Cách phòng bệnh viêm não mô cầu

Vi khuẩn não mô cầu cư trú ở hầu họng, sau đó lan truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp.  

Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhiễm, khoảng 20% người khỏe mạnh mang vi trùng viêm não mô cầu. Bệnh chỉ phát thành triệu chứng khi cơ thể yếu. Phần lớn bệnh nhân đều qua khỏi tuy nhiên trong số ít trường hợp cấp tính, người bệnh có thể bị nhiễm trùng huyết và tử vong nếu không điều tri kịp thời. 5 tỉnh, thành phố ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh viêm não mô cầu, gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Phước và Quảng Trị. Để bạn đọc có thêm thông tin về cách phòng tránh căn bệnh này phóng viên VOVonline đã phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus – Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm.

PV: Xin bác sĩ cho biết  triệu chứng của bệnh viêm não mô cầu là gì?

Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm: Tuỳ thuộc vào thể bệnh. Một là thể nhiễm mang vi khuẩn nhưng không có biểu hiện. Hai là triệu chứng của viêm ngứa họng. Ba là thể của nhiễm khuẩn huyết. Thứ 4 là biểu hiện của viêm màng não.

Tuy nhiên, trong trường hợp người bệnh nhiễm não mô cầu có triệu chứng thì biểu hiện đầu tiên là sốt, những biểu hiện tại chỗ như: những tổn thương tại mũi họng.

Với trường hợp người bệnh nhiễm khuẩn huyết thì có triệu chứng toàn thân nặng có phát ban, có những tử ban và biến loạn tuần hoàn, suy tuần hoàn, sốc… Nếu người bệnh bị viêm màng não thì ngoài những triệu chứng nói trên còn có những biểu hiện của cơ quan hệ thống thần kinh như sốt, buồn nôn, nôn, đau đầu, gáy cứng…

PV: Vậy cơ chế lây lan của căn bệnh này như thế nào, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm: Đây là bệnh do vi khuẩn gây ra. Vi khuẩn não mô cầu cư trú ở hầu họng, sau đó lan truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp; qua ho, hắt hơi… phát tán những giọt nước bọt nhỏ li ti chứa vi khuẩn lây truyền trong không khí.

Các thể bệnh của bệnh não mô cầu có thể là người lành mang vi khuẩn, không có biểu hiện, triệu chứng gì, mặc dù vẫn có những vi khuẩn ở hầu họng.

Thể thứ hai là vi khuẩn cư trú tại hầu họng và gây ra các triệu trứng như sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng…

Có 2 thể bệnh nặng hơn đó là vi khuẩn lan truyền qua đường máu đến cơ quan thần kinh trung ương gây ra viêm màng não mủ do não mô cầu, lan truyền trong đường máu, trở thành thể nhiễm khuẩn huyết. Biểu hiện của thể nhiễm khuẩn huyết là người bệnh sốt cao, rét run, tình trạng nhiễm trùng rất nặng, bệnh nhân có những biểu hiện phát ban. Ban sẽ lớn và xuất huyết, những hoại tử lan rộng và hoại tử ở trung tâm trở thành tử ban. Những thay đổi làm giảm mạch huyết áp thậm chí dẫn đến sốc. Nếu không điều trị kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong. Đó là những thể nhiễm khuẩn huyết.

Còn các biểu hiện của viêm màng não do não mô cầu thì cũng sốt cao đột ngột, bệnh nhân đau đầu, buồn nôn, sợ ánh sáng… các biểu hiện như người bệnh có gáy cứng, nặng thì bệnh nhân sốt li bì, rối loạn tinh thần…thậm chí có thể dẫn đến hôn mê.

PV: Bác sĩ cho biết diễn biến của bệnh viêm cầu não?

Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm: Trên cả nước đã xuất hiện hơn 10 bệnh nhân mắc bệnh viêm cầu não. Từ cuối năm 2011 đến nay, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 2 ca dương tính với virus bệnh viêm não mô, đã điều trị và cho bệnh nhân xuất viện.

Các tuyến đều được thông báo về tình hình các ca bị nhiễm não mô cầu, thông báo về các triệu chứng, các nơi mà bệnh nhân cư trú để phối hợp với y tế dự phòng để khoanh vùng.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền sử dụng kháng sinh dự phòng cho những người tiếp xúc, cho cán bộ nhân viên y tế cũng được thực hiện.

Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh viêm não mô cầu.

PV: Để phòng tránh căn bệnh này người dân cần làm gì, thưa bác sĩ?

Bác sỹ Nguyễn Tiến Lâm: Giống như các bệnh lây qua đường hô hấp, cách phòng chống là: chủ động đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người, vệ sinh sạch sẽ. Những người có tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân thì phải đeo khẩu trang và sử dụng kháng sinh hoặc thuốc dự phòng.

Người sống trong vùng có dịch bệnh lưu hành, có các bệnh nhân đã được chẩn đoán là bị nhiễm não mô cầu thì phải xem xét uống kháng sinh và tiêm vaccine dự phòng bệnh. Hiện căn bệnh này đã có vaccine đặc trị.

Khi người dân có những triệu chứng cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị.

PV: Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, nhiều người dân đổ xô đi tiêm vaccine, bác sĩ có lời khuyên nào cho người dân?

Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm: Hà Nội hiện không xác định là ổ dịch của viêm não mô cầu, nên những người bình thường không nhất thiết phải tiêm vaccine dự phòng.

Sử dụng vaccine theo khuyến cáo nên sử dụng cho trẻ từ 2-5 tuổi, những đối tượng có nguy cơ cảm nhiễm cao như từ 14- 19 tuổi, hoặc những người xác định sống trong vùng ổ dịch. Vaccine nếu chất lượng tốt, tiêm đúng kỹ thuật thì không ảnh hưởng  đến sức khoẻ.

Vaccine viêm não mô cầu được nhập từ nước ngoài về, tuy nhiên so với các loại vaccine khác như vaccine cúm thì vấn đề kinh tế không phải là vấn đề lớn.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên