Việc dùng 8 trạm bơm lưu động bơm nước vào sông Tô Lịch cần tính toán tính lưỡng giữa yếu tố kỹ thuật và kinh tế. Theo tôi chúng ta nên xây dựng theo mô hình cống 2 cửa giúp lấy nước vào rửa trôi, tạo dòng chảy để làm giảm ô nhiễm vừa tạo điều kiện để phát triển giao thông thủy. Cụ thể, cửa 1 chuyên bơm nước vào khi sông Hồng khô kiệt, cửa 2 được mở lấy nước tự do khi sông Hồng có mực nước lên cao tạo dòng chảy đối lưu cho sông Tô Lịch”.
PGS. TS Trần Đức Hạ (Viện trưởng Viện Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam) cũng cho rằng: “Đề xuất lấy nước sông Hồng vào sông Tô Lịch là phù hợp với quy hoạch của thành phố, là giải pháp tốt và nên làm. Tuy nhiên, việc xây dựng, lắp đặt 8 trạm bơm lưu động để bơm nước từ sông Hồng sang sông Tô Lịch thì Hà Nội cần phải xem xét, tính toán kỹ lưỡng nhiều vấn đề, từ tính căn cơ, lâu dài cho đến chi phí thực hiện".
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Nói vấn đề này, GS.TS. NGND. Trần Hiếu Nhuệ (Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho biết: “Tôi rất đồng tình với ý tưởng đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch. Ý tưởng này đã được đề cập từ trước năm 1985 (hợp tác nghiên cứu, đánh giá giữa Việt Nam và Liên Xô), tuy nhiên, chúng ta chưa có điều kiện thực hiện. Điều kiện hiện nay cho phép chúng ta thực hiện được các dự án lớn như dự án này, nên cố gắng thực hiện làm sao cho đồng bộ và đạt hiệu quả”.
Theo GS.TS. NGND. Trần Hiếu Nhuệ, để làm sạch sông Tô Lịch không thể làm riêng lẻ theo các bước, cần phải thực hiện đồng bộ theo phương án tổng thể.
“Phải làm đồng bộ các phương án, vừa thu gom nước thải về nhà máy xử lý, đồng thời xử lý phần ô nhiễm dưới lòng sông, kết hợp bơm, dẫn nước sạch từ sông Hồng vào thì mới đạt hiệu quả. Nếu không xử lý lòng sông đã bị ô nhiễm mấy chục năm nay mà chỉ làm 1-2 bước khác thì sẽ không đạt yêu cầu, rất khó để xử lý triệt để ô nhiễm tại sông Tô Lịch”, GS.TS. NGND. Trần Hiếu Nhuệ nhấn mạnh.
Chia sẻ về ý kiến, chỉ cần nạo vét hết lớp bùn ô nhiễm dưới sông Tô Lịch, kết hợp lấy nước sạch sông Hồng vào rửa trôi trong khi nước thải đã được thu gom về nhà máy xử lý thì có thể giải quyết được ô nhiễm, GS.TS. NGND. Trần Hiếu Nhuệ cho rằng: “Nếu nạo, hút lớp bùn dưới lòng sông Tô Lịch thì mới chỉ làm giảm bớt mức độ ô nhiễm đi chứ không giải quyết triệt để hết ô nhiễm”.
Trước đó, từ 18/5/2020, UBND Hà Nội tổ chức lễ động thổ gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Hà Nội). Hệ thống này dài 21 km, trong đó có hơn 11 km đi ngầm dưới lòng sông (từ đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, đến cầu Quang, huyện Thanh Trì). Dự án do nhà thầu TEKKEN (Nhật Bản) triển khai bằng công nghệ khoan kích ngầm với tổng tiến độ thi công dự kiến trong 48 tháng.
Dự án xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000m3/ngày đêm đang triển khai 4 gói thầu, dự kiến 2024 sẽ đi vào hoạt động, góp phần nâng tỷ lệ xử lý nước thải của thành phố lên khoảng 50-55%.
Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, bao gồm gói thầu số 1 là nhà máy nước thải Yên Xá đặt ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì có công suất 270.000 m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874 ha. Dự án có tổng mức đầu tư 16.293 tỉ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của thành phố./.