Đồng bằng sông cửu Long:

Cần tuân thủ lịch thời vụ

Vụ sản xuất lúa đông xuân 2010-2011 đang gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp, mực nước lũ thấp hơn trung bình nhiều năm.  

Bên cạnh đó, nguy cơ bùng phát dịch bệnh được dự báo sẽ xảy ra trên diện rộng.

Vụ đông xuân ở ĐBSCL có vai trò quyết định đối với việc thực hiện kế hoạch cả năm. Đặc biệt là đối với cây lúa do điều kiện thuận lợi về đất đai và thời tiết.

Đến nay, tỉnh Đồng Tháp, 1 trong 2 địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn ở ĐBSCL đã xuống giống hơn 60.000ha lúa đông xuân. Năm nay lũ nhỏ, mực nước thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,2 - 0,4m nên nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc vệ sinh đồng ruộng, chi phí sản xuất tăng cao. 150.000 ha lúa vụ đông xuân ở các huyện phía Bắc của tỉnh được cảnh báo sẽ thiếu nước bơm tưới. Ông Trần Quốc Tuấn, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự than rằng: “Nước không ngập thì sâu bệnh nhiều. Chắc chắn khi sản xuất chi phí sẽ cao và lợi nhuận sẽ giảm. Năng suất chưa thể nói trước vì mực nước thấp, phù sa ít”.

Theo dự báo, nếu nước lũ xuất hiện ở mức thấp như hiện nay, nguy cơ bà con ĐBSCL đối mặt với thiệt hại lâu dài là rất lớn. Các cánh đồng thiếu đi nguồn nước tháo chua, rửa phèn, diệt trừ mầm bệnh lưu tồn trong đất; khả năng “tấn công” làm hạn chế đất sống của chuột bị suy yếu.

Lũ thấp và muộn cũng được cảnh báo là sẽ làm giảm đi nguồn phù sa vốn đang ngày càng cạn kiệt để bồi đắp cho đồng ruộng sau nhiều năm bị khai thác gieo trồng liên tục; từ đó đẩy vụ lúa đông xuân 2010- 2011 vào tình thế khó khăn. Chi phí đầu tư do vậy cũng tăng cao nhưng năng suất có nguy cơ giảm mạnh.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhận xét: “Lũ thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mùa vụ, đặc biệt là năng suất lúa sẽ thấp. Bên cạnh đó, nếu lũ muộn sẽ dẫn đến trễ vụ. Mà vụ này trễ, vụ tới sẽ trễ. Vụ đông xuân ĐBSCL mấy năm qua trúng mùa. Còn năm nay thì chúng tôi cũng không biết ra sao nữa”.

Nông dân ĐBSCL đang bước vào thời vụ gieo sạ vụ lúa đông xuân 2010-2011 với diện tích khoảng 1,6 triệu ha. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, lịch thời vụ bắt đầu từ tháng 11 này. Tuy nhiên, trước những bất ổn của thời tiết, khí hậu, Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành khuyến cáo, những khu vực chuẩn bị xuống giống, bà con nông dân cần vệ sinh tốt đồng ruộng, đồng thời tiến hành xuống giống tập trung, đồng loạt và “né rầy” theo đúng lịch thời vụ. Ngay từ đầu vụ, cần áp dụng các biện pháp tổng hợp để diệt trừ ốc bươu vàng, diệt chuột; xử lý bằng vôi; tổ chức bơm và tháo nước rửa đất cho những diện tích có nguy cơ ngộ độc hữu cơ cao.

Tại ĐBSCL, đông xuân là vụ lúa chính - chiếm hơn một nửa sản lượng lúa trong năm. Hơn 60% diện tích sản xuất vụ lúa này cũng sẽ ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất lúa của các vụ trong năm. Do vậy, các cơ quan chức năng cho rằng, việc đảm bảo và gia tăng năng suất, ổn định sản lượng lúa trong vụ này có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu gạo. Vì vậy, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là việc bố trí thời vụ xuống giống.

Thạc sĩ Châu Ngọc Thi, Phó phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành, tỉnh An Giang cho biết: “Vụ đông xuân này, chúng tôi tập trung xuống giống đồng loạt và tập trung né rầy theo lịch thời vụ của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, chúng tôi quyết tâm ứng dụng mạnh hơn nữa những tiến bộ khoa học kỹ thuật”.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo có đủ lượng nước sản xuất lúa đông xuân trong suốt vụ, tránh ngập úng đầu vụ và hạn, mặn cuối vụ, giai đoạn lúa trổ chín có đầy đủ lượng ánh sáng và số giờ nắng cần thiết và lượng mưa ít nhất. Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương ở ĐBSCL xuống giống đợt 1 khoảng 600.000ha vào thời điểm từ 15 đến 30/11 tới. Cục cũng lưu ý, vùng phù sa nước ngọt dọc sông Tiền và sông Hậu, vùng gò cao tây sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, vùng bán đảo Cà Mau và ven biển Nam bộ không nên xuống giống muộn hơn, vì rất dễ bị xâm nhập mặn và khô hạn vào cuối vụ.

Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Viện Lúa ĐBSCL đang nghiên cứu sản xuất các giống lúa mới thích nghi với biến đổi khí hậu như nắng nóng, khô hạn, ngập úng, xâm nhập mặn. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: “Viện đã chọn khoảng 30 giống lúa có thể chịu được độ mặn 5 - 6%. Ngoài ra, lấy giống lúa bản địa để nghiên cứu sản xuất giống lúa chịu hạn; nghiên cứu các giống lúa nổi tạo ra giống lúa thích nghi với ngập úng... Hiện Viện Lúa ĐBSCL đã sản xuất được số lượng nhỏ. Đề tài này đã được đưa vào nghiên cứu, sản xuất trong nhà lưới và khảo nghiệm tại vùng Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu”.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, vấn đề đặt ra hiện nay là ngành nông nghiệp ĐBSCL cần chỉ đạo sản xuất,  bố trí thời vụ theo hướng né rầy, tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng, từng khu vực, không xuống giống sớm, không xuống giống kéo dài, đảm bảo thời gian cách ly giữa vụ thu đông và đông xuân ít nhất 3 tuần.

Tình hình biến đổi khí hậu và những bất thường của mùa nước nổi năm nay ở ĐBSCL đang ngày càng có biểu hiện rõ và cảnh báo những khó khăn trong sản xuất vụ lúa đông xuân. Vấn đề đặt ra là các địa phương trong vùng phải luôn sẵn sàng các phương án đối phó và tập trung triển khai sản xuất theo đúng khuyến cáo của ngành nông nghiệp để giúp người nông dân bớt “phập phồng” với một mùa vụ lớn nhất trong năm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên