Cần giải pháp cai nghiện thay thế Methadone

VOV.VN - Đến nay nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần giải pháp khác cho phù hợp với tình hình mới.

Thời gian qua, việc điều trị bằng Methadone được sử dụng rộng rãi trong cai nghiện tại cộng đồng ở nhiều địa phương, nhưng kết quả chưa như mong muốn. Đến nay nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần giải pháp khác cho phù hợp với tình hình mới.

Qua rà soát, trong vòng 5 năm, số người nghiện có hồ sơ quản lý tại TPHCM đã tăng 14,04% (năm 2015  hơn 21.000 người, đến năm 2019 tăng lên 24.000 người) với trên 82% người nghiện không có nơi cư trú ổn định). Thời gian qua, giải pháp điều trị bằng Methadone cho người cai nghiện tại cộng đồng vẫn tiếp tục được triển khai rộng rãi nhưng kết quả chưa như mong muốn, kèm với đó là rất nhiều hệ luỵ về trật tự xã hội.

Người nghiện uống Methadone tại các cơ sở y tế.

Cụ thể, TPHCM có 23 cơ sở điều trị bằng Methadone áp dụng cho mô hình cai nghiện ma tuý tại cộng đồng nhưng chỉ có hơn 5.400 người tự nguyện đăng ký. Trong đó, số người điều trị đối phó, bỏ liều khá cao. Đến thời điểm này, chỉ còn 320 người nghiện đang duy trì giữ liều điều trị 2 năm. Tình trạng người nghiện, tái nghiện sau điều trị tiếp tục gia tăng, tại nhiều quận huyện như: quận Bình Tân, Tân Bình, quận 4, quận 8 và huyện Bình Chánh.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và xã hội TPHCM nhìn nhận: "Chúng tôi vận động để tự đăng ký cai nghiện tại cộng đồng, nhưng thấy quy trình cai nghiện tại cộng đồng cũng không hiệu quả lắm. Chính gia đình cũng còn bao che cho con em mình, rồi bản thân người nghiện cũng không tự giác khai báo, không tự giác thực hiện đúng quy trình cai nghiện, nên việc điều trị theo phương pháp này gặp nhiều khó khăn, cụ thể là bỏ liều, bỏ thời gian điều trị".

Sở Y tế TPHCM cho biết, TP được giao chỉ tiêu vận động 8.000 người nghiện điều trị bằng Methadone và đến thời điểm này chỉ đạt được hơn 60%. Người nghiện hiện đang có dấu hiệu trẻ hoá, sử dụng nhiều loại ma tuý khác nhau khiến hiệu quả điều trị bằng Methadone giảm. Trên thực tế, chỉ có gần 30% người nghiện dùng các chất gây nghiện dạng Opiates và hơn 70% người nghiện sử dụng các chất dạng ma tuý tổng hợp. Trong khi đó, điều trị bằng Methadone luôn khắt khe về thời gian uống thuốc cố định, không xác định được thời điểm dừng điều trị khiến việc kéo giảm người nghiện khó khả thi.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm cai nghiện ma tuý Thanh Đa, TPHCM cho rằng: "Trước kia người nghiện ma tuý 90 đến 95% thì chỉ sử dụng heroin, do đó dùng Methadone thì có thể xử lý được một số vấn đề. Tuy nhiên hiện nay hầu hết người nghiện đã chuyển qua sử dụng ma tuý đá… thì Methadone không còn tác dụng nữa. Do đó, nếu không có kế hoạch chuẩn bị trước, chúng ta sẽ gặp rất nhiều trục trặc trong việc điều trị chống tái nghiện khi tiếp tục sử dụng Methadone".

Trao đổi về việc có nên hay không tiếp tục việc sử dụng Methadone trong điều trị cho người nghiện, ông Nguyễn Xuân Lộc, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ Lao động- Thương binh và xã hội cho rằng: Các nước trên thế giới xác định Methadone hay Buprenorphine cũng là thuốc gây nghiện. Qua áp dụng việc điều trị theo giải pháp này tại một số trại giam của Bộ Công an không mang lại hiệu quả, đề nghị Bộ Y tế sớm có phương án khả thi hơn đồng thời cần thông tin cụ thể đến người dân, việc điều trị Methadone, Buprenorphine chỉ là thay thế chất gây nghiện này bằng chất gây nghiện khác để giảm liều chứ không phải điều trị.

Giáo dục cảm hoá người sau cai tại cộng đồng.

Bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề sử dụng Methadone điều trị cho người nghiện, Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TPHCM phân tích: Hiện Việt Nam vẫn phụ thuộc viện trợ và chưa thể tự lực về nguồn Methadone và cũng chưa thống nhất về nguồn kinh phí để nhập chất này. Còn nhiều ý kiến tranh luận giải pháp Methadone là cai nghiện hay chỉ giảm tác hại do chưa xác định được thời gian giảm liều khi dùng.

Thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng: "Hiện không có liệu pháp điều trị ma tuý có tính tổng thể, trên thế giới hiện cũng chưa tìm ra có mô hình giải pháp cai nghiện nào, vì thế họ mới gọi là ma tuý. Chúng ta cũng thử nghiệm nhưng chắc chắn nhiều năm tới chúng ta cũng sẽ chưa tìm ra giải pháp đó. Đối sách phương châm theo tôi nghĩ là cần tập trung ưu tiên việc ngăn ngừa phát sinh ra người nghiện mới".   

Theo các phân tích mang tính chuyên môn như trên, thì đã đến lúc các ngành chức năng cần nghĩ đến biện pháp cai nghiện khác cho người cai nghiện tại cộng đồng. Đồng thời, việc ngăn ngừa để không phát sinh người nghiện mới cũng phải được đẩy mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nơi giúp học viên cai nghiện hòa nhập
Nơi giúp học viên cai nghiện hòa nhập

VOV.VN -Nhiều đối tượng đã có những chuyển biến rõ rệt so với ban đầu, không còn cảm thấy hụt hẫng, dằn vặt bản thân 

Nơi giúp học viên cai nghiện hòa nhập

Nơi giúp học viên cai nghiện hòa nhập

VOV.VN -Nhiều đối tượng đã có những chuyển biến rõ rệt so với ban đầu, không còn cảm thấy hụt hẫng, dằn vặt bản thân 

Đổi mới công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai
Đổi mới công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai

VOV.VN -Công tác chỉ đạo triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy đã được tiến hành một cách nghiêm túc, kịp thời 

Đổi mới công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai

Đổi mới công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai

VOV.VN -Công tác chỉ đạo triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy đã được tiến hành một cách nghiêm túc, kịp thời 

Hải Phòng hỗ trợ 100% kinh phí cho người tự cai nghiện ma túy
Hải Phòng hỗ trợ 100% kinh phí cho người tự cai nghiện ma túy

VOV.VN -Hỗ trợ 100% tiền ăn hàng tháng, tiền quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân cho các đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện

Hải Phòng hỗ trợ 100% kinh phí cho người tự cai nghiện ma túy

Hải Phòng hỗ trợ 100% kinh phí cho người tự cai nghiện ma túy

VOV.VN -Hỗ trợ 100% tiền ăn hàng tháng, tiền quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân cho các đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện