Cả đời với nghiệp “chở đò”

Sau khi nghỉ hưu, một nhà giáo lại bỏ nhiều tâm sức để đưa học sinh qua sông cho các em đến trường. Nhiều năm qua ông đã làm như vậy, hoàn toàn miễn phí

Nhà giáo Nguyễn Thanh Hòa (thường gọi là ông Tám Hòa) ở khu phố 2, phường An Phú Đông, Q.12, TP. Hồ Chí Minh, năm nay 70 tuổi, có 30 năm trong nghề dạy học. Thuở nhỏ, nhà nghèo, phải bỏ làng lên Sài Gòn bán vé số dạo, rồi đi ở cho nhà người ta… Mãi tới năm 12 tuổi, ông mới có điều kiện đến trường. Chính vì thế ông rất thông cảm và thương các em học sinh nghèo.

Năm 1991, về nghỉ hưu với đồng lương hạn hẹp, ông xắn tay cùng vợ con cày bừa cấy hái ở vùng trũng thuộc phường An Phú Đông, quận 12 ngày nay để sinh sống. Hàng ngày chứng kiến các em nhỏ đi học vất vả qua con sông Vàm Thuật, nối liền quận 12 với quận Gò Vấp, ông cứ trăn trở: làm sao đây để giúp các em tới trường an toàn, thuận lợi? Năm 1996, ông đã đầu tư xây dựng bến đò để đưa học sinh qua sông đi học (miễn phí).

Lúc ấy, phương tiện nhỏ, mỗi chuyến chỉ chở được vài em, nên hàng ngày ông thức dậy từ sớm để chở lần lượt từng chuyến, cho các em không bị trễ giờ.

Dần dà thấy nhu cầu đi lại của dân ở đây tăng lên, ông đã vay mượn đầu tư và xin giấy phép thành lập bến đò để vừa thuận tiện đưa dân qua lại dễ dàng.

Khi lần lượt đóng được những chiếc phà với tải trọng lớn, ông vẫn đưa các em học sinh, sinh viên, người già, người ốm đau qua sông miễn phí. Còn những người bình thường cũng chỉ phải trả tiền vé với giá rất rẻ mà có lẽ chẳng nơi nào có được:1.000đ/lượt. (Dù bao nhiêu lần giá xăng dầu tăng, nhưng ông vẫn không tăng giá vé).

Ông Tám Hoà tâm sự nói: “Trong tim, trong máu tôi luôn có hình ảnh của học sinh. Giờ về rồi không còn trực tiếp đem lại cho các em cái chữ nữa, tôi cũng buồn, nhớ trường lớp lắm. Nên tôi làm công việc này, chỉ biết đơn giản là giúp các em cũng là góp phần xây dựng đất nước, vì các em là thế hệ tương lai của đất nước”.

Bến phà của ông được trang bị đầy đủ về phao cứu sinh và áo phao cho mỗi khách qua phà. Ông bảo: “Kim cương, vàng bạc mất đi còn có thể tìm lại được, còn mạng sống con người thì không thể”. Chính vì vậy ông cũng đặt ra trách nhiệm cho thuyền trưởng và nhân viên phải coi an toàn là trên hết. Phương châm của bến phà là “Nhanh lẹ, rẻ, không kẹt xe và đặc biệt an toàn”. Khi mọi người lên phà qua sông, tự tay ông phát áo phao cho mỗi người mỗi chiếc.

Bà Hồ Thị Thiên- nhà cạnh bến đò ông Tám nói: “Tui chưa thấy ai tốt như ổng. Mỗi ngày có hàng bao nhiêu học sinh từ mẫu giáo tới phổ thông qua về mà ông không thu một xu nào. Có lần, khi ra giữa sông rồi mà thấy có tiếng gọi của người cấp cứu ổng cũng quay vào, rồi không những không lấy tiền mà còn cho thêm người ta vài ba trăm ngàn”.

Học sinh và những người có hoàn cảnh khó khăn đều được ông Tám miền phí qua phà

Nói về ông Tám Hoà, em Lê Thị Thanh Vi học lớp 6 trường Gò Vấp II kể: “Ngày nào con cũng đi phà ông Tám 4 lần cả đi lẫn về. Ông thương tụi con lắm. Ổng không lấy tiền, mỗi khi lên phà là ổng bắt chúng con mang áo phao hết. Con nghe nói ông Tám vốn là một thầy giáo. Sắp đến 20/11, chúng con không có gì tặng ông cả, chỉ mong ổng luôn khoẻ để cho chúng con cũng như mọi người ở đây đi nhờ!”.

Còn bà Lê Thị Út- một người bán hàng rong cho biết: “Ông Tám chịu khó lắm. Ngày nào cũng vậy, ông dậy từ lúc 3 giờ sáng để cho phà cập bến đưa những người buôn bán nghèo khổ như chúng tôi qua sông. Dù chỉ có dăm ba người, ông vẫn chạy và miễn phí luôn. Bà con chúng tôi ai cũng phục và biết ơn ông ấy nhiều lắm”.

Vốn trước đây, con đường dẫn xuống bến đò rất lầy lội, vậy nhưng nhờ sự kiên trì như con kiến tha mồi về làm tổ, cứ mỗi năm ông lại đổ thêm vài ba chục xe đất, đá dăm; thế là con đường dài 1 km được nâng cao lên. Giờ đây  người và phương tiện qua lại được dễ dàng.

Bến đò An Phú Đông của ông Tám Hòa được ngành Giao thông công chính TP.HCM đánh giá là một trong những nơi dẫn đầu các bến đò về văn minh, an toàn. Ông Tám Hoà được các cấp khen ngợi, nhân dân phấn khởi biết ơn. Và ngày ngày hàng trăm học sinh hai bên con sông ấy đi học được ông giáo ân cần hướng dẫn và miễn phí chỉ “Vì trong máu, trong tim ông luôn có học sinh”.

Người ta thường ví nghề giáo như người chở đò, hết chuyến này lại chuyến khác đưa học trò qua con sông kiến thức. Và thế là, cả cuộc đời ông Tám đã làm nghề chở đò cao quý ấy, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên