Hà Nội cắt giảm hơn 70%, phấn đấu đến năm 2021 không còn bếp than tổ ong

VOV.VN - Tính đến 6/2020, Hà Nội cắt giảm 72,8% bếp than tổ ong so với năm 2017. Phấn đấu đến 2021, sẽ không còn bếp than tổ ong trên toàn địa bàn.

Trong hội nghị “Ra mắt trang web “Hành động vì Hà Nội” (Website Hanhdongvihanoi.org), báo cáo đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm thực hiện Chỉ thị 15 về loại bỏ bếp than tổ ong trên địa bàn Hà Nội được tổ chức trong ngày 3/7, bà Lê Thanh Thuỷ - Trưởng phòng Quản lý dự án & Truyền thông (Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), tính đến tháng 6 năm 2020, Hà Nội giảm 72,8% số lượng bếp than tổ ong so với năm 2017.

Ra mắt trang web “Hành động vì Hà Nội” với địa chỉ website "Hanhdongvihanoi.org".

Cụ thể, trong tháng 1/2017 Hà Nội có 56.670 bếp than tổ ong, đến nay còn 15.418 bếp. Theo đánh giá, việc giảm bếp than tổ ong giúp giảm tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí từ nấu ăn cho 160.000 hộ gia đình ở Hà Nội.

Theo báo cáo kết quả thực hiện, 4 quận huyện giảm được số lượng bếp than tổ ong nhiều nhất là Hoàn Kiếm (100%), huyện Sóc Sơn (99%), huyện Ứng Hoà (98%), quận Long Biên (91%). Cả 4 quận, huyện này đã giảm tổng số bếp than từ 14.817 trong năm 2017 xuống còn 420 bếp vào tháng 6 năm 2020.

"Những lợi ích sức khoẻ lớn nhất được ghi nhận ở quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên và Ứng Hoà, nơi hơn 70.000 dân cư sẽ không còn tiếp xúc với các chất ô nhiễm có hại từ việc nấu nướng bằng bếp than tổ ong. Trong khi đó, 4 quận, huyện là Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai đều có hơn 1.500 bếp than tổ ong tính tới tháng 6 năm 2020. 4 quận, huyện này chiếm tới 46% lượng khí thải PM2,5 từ bếp than tổ ong tính tới tháng 6.2020”, bà Thuỷ thông tin.

 

Về lộ trình cắt giảm, Hà Nội phấn đấu đến 31/12/2020 sẽ yêu cầu người dân chuyển sang sử dụng các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Góp phần đảm bảo thực hiện đúng lộ trình theo chỉ thị 15 của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành vào tháng 11/2019.

 Để có được số liệu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã sử dụng mô hình kiểm kê phát thải trong ba năm gồm: Kiểm kê số lượng bếp than từng quận, thời gian sử dụng trung bình một bếp than, số lượng người chịu ảnh hưởng do bếp than. Các số liệu được tổng hợp nhân với hệ số phát thải dựa theo hướng dẫn của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC 2006).

 

Theo bà Thủy, việc giảm bếp than tổ ong giúp chỉ số bụi mịn PM 2.5 giảm từ hơn 2.300 tấn năm 2017 xuống còn khoảng 1.600 tấn năm 2020. CO, khí độc trong thành phần bếp than tổ ong, giảm từ hơn 26.000 tấn xuống còn 8.000 tấn. Lượng khí thải CO2 từ việc sử dụng bếp than tổ ong giảm hơn 382.000 tấn/năm.

Là quận có tỉ lệ giảm bếp than tổ ong nhiều nhất, bà Trịnh Thị Minh Phương, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm cho biết: “Từ năm 2017, quận bắt đầu thực hiện với số lượng toàn quận lúc đó có tới 2.525 bếp than tổ ong. Sau nhiều nỗ lực, đến nay về cơ bản trên địa quận Hoàn Kiếm đã không còn sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt và kinh doanh. Để có được kết quả như vậy là sự chỉ đạo, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp kịp thời của Sở Tài nguyên và môi trường- Chi cục bảo vệ môi trường và những cố gắng vì cộng đồng của toàn thể nhân dân trong quận”.

Những nỗ lực của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo bà Phương, để có được những kết quả đó, ngoài sự quyết tâm ra còn có những biện pháp kịp thời, quyết liệt như: Sự chỉ đạo, sát sao từ Quận xuống địa bàn các phường và khu dân cư. Công tác tuyên truyền, vận động được tiến hành thường xuyên, bài bản. Đưa những hoạt động tuyên truyền vào nhà trường. Tổ chức ngày hội giới thiệu các loại bếp thay thế thân thiện với môi trường. Lực lượng trật tự đô thị cũng đi tịch thu những bếp than đốt trên vỉa hè gây ô nhiễm,…từ đó vận động người dân hưởng ứng tham gia và đạt hiệu quả tốt

Ngoài ra, quận này còn giới thiệu các loại bếp thay thế, khám sức khỏe cho chính những người sử dụng bếp than tổ ong; thiết lập nhóm tương tác trên mạng xã hội giữa lãnh đạo quận, các phường để kịp thời xử lý khi các hộ dân tái sử dụng bếp than tổ ong.

Tính đến 6/2020, Hà Nội cắt giảm 72,8% bếp than tổ ong so với năm 2017. Phấn đấu đến 2021, sẽ không còn bếp than tổ ong trên toàn địa bàn.

Ông Lê Tuấn Định, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết trong thời gian sắp tới chúng tôi tiếp tục chỉ đạo, triển khai nhiều phương án để đến năm 2021 sẽ không còn bếp than tổ ong trên toàn thành phố Hà Nội.

“Nếu các hộ gia đình đang sử dụng bếp than tổ ong chuyển sang bếp gas LPG, tổng lượng khí thải CO2 sẽ giảm là 370.000 tấn/năm. Từ đó, mức giảm phát thải CO2 ước tính sẽ là 500.000 tấn/năm so với năm 2017. Điều này góp phần giảm tổng 7,5% lượng khí thải CO2 từ khu vực dân cư trên toàn Việt Nam”, ông Định cho hay.

Tại Hội nghị này, Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với Các chính quyền địa phương vì sự phát triển bền vững (ICLEI) và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) phối hợp xây dựng website “Hanhdongvihanoi.org”, nơi những công dân của Thủ đô nói riêng và những người yêu Hà Nội nói chung có thể đưa ra các  cam kết hành động để cải thiện môi trường sống cho Thành phố.

Website gồm có 25 giải pháp thuộc 5 lĩnh vực: Năng lượng – Giao thông – Rác thải – Chất lượng không khí – Quy hoạch đô thị. Mỗi lần click “Tôi cam kết” là người dân đang thể hiện quyết tâm hành động của mình vì tình yêu và trách nhiệm đóng góp với Thành phố./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên