Bỏ giường dịch vụ: Chấm dứt “1 bệnh viện, 2 chế độ”?

VOV.VN - Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị đầu tiên trong cả nước sau khi được thí điểm tự chủ toàn diện đã lên kế hoạch tiến tới xóa bỏ giường dịch vụ.

Tiến tới bỏ giường dịch vụ: Tín hiệu công bằng

Câu nói “giường bệnh là chiếc giường đắt nhất trong cuộc đời” càng trở nên đúng hơn khi người bệnh phải bỏ tiền sử dụng giường dịch vụ tại bệnh viện công lập. Lúc đầu, giường dịch vụ là hình thức đáp ứng nhu cầu của những người có điều kiện kinh tế mong muốn được hưởng dịch vụ tốt nhất, bệnh viện tăng được nguồn thu, bù lỗ khi dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ về giá. Tuy nhiên, trong một thời gian dài Bộ Y tế không quy định về điều kiện để được thực hiện những dịch vụ theo yêu cầu nên có tình trạng khu vực khám dịch vụ được mở rộng, còn khu khám chữa bệnh BHYT bị thu hẹp khiến bệnh nhân BHYT càng phải nằm ghép, gây mất công bằng. Một bệnh viện công nhưng luôn có hai “chế độ”.

Bỏ giường dịch vụ để bỏ hai chế độ trong một bệnh viện. Ảnh TRUBE.

Lo ngại hơn cả là tình trạng lạm thu. Có nơi, người dân phải trả tiền giường dịch vụ nhưng vẫn phải nằm ghép tới 3 người/giường. Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai từng phải nói lời xin lỗi khi người dân và báo chí phản ánh thực trạng xuống cấp trầm trọng cơ sở vật chất phòng dịch vụ tại Khoa Thần kinh. Khi đó, một số phòng dịch vụ, tường rêu mốc, không công trình phụ, điều hòa hỏng, chật chội nhưng mức giá (3 giường/phòng) tại đây được tính tới 1,2 triệu đồng/ngày. Sau vụ việc đó, bệnh viện không thu tiền dịch vụ tại những phòng bệnh này, mà áp dụng giá phòng bình thường.

Cho rằng, những bất cập, tồn tại vừa nêu xuất phát từ áp lực lấy thu bù chi trong giai đoạn tự chủ nửa vời (tự chủ một phần) trước đây, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng cho biết, trong giai đoạn mới, được tự chủ toàn diện, bệnh viện sẽ xây dựng tiêu chuẩn tiến tới không còn khái niệm “giường bệnh theo yêu cầu”. “Hiện nay, tỷ lệ giường bệnh dịch vụ theo yêu cầu tại bệnh viện được khống chế ở mức tối đa là 30%, trong khi trước đây là 50-60%, lộ trình sau đó giảm xuống còn 25%, 20% và dần loại bỏ giường bệnh dịch vụ. Tất cả bệnh nhân đều được phục vụ tốt nhất có thể” - ông Dương Đức Hùng khẳng định.

Hiện nay, giá dịch vụ y tế đã được tính 5/7 yếu tố cấu thành giá, trong đó yếu tố mới nhất là tiền lương và phụ cấp của y, bác sĩ. Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), khi giá dịch vụ y tế đã tiệm cận với tính đúng, tính đủ thì khu vực khám chữa bệnh theo yêu cầu phải được thu hẹp lại. Tình trạng “1 bệnh viện 2 chế độ” chỉ kết thúc khi toàn bộ viện phí được chi trả qua BHYT và không còn khu vực khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Bệnh viện tự chủ toàn diện, có hết lạm thu?

Hiện nay, Quỹ BHYT chi trả cho khoảng 90% số kỹ thuật y tế, tức là kể cả khi giá dịch vụ y tế đã được tính đúng, tính đủ 7/7 yếu tố cấu thành giá thì vẫn còn khoảng 10% kỹ thuật thuộc diện dịch vụ theo yêu cầu, kể cả tại những bệnh viện tự chủ toàn diện. Tuy chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng 10% số kỹ thuật này lại là những dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao có chi phí lớn. Trong khi đó, Bộ Y tế chưa quy định mức trần đối với dịch vụ theo yêu cầu nên vẫn có nguy cơ lạm thu. Thực tế hiện nay đã cho thấy, mỗi nơi một giá khám chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu… Nếu bỏ giường bệnh dịch vụ nhưng thay vào đó là tăng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu thì tiền túi của người bệnh chi trả viện phí vẫn không giảm.

Từng là người đứng đầu Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, đại biểu Quốc hội (đoàn Hà Nội) Nguyễn Anh Trí cho rằng, nếu làm tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm sẽ giảm được gánh nặng ngân sách Nhà nước chi cho bệnh viện công lập. Bên cạnh đó, chất lượng phục vụ bệnh nhân cũng sẽ được nâng lên vì lương và thu nhập tăng thêm của cán bộ, nhân viên y tế phụ thuộc hoàn toàn vào sự chi trả của người bệnh. Khi bệnh nhân “trả lương” cho thầy thuốc qua viện phí, đòi hỏi bệnh viện phải nâng cao chất lượng mới thu hút đông bệnh nhân, từ đó mới nâng cao được nguồn thu, thu nhập.

Tuy nhiên, hiện nay, khung giá cũng như mức trần của dịch vụ theo yêu cầu chưa được ban hành nên vẫn có mặt trái của tự chủ bệnh viện.

Ông Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội (đoàn An Giang), Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng: “Hiện nay có tình trạng một số bệnh nhân hoang mang về việc đến bệnh viện A thì bác sĩ bảo không cần mổ, nhưng đến bệnh viện B thì bác sĩ lại chỉ định mổ. Đến bệnh viện C, bệnh nhân được yêu cầu làm 1 loại xét nghiệm, nhưng đến bệnh viện D lại bảo phải làm 2 loại xét nghiệm. Để hạn chế thấp nhất tình trạng lạm dụng, phải thành lập những hội đồng độc lập để đánh giá về chuyên môn”.

Theo TS.BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng, theo quy định hiện nay thì Ban giám sát tại bệnh viện tự chủ toàn diện lại là những viên chức của chính bệnh viện đó. Điều này có thể dẫn đến kết quả giám sát không khách quan. Tình trạng lạm thu vì thế vẫn có thể xảy ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên