Bác sĩ xã đảo và ký ức về những “chuyến ghe cấp cứu”
VOV.VN - Đã có biết bao nhiêu “chuyến ghe cấp cứu” trong mưa gió mịt mù, bao lần đặt máy thở khí dung, hồi sức cho bệnh nhân trong tình trạng điện phập phù; rồi “hy sinh” mình cho muỗi chích để bảo vệ sản phụ, vậy mà bác sĩ Luân Thanh Trường vẫn bám trụ ở đảo Thạnh An.
Thiếu thốn trăm bề, có đôi lúc như đơn độc, bởi có người đến rồi đi vì không chịu nổi sự mong manh nơi bốn bề giông bão, sóng gió.
Bác sĩ Trường tự dặn với lòng mình: Mình còn đi nữa, thì ai giúp cho bà con?
“Bác sĩ Trường đã khám bệnh lại còn hỗ trợ cho nhiều bệnh nhân, người ta nghèo quá, người ta không có tiền. Tôi nhìn thấy vậy, tôi vận động mấy chị buôn bán như tôi, mấy chị tham gia tháng một trăm ngàn, rồi tiền triệu cũng có. Tôi cũng nói với bác sĩ Trường, bệnh nhân nào cấp cứu cần đến, thì chúng tôi hỗ trợ. Chúng tôi đóng góp từ 2013 đến giờ. Ai cũng quý bác sĩ Trường vì tấm lòng của bác bao la, rộng rãi lắm”.
Đó là những lời chia sẻ của bà Mai Thị Em, 68 tuổi, ấp Thạnh Bình, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ (TP.HCM) về bác sĩ Luân Thanh Trường - Trưởng trạm y tế xã đảo Thạnh An. Bà Em bán tạp hoá, cũng không dư dả nhiều, nhưng bà nói, có bao nhiêu đóng góp bấy nhiêu, cốt là để chia sẻ chút ít với bệnh nhân nghèo.
“Bác sĩ Trường đã khám bệnh lại còn hỗ trợ cho nhiều bệnh nhân, người ta nghèo quá, người ta không có tiền. Tôi nhìn thấy vậy, tôi vận động mấy chị buôn bán như tôi, mấy chị tham gia tháng một trăm ngàn, rồi tiền triệu cũng có. Tôi cũng nói với bác sĩ Trường, bệnh nhân nào cấp cứu cần đến, thì chúng tôi hỗ trợ. Chúng tôi đóng góp từ 2013 đến giờ. Ai cũng quý bác sĩ Trường vì tấm lòng của bác bao la, rộng rãi lắm”.
Đó là những lời chia sẻ của bà Mai Thị Em, 68 tuổi, ấp Thạnh Bình, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ (TP.HCM) về bác sĩ Luân Thanh Trường - Trưởng trạm y tế xã đảo Thạnh An. Bà Em bán tạp hoá, cũng không dư dả nhiều, nhưng bà nói, có bao nhiêu đóng góp bấy nhiêu, cốt là để chia sẻ chút ít với bệnh nhân nghèo.
Xuất thân từ một gia đình nghèo, tuổi thơ không có điều kiện học hành nên phải mất 10 năm, bác sĩ Luân Thanh Trường mới đỗ vào trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Là anh cả của 6 người em, 10 năm “chật vật” nhưng khi nhận tin được đặt chân vào ngành Y, thì cùng lúc em trai đỗ trường Đại học Kiến trúc TP.HCM. Cả nhà bàn nhau, em “nhường” cho anh đi học.
Năm 2000, sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Trường có thể chọn nhiệm sở gần nhà là bệnh viện quận Gò Vấp, ngay nội đô thành phố. Nhưng lúc đó, huyện Cần Giờ cần 4 bác sĩ tình nguyện để lực lượng y sĩ tại địa phương đi học chuyên tu lên bác sĩ.
“Cơ duyên đến với xã đảo Thạnh An bắt đầu khi ở Thạnh An thời điểm đó có một bác sĩ ở địa phương khác tình nguyện qua Thạnh An công tác được khoảng 3-4 tháng nhưng không thể thích nghi với điều kiện khó khăn ở Thạnh An nên đã xin nghỉ”, Bác sĩ Trường chia sẻ về cơ duyên gắn bó với xã đảo Thạnh An.
Thạnh An cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 70 km, cách đất liền của huyện Cần Giờ 8 km đường thuỷ. Ngày bác sĩ Trường đặt chân lên đảo công tác vào năm 2005, thiếu thốn trăm bề, trong đó điện là vấn đề nan giải.
“Điện chỉ xài từ trạm phát điện diesel từ 8 giờ đến 12 giờ đêm. Trạm y tế cũng được cung cấp một máy phát điện chạy bằng dầu, nhưng khởi động máy lúc được lúc không. Tôi còn nhớ có một bé bị hen suyễn, phải thở khí dung, nhưng giật máy hoài mà máy không nổ, tình hình nguy cấp nên tôi gọi điện cho một quán cà phê thức đêm coi đá banh có máy phát điện riêng. Tôi bế đứa bé, đem theo máy tới nhà của người dân đó. Rồi có trường hợp sanh đẻ tại trạm nữa, máy đang chạy tự dưng tắt...”, Bác sĩ Trường nhớ lại.
Bác sĩ Trường không thể quên những lúc máy phát điện hư, mất điện, bác sĩ phải cấp cứu cho bệnh nhân trong ánh sáng đèn pin tù mù.
