Bỏ khách giữa đường, nhà xe Daiichi xin lỗi khách nhưng lại dọa cắt hỗ trợ
VOV.VN - Mạng xã hội lan truyền phản ánh của một hành khách đi xe khách Daiichi Cát Bà - Hà Nội, tố nhà xe Daiichi không dừng cho khách đi vệ sinh dù có người bệnh, tự ý bỏ khách giữa cao tốc, để một bé trai 7 tuổi một mình tiếp tục hành trình lên Hà Nội mà không có người thân đi cùng.
Tiểu ra quần vì xe không dừng và bị bỏ lại giữa đường
Theo phản ánh của hành khách Kim Anh, chị và hai em từ Cát Bà đi Hà Nội trên chuyến xe khách Daiichi xuất phát lúc 12h từ bến tàu Cát Hải. Ba chị em gồm một bé trai đi lấy thuốc, một em gái bị ốm cần đi khám và chị. Xe đi thẳng cao tốc, không dừng trạm nghỉ như thường lệ tại điểm V52, dù nhiều hành khách, cả người lớn và trẻ nhỏ có nhu cầu vệ sinh.
Căng thẳng xảy ra khi em gái bị ốm không thể nhịn tiểu, phải nhờ người ngồi gần bác tài viết tin nhắn cầu cứu. Dù có lời khẩn thiết, tài xế vẫn giữ im lặng và tiếp tục chạy. Đến khi em gái không chịu nổi, xe mới dừng tạm ở rìa cao tốc gần trạm thu phí. Tuy nhiên, do không kịp, cô bé đã tiểu ra quần, buộc hai chị em xuống xe để vào trạm thanh tra giao thông thay đồ nhờ.

Sự việc chưa dừng lại ở đó. Khi người chị đang giúp em thay đồ và đã nói rõ với tài xế rằng trên xe còn em trai nhỏ 7 tuổi, nhờ chờ vài phút, thì chỉ sau 5–7 phút, xe đã rời đi, để lại hai chị em giữa đường, còn bé trai vẫn ngồi một mình trên xe. Không ai trong tổ lái kiểm tra lại tình trạng hành khách trên xe. Người viết phản ánh: “Tôi gọi lại cho nhà xe Daiichi thì họ bảo không để ý hết được”.
Sau đó, người thân tại Hà Nội đã đón bé trai khi xe đến gần văn phòng nhà xe Daiichi Hà Nội tại số 96 Nguyễn Hữu Huân. Tuy nhiên, nhà xe không đưa ra lời xin lỗi công khai nào ngay lúc đó.
Khi hành khách này đăng bài tố cáo lên mạng xã hội, nhiều người khác cũng để lại bình luận cho biết từng gặp tình trạng tương tự khi đi xe limousine tuyến Cát Bà – Hà Nội của hãng này.
Để có thông tin khách quan và đa chiều, phóng viên đã liên hệ với tổng đài dịch vụ vận tải Daiichi để xác minh. Sau khi kết nối, phóng viên được ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng khối vận hành, lữ hành và xe, xác nhận nội dung phản ánh của chị Kim Anh là thật và cung cấp thêm thông tin về hướng xử lý vụ việc. Tuy nhiên, chỉ 30 phút sau, ông Kiên liên hệ lại và yêu cầu phóng viên không sử dụng thông tin đã trao đổi trước đó.
Xin lỗi kiểu “ban ơn”, Daiichi khiến cộng đồng mạng dậy sóng
Theo tìm hiểu của phóng viên, tối 6/7, ông Nguyễn Hồng Chung, người phụ trách chính của công ty Daiichi Group đã đăng nội dung xin lỗi chị Kim Anh lên mạng xã hội:
“Trước hết, thay mặt nhà xe Daiichi, thành thực xin lỗi chị Kim Anh… Dù đúng hay sai thì đơn vị là đơn vị cung cấp dịch vụ thì đơn vị đầu mối vẫn là sai, chỉ xin rút kinh nghiệm…”.
Ngoài lời xin lỗi, ông Chung còn nhấn mạnh: “Xét thấy thành tâm của đơn vị với dân huyện đảo không được như mong đợi, công ty cũng sẽ lấy ý kiến cộng đồng xem có nên tiếp tục chương trình miễn phí cho học sinh huyện đảo đi học tại Hà Nội nữa hay không… Công ty quyết định tạm dừng chương trình này cho đến khi công tác tổ chức được hoàn thiện”.

Lời xin lỗi này khiến cộng đồng mạng lại thêm một lần dậy sóng. Nhiều người cho rằng, thay vì đối diện thẳng với sai sót nghiêm trọng trong vận hành, nhà xe Daiichi Cát Bà lại chọn cách “xin lỗi kiểu ban ơn”, gắn với điều kiện phản cảm.
Anh Lê Xuân Sang, Long Biên, Hà Nội bình luận: Không ai bắt Daiichi phải chạy chương trình hỗ trợ. Nhưng đã chọn làm, thì không thể lấy đó làm cái cớ để cư xử thiếu trách nhiệm. Chạy chương trình miễn phí cho huyện đảo không phải “cho không”, mà là cách tạo thương hiệu, mở rộng thị phần, mang lại lợi ích cho chính hãng xe Daiichi. Chẳng có doanh nghiệp nào chịu lỗ để làm từ thiện như cách đang được mô tả.
Một lời xin lỗi đúng nghĩa không chỉ nằm ở câu chữ, mà còn cần thể hiện trách nhiệm và cam kết sửa sai. Trong vụ việc này, lời xin lỗi từ người đứng đầu công ty không những thiếu cầu thị mà còn khiến dư luận thêm bất bình.
“Một công ty lớn, nhưng cách ‘xin lỗi cho có’ này khiến khách hàng càng thêm bức xúc. Daiichi không phải hãng xe duy nhất ra Cát Bà, nếu mất lòng tin, khách hoàn toàn có thể chọn nơi khác. Khi niềm tin bị phản bội, chính doanh nghiệp là bên mất nhiều nhất”, anh Sang nói.