70% các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể là do thức ăn chế biến ở nơi khác rồi chuyển đến
VOV.VN - Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế): Qua nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp và trường học, chúng tôi thống kê có đến 70% các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể là do chế biến ở nơi khác, sau đó vận chuyển đến...
Tháng 11/2022 đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm đối với hàng trăm học sinh trường Ischool Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, trong đó có trường hợp tử vong. Cuối tháng 12/2022, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, lực lượng công an phát hiện xe đầu kéo vận chuyển hàng trăm thùng chân gà, cánh gà, xúc xích, thịt gia súc không rõ nguồn gốc đang trên đường đi tiêu thụ… Những vụ việc vừa nêu càng dấy lên lo ngại về an toàn thực phẩm trước trong và sau Tết nguyên đán Quý Mão 2023, bởi đây là thời điểm nhu cầu mua bán, sử dụng thực phẩm tăng cao nhất trong năm.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có cuộc trao đổi với phóng viên VOV về vấn đề này.
PV: Thưa ông, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương đã ban hành kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm trước trong và sau Tết nguyên đán Quý Mão. Việc thực hiện sẽ như thế nào trong bối cảnh ngộ độc thực phẩm tập thể vẫn xảy ra và không ít các vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện thời gian gần đây?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Trong dịp Tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao, tập trung vào các mặt hàng rượu, bia, bánh mứt kẹo, nước giải khát, các loại hoa quả, các sản phẩm có nguồn gốc từ thịt, cá. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nâng công suất sản xuất, tăng lượng hàng xuất nhập khẩu để đáp ứng với thị trường.
Đây là nhu cầu tất yếu, tuy nhiên, nếu chúng ta không có kế hoạch chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, kiểm tra, giám sát cũng như vận động tuyên truyền thì rất dễ xảy ra tình trạng một số sản phẩm không đảm bảo chất lượng trà trộn, đưa ra thị trường. Tại miền Bắc nước ta thông thường vào dịp Tết thời tiết thường ẩm, mốc, mưa xuân rất dễ dẫn đến nấm mốc đối với các loại hạt có dầu như: đậu tương, đậu phộng, hạt dẻ, hạt hướng dương… nếu bị mốc dễ gây ra các độc tố vi nấm không tốt cho sức khỏe.
Còn tại miền Nam, đặc thù dịp Tết lại rất nóng, các sản phẩm có nguyên liệu từ động vật dễ bị ôi thiu, mốc hỏng. Ngoài ra, tại nhiều vùng nhân dân ta vẫn có thói quen mua tích lũy rất nhiều thực phẩm, cất giữ trong tủ lạnh. Theo tôi cần thay đổi thói quen này, vì hiện nay mùng 1, mùng 2 Tết là các chợ và siêu thị đã mở cửa bán hàng nên chúng ta không nên tích lũy quá nhiều thực phẩm trước Tết. Do đặc thù sản xuất kinh doanh như vậy, nên để phòng ngừa ngăn chặn ngộ độc thực phẩm đảm bảo cho nhân dân đón một cái Tết vui khỏe, lành mạnh, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương đã ban hành kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội sau Tết, tập trung vào 2 nội dung chính đó là: công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là nhóm sản phẩm nhu cầu sử dụng trong dịp Tết tăng cao, đặc biệt tập trung vào các tỉnh có cửa khẩu, các tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các tỉnh, khu vực nơi trung chuyển thực phẩm về các địa phương.
Trên cơ sở kế hoạch của Trung ương, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế sản xuất kinh doanh thực phẩm để có kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết. Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đối với người sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo việc lựa chọn, kiểm soát nguyên liệu đầu vào, đảm bảo quy trình sản xuất, ghi nhãn, công bố, kiểm nghiệm. Đối với người tiêu dùng, cần tập trung vận động tuyên truyền người dân thay đổi phương thức sử dụng, không tích lũy quá nhiều thực phẩm trong các ngày Tết, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu, mốc hỏng.
Các đoàn thanh tra, kiểm tra phải có lực lượng đủ mạnh để nếu phạt hiện vi phạm thì xử lý kịp thời. Tập trung vào công tác lấy mẫu. Yêu cầu các Sở y tế ưu tiên các mẫu kiểm nghiệm mà đoàn thanh tra, kiểm tra gửi để đảm bảo có kết quả nhanh nhất. Khi có kết quả không đảm bảo chất lượng của các phòng kiểm nghiệm thì lập tức dừng lưu thông đối với sản phẩm vi phạm, tránh việc để sau Tết mới có kết quả kiểm nghiệm.
PV: Nhiều năm qua, cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm đã triển khai các biện pháp kiểm soát thực phẩm theo chuỗi, từ trang trại đến bàn ăn. Tuy nhiên, vẫn có những vụ ngộ độc lớn xảy ra như tại trường Ischool Nha Trang. Vậy đâu là “kẽ hở” trong giám sát an toàn thực phẩm, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Kiểm soát an toàn thực phẩm là cả một quá trình, từ khi lựa chọn nguồn nguyên liệu đến quá trình nhập nguyên liệu, xử lý sơ chế ban đầu kể cả nguồn nước hay trang thiết bị, dụng cụ. Việc này được thực hiện không chỉ với những sản phẩm được sản xuất, chế biến sử dụng ngay, mà cả sản phẩm được bảo quản sau một thời gian nhất định nào đó, ví dụ các suất ăn sẵn sau khi chế biến cũng phải có thời gian thời nhất định rồi mới đưa đến người sử dụng.
Đối với sản phẩm bao gói sẵn thì có thể còn có cả một khoảng thời gian dài mới đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, trải qua một quá trình như thế rất có thể tại một khâu nào đó có sơ suất thì vẫn có thể dẫn đến nguy cơ bị ngộ độc. Chính vì quy trình như thế nên chúng ta phải khuyến cáo giám sát cả một quá trình. Trong quản lý thực phẩm ở nước ta cũng như trên thế giới đã áp dụng quy trình phân tích mối nguy và kiểm soát điểm giới hạn tức là xem xét lại cả một quy trình sản xuất của một loại sản phẩm nào đó, qua phân tích thấy chỗ nào là nguy cơ cao nhất thì can thiệp và tập trung nhiều nhất vào khâu đó. Từ quy trình sản xuất như vậy sẽ giúp cho giảm tối đa nguy cơ có thể gây mất an toàn.
PV: Như lúc đầu ông có đề cập nguy cơ ngộ độc thực phẩm không chỉ xảy ra ở công đoạn sản xuất, vận chuyển mà còn xảy ra trong quá trình bảo quản và chế biến. Ông có thể cho biết rõ hơn vấn đề này?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Qua nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp và trường học, chúng tôi thống kê có đến 70% các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể là do chế biến ở nơi khác, sau đó vận chuyển đến cho công nhân. Sau khi chế biến xong thì phải bảo quản lạnh hoặc bảo quản nóng, chứ nếu để ở nhiệt độ thường 30-40 độ thì rất dễ có vi khuẩn. Vì vậy, khi chế biến thực phẩm xong, một là tiếp tuc bảo quản nóng hoặc tiếp tục được bảo quản lạnh trước khi đưa đến người tiêu dùng sử dụng. Nếu không, trong quá trình vận chuyển, trang thiết bị dụng cụ không đảm bảo, có nơi vận chuyển mấy tiếng mới đưa đến cho công nhân ăn thì nguy cơ ngộ độc cao.
Chúng tôi khuyến cáo các nhà máy, khu công nghiệp, trường học cố gắng dành một diện tích đủ tiêu chuẩn để bố trí bếp ăn ngay tại chỗ cho công nhân, học sinh.
PV: Xin cảm ơn ông!./.