Bộ Xây dựng nói gì về việc bổ sung quy hoạch sân bay quốc tế tại Ninh Bình?
VOV.VN - Bộ Xây dựng ủng hộ bổ sung quy hoạch sân bay quốc tế tại Ninh Bình sau khi sáp nhập hành chính. Việc xây dựng cảng hàng không mới nhằm khai thác tiềm năng vận tải hàng không và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao tỉnh Ninh Bình tổ chức lập Đề án nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không tại đây
Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Chính phủ liên quan đến đề xuất xây dựng cảng hàng không quốc tế và các cầu bắc qua sông Đáy, sông Hoàng Long nối liền trung tâm Ninh Bình với Nam Định và Phủ Lý, Hà Nam.

Đánh giá việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ mở ra hướng phát triển mới, đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và dịch vụ vận tải, Bộ Xây dựng nhận định nhu cầu quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm phát triển kinh tế-xã hội của địa phương là chính đáng.
Tỉnh Ninh Bình sau khi sắp xếp đơn vị hành chính là địa phương có tiềm năng về thị trường vận tải hàng không, do vậy, Bộ Xây dựng ủng hộ chủ trương nghiên cứu, bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới tại tỉnh Ninh Bình sau khi hợp nhất.
Tại khu vực tỉnh Ninh Bình (sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh), Quy hoạch hệ thống cảng hàng không chưa xác định vị trí tiềm năng. Vì vậy, để bảo đảm đầy đủ cơ sở bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức lập Đề án nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không tại Ninh Bình gửi Bộ Xây dựng xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bổ sung quy hoạch.
Trong quá trình triển khai, Bộ Xây dựng sẽ thành lập Tổ công tác chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ UBND tỉnh Ninh Bình và tư vấn lập, trình duyệt Đề án bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030 là yếu tố dẫn tới có sự thay đổi về nhu cầu, thị phần vận tải. Vì vậy, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ chủ động triển khai rà soát, điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cảng hàng không để bảo đảm phù hợp với tình hình mới.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội trong thời gian tới. Do vậy, cùng với kết quả nghiên cứu tại Đề án do UBND tỉnh Ninh Bình lập, Bộ Xây dựng sẽ triển khai thủ tục điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cảng hàng không theo quy định của pháp luật về quy hoạch để bổ sung Cảng hàng không tại Ninh Bình.
Về xây dựng 2 trục đường chính từ Di sản Tràng An, Bái Đính (trung tâm Ninh Bình đến Nam Định và Phủ Lý, Hà Nam) và xây dựng 9 cầu bắc qua sông Đáy và sông Hoàng Long, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, việc nghiên cứu đầu tư bổ sung hệ thống hạ tầng giao thông kết nối là cần thiết.
Theo quy định, việc đầu tư xây dựng các trục đường chính và các cầu trên sông Đáy, sông Hoàng Long phải phù hợp với quy hoạch tỉnh và thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của UBND tỉnh Ninh Bình (sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh). Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp, hướng dẫn tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện.
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà xem xét, chỉ đạo UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức lập Đề án nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không tại Ninh Bình gửi Bộ Xây dựng xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bổ sung quy hoạch.
Bộ Xây dựng tổng hợp, triển khai thủ tục điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Doanh nghiệp Xuân Trường kiểm tra, rà soát quy hoạch tỉnh của các địa phương đã được phê duyệt, các dự án đã và đang triển khai để tránh trùng lắp và chồng lấn, có tính đến phương án kết nối hạ tầng hợp lý để triển khai dự án tuân thủ theo quy định của pháp luật về xây dựng, tạo đột phá về phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Bình.
Trước đó, Doanh nghiệp Xuân Trường đã đề xuất xây dựng sân bay quốc tế dự kiến tại huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) hoặc địa điểm do Bộ Xây dựng khảo sát và đề xuất; nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh Ninh Bình (sau sát nhập) và vốn xã hội hoá của doanh nghiệp, không sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Dự án cũng xây dựng 2 trục đường chính từ Di sản Tràng An, Bái Đính (trung tâm Ninh Bình đến Nam Định và Phủ Lý, Hà Nam) với 8 làn xe và xây dựng 9 cầu bắc qua sông Đáy và sông Hoàng Long; thời gian thi công không quá 12 tháng sẽ hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng; nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh Ninh Bình (sau sát nhập) và vốn xã hội hoá của doanh nghiệp, không sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương.