Bác Hồ với Đài Tiếng nói Việt Nam: Nắng Thu bên thềm "văn minh"

VOV.VN - Báo điện tử VOV giới thiệu tới bạn đọc bút ký tư liệu Bác Hồ với Đài Tiếng nói Việt Nam của Nhà báo Vĩnh Trà.

Kỷ niệm 70 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 cũng là khoảng thời gian Đài Tiếng nói Việt Nam kỷ niệm 70 năm đồng hành cùng lịch sử đất nước. Báo điện tử VOV giới thiệu tới bạn đọc bút ký tư liệu Bác Hồ với Đài TNVN của Nhà báo Vĩnh Trà.

Nắng Thu bên thềm “văn minh”

Trên hành trình bôn ba hải ngoại “tìm hình của nước”, chọn đường cứu nước, chàng thanh niên trẻ trung, dầy nghị lực và ý chí Nguyễn Tất Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc và sau này là chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy sức mạnh của dân tộc, nhận ra hồn nước trong lòng dân, trong lòng nhân loại.

Bác Hồ với các nghệ sĩ Đài Tiếng nói Việt Nam (Ảnh tư liệu)

Ngay những ngày đầu nếm trải, chịu đựng và chứng kiến thân phận nô lệ của nhiều dân tộc bị thực dân áp bức, Người đã nhận ra chân lý muốn có độc lập phải làm cách mạng. Muốn cách mạng thành công phải dựa vào sức dân. Muốn đưa dân làm cách mạng phải biết tuyên truyền thấu tình đạt lý. Phương tiện thông tin, tuyên truyền hiệu quả là báo chí.

Thời ấy, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 báo in đã phát triển, báo phát thanh đã hình thành ở châu Âu. Nguyễn Ái Quốc tìm thấy sức mạnh của báo chí, cho ra tờ báo “Người cùng khổ”. Người cũng đã tận mắt chứng kiến sức lan tỏa rộng rãi và cuốn hút dư luận của đài phát thanh ở nhiều nước trên thế giới, nhất là châu Âu.

Ngày 11 tháng 11 năm 1924, một ngày đông rét buốt, Nguyễn Ái Quốc từ Matscova đến thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Người chọn ngôi nhà 3 tầng, mái ngói cổ lô xô trên đường Văn Minh làm nơi ở và hoạt động cách mạng.

Mùa Thu năm 2000, tôi có dịp đến đây rất ngạc nhiên khi biết Bác chọn số nhà 13/1 để ở, ví dân nơi đây kiêng số 13, cho là rủi nhiều hơn may.

Chị Dương Quế Tuế, giám đốc nhà bảo tàng Quảng Châu cho tôi hay là Bác nghĩ nơi người ta kiêng cữ là nơi kín đáo, mà trong cái rủi có cái may và càng bí mật càng tốt.

Bác giữ kín đến mức, mãi đến năm 1971, thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng thủ tướng Chu Ân Lai đến đây xác định rằng: chính nơi này chủ tịch Hồ Chí Minh chọn  làm trụ sở của Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội thì chủ nhà mới hay ông Lý Thụy ngày nào chính là Bác Hồ ngày nay. Cụ chủ nhà nghẹn ngào: “Trời ơi, thế mà tôi không biết. Nếu tôi biết trước thì hạnh phúc biết mấy.”

Những năm tháng ấy, Bác Hồ lặng lẽ, kín đáo đi về số nhà 13/1, đường Văn Minh, nhưng bên trong cháy bỏng những suy tính cho những công việc khẩn trương. Tại đây Bác đã gửi báo cáo cho Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản: “Mặc dù thiếu thời gian và tiền…chúng tôi đã đưa 75 thanh niên Việt Nam đến học ở trường tuyên truyền do chúng tôi tổ chức tại Quảng Châu. Xuất bản 3 tờ báo nhỏ, phái những tuyên truyền viên vừa qua huấn luyện về Xiêm, Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Thành lập một liên đoàn cách mạng. Liên đoàn này đã bắt rễ hầu khắp các nơi trong những xứ Đông Dương…”

Và chính nơi đây, ngày 21 tháng 6 năm 1925, tuần báo Thanh niên, cơ quan trung ương của Tổng hội Việt nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên, khai sinh ra nền báo chí Cách mạng Việt Nam.

Tôi cùng các đồng nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam khẽ khàng, rưng rưng bước lên những bặc cầu thang bằng gỗ đen bóng, đủ chỗ cho một người đi. Bàn tay chúng tôi đặt lên hàng ngàn, hàng vạn bàn tay trước đó, như vẫn cảm nhận được hơi ấm của 75 học viên Cộng sản hơn 75 năm về trước, như nồng ấm hơn nơi bàn tay Bác.

Nơi đây Bác Hồ đã lặng lẽ mở ba lớp học làm người Cộng sản. Bốn chiếc giường gỗ hai tầng, kiểu sinh viên, mộc mạc, đơn sơ dành cho nam, một chiếc dành cho nữ. Một phòng học đủ chỗ cho hơn vài chục chỗ ngồi, mấy chiếc chậu đồng nho nhỏ để rửa mặt, một mảnh sàn xi măng rộng bằng ba chiếc chiếu, đủ để hít thở không khí và tập thể dục. Cơ ngơi một trường học làm người chân chính chỉ có vậy. Đơn sơ mà vĩ đại, cao cả thay. Người thầy là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Học trò là Trần Phú, Phùng Chí Kiên, Hà Huy Tập, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Duy Diễm, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng…

Nơi đây Bác đã từng nghe đài, chủ yếu bằng tiếng Pháp để thu thập tin tức, bổ sung cho bài giảng về “đường cách mệnh”. Nơi đây Bác đã từng dạy võ cho học viên, từng đi những “đường quyền” mạnh mẽ, dứt khoát mà uyển chuyển. Bác bảo học võ để luyện “chữ nhân”, “chữ nhẫn” để phòng thân và cứu người.

Tôi hỏi chị Dương Quế Tuế (cán bộ Nhà bảo tàng) đâu là giường của Bác, chị chỉ vào cả bốn chiếc giường hai tầng. Bác nghỉ chung với anh em học viên. Khi Bác nghe đài, mọi người nín lặng như đang ngủ ngon.

Tôi nhìn ra trời thu Quảng Châu ngập tràn sắc phượng vàng quyện trong nắng nhẹ và nhận ra căn nguyên một điều dung dị mà hệ trọng.

Mùa Thu.

Mùa thay lá.

Mùa của những dổi thay.

Đất nước vặn mình, chắt trong nắng, trong gió, trong lam lũ của những thân phận bị áp bức, nô lệ, để bật dậy một sức sống mới – Mùa Thu cách mạng!.

... (Còn tiếp)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên