Cán bộ xin “nhường ghế”: Nên coi là chuyện bình thường
VOV.VN - Nên coi chuyện cán bộ từ chức, “nhường ghế” là bình thường, ở góc độ nào đó là đáng mừng, bất kể vì lý do gì. Kể cả trường hợp vì lý do sai phạm, thì cũng là họ biết dừng lại để ngăn sai lầm tiếp theo có thể xảy ra, gây hậu quả nặng nề cho xã hội
Chỉ sau hơn 2 tháng được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, ông Mai Nhữ Thắng đã bất ngờ xin chuyển công tác đến Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Lý do được đưa ra trên báo chí, ông Thắng chủ động có đơn gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa xin chuyển công tác là do sức khỏe bị ảnh hưởng, liên tục căng thẳng, không thể đáp ứng được cường độ làm việc tại Sở này.
Trước đó, nhiều địa phương cũng đã có nhiều cán bộ xin nghỉ trước tuổi, chuyển công tác khi đang còn nhiệm kỳ công tác. Trong tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Viết Hùng, sinh năm 1962, Phó trưởng ban Tổ chức cũng đã xin nghỉ hưu trước tuổi. Thay vào vị trí này là ông Nguyễn Trọng Hùng (42 tuổi, Trưởng phòng Tổ chức Đảng - đảng viên thuộc Ban Tổ chức Thành ủy). Hay các ông Phạm Tấn Hoàng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi và 3 người là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi cũng đã xin nghỉ hưu trước tuổi. Trước đó nữa là trường hợp của ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Hội An; ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng được dư luận “quan tâm” ở thời điểm đó…
Ở các nước, từ lâu chuyện lãnh đạo tự nguyện xin từ chức khi thấy không đủ sức khỏe, khả năng là khá phổ biến và bình thường. Như ở Hàn Quốc, sau vụ chìm phà khiến gần 200 người chết và hàng trăm người mất tích, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong Won đã xin từ chức vì thấy không hoàn thành trách nhiệm. Còn ở các nước Nhật Bản, Anh, Ấn Độ… cũng thường xuyên có rất nhiều lãnh đạo, kể cả cấp cao tự nguyện rút khỏi “ghế nóng” khi đang đương nhiệm.
Thực ra, đây là chuyện rất bình thường trong xã hội và trong công tác cán bộ. Nhưng vì khá hiếm ở nước ta, nên nó lại trở thành không bình thường trong dư luận. Khi có trường hợp cán bộ, lãnh đạo có chức quyền xin “nhường ghế” thì dư luận thường đặc biệt quan tâm với câu hỏi cán bộ này vi phạm, sai phạm gì và coi đó là chuyện bất bình thường.
Tâm lý này cũng dễ hiểu, bởi từ chức, xin làm vị trí thấp hơn, nhất là đối với người có vị trí quan trọng vẫn là hiện tượng hiếm thấy ở nước ta. Mặt khác, cũng bởi lâu nay, có khá nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm từ nhỏ đến lớn, bị xử lý kỷ luật, thậm chí có những người ở cấp Bộ Chính trị sai phạm đã phải ngồi tù, nên ít nhiều cũng làm dư luận hoài nghi và mất lòng tin. Vì thế mỗi khi có cán bộ, lãnh đạo rút khỏi vị trí khi còn tại nhiệm, sự hoài nghi đó lại trỗi dậy.
Cũng có lẽ vì từ chức, “nhường ghế” đang được nhìn nhận ở góc độ không bình thường nên nhiều cán bộ hiện nay không dám chủ động từ chức, kể cả khi thấy không đủ năng lực và trách nhiệm để tiếp tục làm “đầy tớ của dân”. Ngoài các nguyên nhân, có một nguyên nhân khác là khi từ chức, xin chuyển xuống chức vụ thấp hơn, họ phải chịu áp lực lớn từ gia đình và dư luận.
Vậy nên, khi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo khi không còn đủ khả năng để đảm đương vị trí, hiệu quả công việc sẽ giảm sút, thậm chí là phạm phải sai lầm, để lại hậu quả cho cơ quan, đơn vị và xã hội. Điều đó cũng một phần lý giải vì sao trong thời gian qua lại có nhiều cán bộ quản lý từ cấp Trung ương xuống địa phương bị xử lý kỷ luật đến như vậy.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chỉ trong năm 2021, qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý hơn 330 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tăng hơn 3 lần so với năm 2020. Cũng trong năm 2021, cả nước đã khởi tố, điều tra 390 vụ án với 1.011 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, tăng 15 trường hợp so với năm 2020.
Các trường hợp cán bộ, đảng viên bị đưa ra xử lý trong thời gian qua đều có biểu hiện suy thoái về chính trị, đạo đức do trong quá trình công tác không tu dưỡng, rèn luyện bản thân, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Thậm chí, nhiều người đã sa ngã trước cám dỗ vật chất, trở thành nô lệ cho đồng tiền và quyền lực, tham nhũng, cửa quyền…
Trong thời gian qua, Đảng ta đã ban hành rất nhiều văn bản trong đó có quy định liên quan đến việc từ chức của cán bộ, Đảng viên. Mới nhất là Quy định số 41-QĐ/TW quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý…
Nhưng thực tế, việc cán bộ, đảng viên chủ động viết đơn xin từ chức hay chuyển công tác từ vị trí cao xuống vị trí thấp hơn còn rất hiếm. Chỉ khi phát hiện ra sai phạm, bị xử lý thì họ mới “buộc” phải từ chức.
Vì thế, đến lúc nên coi từ chức, “nhường ghế” trong cán bộ, Đảng viên là chuyện bình thường trong công tác cán bộ, trong xã hội và là văn hóa công sở. Chỉ như vậy, thì người có nguyện vọng từ chức khi thấy không đủ khả năng, sức khỏe đảm đương vị trí công tác mới không cảm thấy áp lực nặng nề từ gia đình và xã hội.
Khi đó, dư luận cũng nên quen dần khi thấy có cán bộ, đảng viên “nhường ghế” khi đương nhiệm. Thậm chí, ở góc độ nào đó là đáng mừng, bất kể vì lý do gì. Trường hợp vì lý do nhận thấy sai phạm, thì cũng là chính bản thân người đó vẫn còn tự trọng, biết dừng lại để hạn chế những sai lầm tiếp theo và nghiêm trọng hơn có thể xảy ra. Còn trường hợp từ chức do không đủ sức khỏe, khả năng thì chính họ đã dũng cảm khi nhìn nhận đúng bản thân và thấy rằng cần phải “nhường” cho người có khả năng hơn tiếp quản nhiệm vụ.
Khi việc “lên-xuống” trở thành bình thường thì cũng sẽ giảm bớt tư tưởng “làm quan” là "ăn trên, ngồi trốc" mà trở về đúng vị trí là “đầy tớ của dân”, phụng sự nhân dân và đất nước. Đồng thời, cũng là thực hiện trách nhiệm nêu gương của người lãnh đạo, người đảng viên theo đúng chủ trương, quy định của Đảng.
Và khi đó, những người trẻ, những người có năng lực thực sự có thêm cơ hội phấn đấu, cống hiến, đảm nhiệm các vị trí quan trọng vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước./.