Chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội: Cần tăng mạnh chế tài xử phạt
VOV.VN - Tình trạng nhiều đơn vị, doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho hàng nghìn lao động với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi người lao động. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng nặng chế tài đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Không dễ xử lý
Theo cơ quan BHXH Việt Nam, từ năm 2018 đến hết năm 2023, ngành BHXH Việt Nam đã gửi 417 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang Cơ quan điều tra. Trong đó có 34 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 214 về tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, 4 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế, 379 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Riêng năm 2023, toàn ngành phát sinh 26 hồ sơ kiến nghị khởi tố. Tính đến nay, 15 hồ sơ đã được khởi tố, trong đó có 8 bản án đã có hiệu lực pháp luật với số tiền cá nhân, tổ chức phải thi hành án cho cơ quan Bảo hiểm xã hội là trên 2,69 tỷ đồng. Số tiền cơ quan BHXH đã thu hồi được từ thi hành án đạt hơn 2,38 tỷ đồng.
220 hồ sơ không khởi tố do được xác định là không có dấu hiệu tội phạm, không có hành vi vi phạm hoặc chuyển xử lý hành chính; 23 hồ sơ tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị khởi tố; 2 hồ sơ bị tạm đình chỉ, đình chỉ; 103 hồ sơ vẫn đang trong quá trình xem xét, giải quyết.
Những con số trên cho thấy, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH đã và đang diễn biến phức tạp, gây nhiều hệ lụy. Điều này không những ảnh hưởng tới quyền lợi trước mắt, trực tiếp của người lao động mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh xã hội lâu dài, ảnh hưởng đến niềm tin của người lao động vào hệ thống BHXH.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm có giải pháp đặc trị với hành vi chậm, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đây không chỉ là mong mỏi của người lao động mà còn là mong muốn rất lớn từ ngành Bảo hiểm xã hội,
Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, việc chậm, trốn đóng bảo BHXH là lỗi của doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, cũng có những doanh nghiệp thực sự khó khăn, xin giãn thời gian đóng bảo hiểm cho người lao động. Tuy nhiên, việc này cơ quan bảo hiểm và doanh nghiệp phải bàn bạc, thống nhất với nhau. Sau khi doanh nghiệp phục hồi thì phải tiến hành đóng BHXH cho người lao động. Trường hợp cố tình trốn đóng BHXH thì phải đưa ra pháp luật xử lý, bởi trong luật đã quy định có biện pháp xử lý hành chính hoặc đưa ra xử lý hình sự.
Ông Huân cũng cho rằng, hành vi vi phạm này không dễ xử lý. Về mặt luật pháp cũng đã quy định, có cả biện pháp hành chính, biện pháp xử lý hình sự. Không dễ thực hiện là do những vướng mắc về cơ chế chính sách cũng như thực tiễn thực hiện. Nếu doanh nghiệp sai thì doanh nghiệp phải bị xử phạt nghiêm minh; Phải đồng bộ cả cơ quan bảo hiểm, cơ quan thanh tra, hệ thống công đoàn cũng như bản thân người lao động, nếu thấy vấn đề đó là sai thì phải khởi kiện.
“Xử lý là rất khó khăn nhưng vẫn phải làm, phải chia ra 2 loại, một loại là cố tình chây ì, một loại là do điều kiện khách quan dẫn đến khó khăn. Phải phân loại ra để xử lý và có các biện pháp phù hợp. Trong luật sửa đổi đã quy định rõ, vấn đề nào thuộc hành chính, vấn đề nào thuộc hình sự. Cùng với đó, phải tăng cường thanh tra, giám sát, phải xử phạt để bảo đảm quyền lợi cho người lao động”, ông Phạm Minh Huân nói.
Cần có chế tài xử lý mạnh tay
Đưa ra quan điểm về chế tài xử lý doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH cho người lao động, luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch HĐQT Công ty Luật TNHH Hừng Đông (Hà Nội) cho hay, theo quy định tại điều 17, Luật BHXH quy định thì trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là những hành vi bị nghiêm cấm.
Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Cụ thể, không đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội đủ từ 30 ngày trở lên thì sẽ phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP: Phạt tiền với mức từ 12% - 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Chậm đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; Đóng bảo BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định; Đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Phạt tiền với mức từ 18% - 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Biện pháp khắc phục hậu quả của những doanh nghiệp vi phạm này là: Buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng; Buộc đóng số tiền lãi của số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm.
Như vậy, nếu công ty không đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thì mức phạt tiền đối với công ty là từ 18% - 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.
Nặng hơn, người sử dụng lao động trốn đóng BHXH còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự TNHS, phải chịu phạt tiền, đi tù đến 7 năm.
Luật sư Nguyễn Danh Huế cho rằng, với những chế tài hiện nay, đặc biệt là về hành chính thì vẫn chưa đủ sức răn đe. Việc quy định mức phạt trần tối đa 75 triệu đồng có thể bị nhiều doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi. Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp có đông lao động, số tiền phải đóng BHXH mỗi tháng có thể lên tới vài tỷ đồng. Nếu không đóng BHXH trong vài tháng, số tiền doanh nghiệp chiếm dụng được lên đến cả chục tỉ đồng. Như vậy, chỉ mất 75 triệu đồng để đóng phạt thì doanh nghiệp vẫn “lời” to, chỉ có người lao động là thiệt thòi quyền lợi. Do vậy, không nên khống chế mức phạt tối đa mà buộc doanh nghiệp phải nộp phạt căn cứ trên tỉ lệ số tiền phải đóng.
“Còn về hình sự, cho đến nay, chưa có doanh nghiệp nào bị xử lý hình sự về trốn đóng BHXH. Tôi cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ vướng mắc trong việc xác định hành vi vi phạm. Do vậy không có cơ sở xác định yếu tố lỗi để xử phạt hành chính về hành vi “trốn đóng” làm cơ sở, tiền đề cho việc xử lý hình sự. Thực tế cho thấy, hiện nay trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính cơ quan BHXH chỉ có thể xác định là không đóng, hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và đóng không đúng mức đóng quy định… mà không đủ công cụ, phương pháp để xác định được các hành vi đó là trốn đóng, hay không phải trốn đóng. Đồng thời cũng không chứng minh được người có nghĩa vụ đóng cố ý, và có hành vi gian dối và bằng thủ đoạn”, ông Nguyễn Danh Huế cho hay.
Cũng theo luật sư Nguyễn Danh Huế, hiện nay, khoản thu đối với BHXH rất khó, nguyên nhân là do quy định về cơ chế, chính sách xử phạt chưa đủ sức răn đe doanh nghiệp. BHXH là cơ quan thường xuyên kiểm tra và phát hiện các trường hợp vi phạm nhưng lại không được quyền xử phạt, nên các doanh nghiệp không chấp hành và ngày càng cố tình không đóng, chậm đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH cho người lao động.
Để hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, bên cạnh khởi kiện dân sự, xử lý hình sự, cần có những biện pháp mạnh tay hơn, đánh thẳng trực tiếp vào đội ngũ quản lý doanh nghiệp như: cấm xuất cảnh trong thời hạn nhất định; không vinh danh, không khen thưởng đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm, công khai danh sách doanh nghiệp nợ đọng BHXH lên cổng thông tin, doanh nghiệp nợ bảo hiểm 6 tháng trở lên sẽ đưa vào dạng thanh tra.
“Ngoài ra, “đánh” trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tôi cho là biện pháp hữu hiệu nhất, các doanh nghiệp chậm, không đóng BHXH trong một thời hạn nhất định hoặc một số tiền chậm đóng nhất định sẽ phải ngừng sử dụng hóa đơn. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận ở một chiều hướng khác: hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhiều khi phụ thuộc vào các yếu tố khách quan như: thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh… Ví dụ, một doanh nghiệp bị hỏa hoạn nên chậm nộp BHXH cho người lao động thì có thể trở thành trốn đóng bảo hiểm xã hội nên họ bị dừng xuất hóa đơn, không hoạt động kinh doanh được nữa thì coi như mất cơ hội phục hồi… Vì vậy, cần phải đưa ra quy định rõ ràng để áp dụng trong từng trường hợp”, luật sư Nguyễn Danh Huế cho hay.