10 năm sáp nhập về Hà Nội, xã nghèo miền núi Yên Bình đổi thay diệu kỳ
VOV.VN - 10 năm sau sáp nhập về Hà Nội, kinh tế Yên Bình một xã nghèo miền núi thuộc huyện Lương Sơn, Hòa Bình đã đổi thay diệu kỳ.
10 năm sau sáp nhập địa giới hành chính về với Hà Nội, với nguồn lực đầu tư mới nhiều địa phương đã có cơ sở hạ tầng hàng phát triển, đời sống kinh tế xã hội thay đổi tích cực, cuộc sống người dân được nâng cao.
Bộ mặt nông thôn xã vùng cao Yên Bình nhiều đổi thay sau 10 năm sáp nhập về Hà Nội.
Sau 10 năm sáp nhập, Yên Bình là một trong những địa phương diện mạo kinh tế nông thôn đã có sự phát triển diệu kỳ. Nếu như trước đây Yên Bình và 2 xã khác là Yên Trung, Tiến Xuân là 3 xã miền núi thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, cơ sở vật chất gần như không có gì, hệ thống giao thông trên 90% là đường đất, mùa mưa lầy lội, giao thông bị chia cắt. Hồ thủy lợi xây dựng từ thập kỷ 60 của thế kỷ 20, hệ thống kênh mương hoàn toàn chưa được xây dựng; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa hầu hết là nhà cấp 4 xuống cấp trầm trọng, hệ thống điện do nhân dân đóng góp xây dựng chất lượng không cao, có thôn chưa có điện lưới.
Việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, cùng với trình độ nhận thức ứng dụng khoa học thấp (40% bà con dân tộc Mường) dẫn tới năng suất, sản lượng không cao, thu nhập trên ha canh tác thấp. Năm 2007, thu nhập trên ha canh tác mới đạt 72 triệu/ha, thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hồ nghèo khá cao chiếm 14,5%. Tuy nhiên, 10 năm qua, 3 xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân của huyện Thạch Thất đã được đầu tư gần 736 tỷ đồng để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó, riêng xã Yên Bình được đầu tư trên 250 tỷ đồng.
Một ngôi nhà tại thôn Dục, xã Yên Bình. |
Từ nguồn lực này, xã đã triển khai trên 23 công trình, dự án, như xây mới và xây thêm trường Trung học cơ sở, trường Tiểu học và Mầm non; thay thế đường điện hạ thế, trạm biến áp; xây dựng mới 8 công trình đường giao thông trong các thôn, 2 đường giao thông liên thôn, liên xã; 1 nhà văn hóa trung tâm xã, làm nhà ở cho hộ nghèo; nạo vét và kè 2 hồ thủy lợi, đồng thời, xây mới 6 công trình mương phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt các chính sách, dự án đối với các xã miền núi được phân cấp cho xã làm chủ đầu tư phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế đồng bào dân tộc được triển khai hiệu quả như hỗ trợ khoa học kỹ thuật, giống, phân bón trong việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp với vốn 2,3 tỷ đồng. Hình thành các mô hình phát triển, cây màu, nuôi ong, dê sinh sản. Chuyển đổi vườn tạp và đồi cho thu nhập thấp sang mô hình vườn đồi trông bưởi, thanh long ruột đỏ, cây ăn quả, trồng hòa.
Đặc biệt, các mô hình trồng rau an toàn, phát triển kinh tế đồi rừng, trang trại chăn nuôi…, điển hình như trang trại Hoa Viên quy mô 60 ha cung cấp ra thị trường các sản phẩm: rau và thịt lơn sạch đem lại hiệu quả giá trị hàng hóa hóa cao. Đến nay trên 1 ha canh tác đạt 187 triệu đồng/ha/năm.
Trang trại trồng rau hữu cơ tại Hoa Viên. |
Ông Nguyễn Giáp Dần - Chủ tịch UBND xã Yên Bình khẳng định, quan điểm chủ trương phát triển kinh tế -xã hội 3 xã miền núi của Thành phố Hà Nội và huyện Thạch Thất là đúng đắn.
Theo ông Dần, chính nhờ sự quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng cùng với những giải pháp đồng bộ là động lực giúp thúc đẩy các lĩnh vực tăng tốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn xã năm sau cao hơn năm trước.
Chủ tịch xã Yên Bình cho biết, năm 2007 tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã là 4%, năm 2016 đã tăng lên 12,5%; đặc biệt, thu nhập đầu người năm 2007 chỉ 9 triệu đồng đến cuối năm 2017 đã tăng lên 42 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đến nay còn 2,06%. Yên Bình cũng đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới và được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn.
Quan trọng hơn, cùng với diện mạo kinh tế mới, những giá trị văn hóa truyền thống bản sắc dân tộc Mường được khơi dậy, gìn giữ và phát huy. Trước đây, khi chưa về Hà Nội, phụ nữ dân tộc Mường ngại mặc váy dân tộc, không biết đánh cồng chiêng. Nhưng khi về Hà Nội đến nay, 10 thôn của xã Yên Bình có tới 13 bộ cồng chiêng, tất cả các thôn đều có đội cồng chiêng thường xuyên luyện tập, giao lưu với nhau cũng như với các xã, ngoài huyện khác.
Để tiếp tục nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững lãnh đạo xã Yên Bình thì các vấn đề cần giải quyết hiện nay là cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, có chính sách ưu tiên khuyến nông, khuyến lâm, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đã quy hoạch. Đầu tư kết hợp giữa sản xuất trang trại, nông trại và du lịch trải nghiệm. Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế có sẵn của địa phương.
Sản xuất các sản phẩm thép tại Nhà máy thép Đa Liên -Cụm công nghiệp Bình Phú – Xã Bình Phú – Huyện Thạch Thất – TP. Hà Nội |
Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn đánh giá, sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, kinh tế Thạch Thất ổn định, đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm 12,2%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tích cực, đến năm 2017 tỷ trọng giá trị Công nghiệp, TTCN chiếm 68,2%, Thương mại, dịch vụ 22,2%, Nông nghiệp chỉ còn 9,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/năm, tăng gấp 4,5 lần so với trước khi được hợp nhất về Hà Nội; công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện, quy hoạch ngành và quản lý quy hoạch được triển khai thực hiện đồng bộ; cơ sở hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư nâng cấp, với tổng nguồn vốn gần 6.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa hơn 2.000 tỷ đồng.
Đến nay, Thạch Thất có 1 khu công nghiệp, 7 cụm công nghiệp10/50 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống, hơn 1.300 doanh nghiệp và 20.885 hộ sản xuất kinh doanh. Đến nay, toàn huyện đã có 21/21 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu năm 2018, huyện đạt tiêu chí huyện nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,3% (năm 2008) đến nay chỉ còn 1,18%./. “Nghị quyết Trung ương 6 chưa nói đến vấn đề sáp nhập tỉnh“