Bác sĩ Trường nói, nước ối của người sản phụ khi bị vỡ ra sẽ thu hút muỗi, nên nữ hộ sinh và bác sĩ phải tìm cách để muỗi chích nhân viên y tế trong thời điểm dịch sốt rét tại Cần Giờ chưa được khống chế.
“Có trường hợp bệnh nhân bị tai biến, gia đình không có ai, nhưng khi vận chuyển ra bến đò, phải vận chuyển bằng cáng, chúng tôi phải nhờ 4 người dân phụ, người khiêng bình oxy, người cầm chai dịch truyền,... Rủi mà trời mưa thì làm sao mà che chắn?”
Thời điểm đó, xã đảo Thạnh An chưa được trang bị phương tiện cấp cứu đường thuỷ, mỗi lần có ca cấp cứu, phải trưng dụng ghe của ngư dân.
Chiếc ghe nhỏ bé giữa mênh mông sông nước, chỉ có mui ghe là được che chắn, gặp lúc nước rồng độ dốc cao, rất khó để vận chuyển bệnh nhân; đó là chưa kể trời mịt mù, tầm nhìn chỉ khoảng 3-4 mét, người lái ghe chỉ chạy theo kinh nghiệm.
Giữa sự sống và cái chết mong manh, nhiều nhân viên y tế đến với Thạnh An, kể cả các các bác sĩ trẻ tăng cường thời điểm đó đã bỏ cuộc.
“Nếu mình tiên lượng không chính xác, ví dụ như họ nhẹ mà mình sợ, cứ đẩy bệnh nhân đi thì vất vả; nhưng nếu như họ nặng mà mình tiên lượng không đúng, mình sẽ trở tay không kịp, để qua mất thời gian vàng. Sau này, điều kiện vật chất ở đây tốt hơn, có máy siêu âm, máy đo điện tim, máy X-Quang, nên giúp bác sĩ có tiên lượng chính xác hơn để xử lý cho phù hợp”, Bác sĩ Trường chia sẻ về chuyên môn.
19 năm công tác tại Thạnh An, bác sĩ Trường vẫn còn khắc sâu hình ảnh một sản phụ, con khoảng 7 tháng tuổi, nhưng gặp biến cố thai lưu. Người mẹ ấy ngày ngày bươn chải kiếm sống trong rừng, bắt cua bắt cá, không có điều kiện đến Trạm y tế thăm khám thường xuyên.
Đứng trước nguy cơ sản phụ bị rối loạn đông máu có thể dẫn đến tử vong, ngay lập tức, bác sĩ Trường một mình đưa bệnh nhân lên ghe để chuyển vào đất liền.
10 năm trôi qua, ông vẫn không thể quên giây phút đối diện với nỗi lo về chuyên môn, khi trên một chiếc ghe mà phải đảm bảo các nguyên tắc vô khuẩn cho sản phụ lúc sinh; đồng thời trấn an tâm lý người mẹ: “Thật may mắn là từ năm 2014 đến giờ, tôi không gặp lại trường hợp tương tự như vậy nữa. Nhưng tôi vẫn luôn bị ám ảnh về sự vất vả, nghèo đói của những người phụ nữ nơi đây...”.
Người dân trong xã đảo, vì thương tấm lòng của bác sĩ Trường, mà mỗi người góp một chút chút. Có bác bán cơm sáng bình dân, mỗi ngày đóng 10 ngàn. Rồi cứ thế, lan toả đến hơn 40 người tham gia. Bác sĩ nói nhờ “khám bệnh dạo” mà biết được gia cảnh của từng người.
Bác sĩ Trường cho rằng, ai công tác trong ngành Y, cũng mong muốn được thăng tiến, nhưng ở Thạnh An nói riêng và những vùng xa xôi của của đất nước, có được bác sĩ làm việc tại Trạm Y tế là bài toán nan giải.
Cá nhân ông trăn trở và mong muốn các bác sĩ mới ra trường nên đi về vùng sâu, vùng xa chăm sóc người dân để trám lỗ hổng ở y tế cơ sở.
Cao điểm dịch COVID-19 tại Thạnh An, cũng là lúc người mẹ của ông ra đi vì COVID-19 tại Sài Gòn mà ông không thể về kịp để gặp mặt lần cuối:
“Mẹ tôi bị nhiều bệnh nền, nhiều năm trước, tôi cũng muốn xin chuyển về Thành phố để chăm sóc mẹ. Nhưng mẹ tôi nói, dù sao ở thành phố chỉ cần 5 phút là đã tới bệnh viện, còn nếu tôi về thì cũng khó có người thay, nên cứ an tâm công tác. Tôi trụ lại ở đây, một phần cũng là tâm nguyện của mẹ tôi”, bác sĩ Trường nghẹn ngào nói về ký ức đau thương.
Nhưng nếu được chọn lại, ông vẫn chọn ở lại nơi đây, bởi Thạnh An đã thực sự là nhà.
Đầu năm 2024, Sở Y tế TPHCM đã bàn giao bác sĩ trẻ tình nguyện đợt 10 trong Chương trình Nâng cao năng lực y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Thay thế cho các bác sĩ trẻ của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ là các bác sĩ trẻ của bệnh viện Nguyễn Trãi và và bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức. Bác sĩ Luân Thanh Trường cho biết, trong thời gian vừa qua, tỷ lệ người dân đến khám, chữa bệnh tại Trạm y tế tăng 20%, cho thấy sự tin tưởng của người dân với hoạt động chăm sóc sức khoẻ của Trạm y tế xã. Các bác sĩ trẻ tình nguyện được người dân xã đảo tin yêu và xem như người thân trong gia đình.