Chùa Lâm Quang – tổ ấm của những cụ già neo đơn

(VOV) -Gần 20 năm qua, ngôi chùa Lâm Quang đã trở thành ngôi nhà chung của những cụ già neo đơn không nơi nương tựa.

Nằm trong một con hẻm nhỏ ở số 301 Bến Bình Đông, phường 14, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, nhà dưỡng lão chùa Lâm Quang vẫn luôn mở rộng tấm lòng để thường xuyên đón nhận chở che những người già neo đơn, cô độc, những số phận cần sự sẻ chia.

Năm 1995, khi sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến, hiện đang là Trụ trì chùa Lâm Quang, nhận tiếp quản ngôi chùa này đã thấy có 4 cụ bà hành khất ban ngày đi kiếm sống, ban đêm về đây xin tá túc. Xúc động trước những cảnh đời bất hạnh, sư cô đã đem các cụ vào chùa chăm sóc. Từ ngày đó càng có thêm nhiều cụ xin đến với cửa chùa. Sư cô Huệ Tuyến bày tỏ: Âu đó cũng là cái duyên, nên những số phận mới tìm đến nhau nên nhà chùa đã thu nhận tất cả những cụ bà có cảnh đời không còn người thân phụng dưỡng.  

Những cụ già được chăm sóc ở chùa Lâm Quang (Ảnh: VNE)

Đó cũng chính là thiện nguyện của Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến: “Đây là tâm nguyện của tôi từ nhỏ, bởi tôi có cơ duyên ở chùa từ 5 tuổi. Sư phụ của tôi cũng nuôi các sư tu sĩ. Sau khi được chăm sóc nâng đỡ của sư phụ, tôi cảm nhận được rằng con người khi già cả, khi không có chốn an dưỡng sẽ rất khó khăn và tôi đã đưa các cụ về phụng dưỡng như những người thân bằng quyến thuộc của mình”.

Suốt 17 năm qua, chùa Lâm Quang đã nhận chăm sóc gần 200 cụ bà. Mỗi năm cũng có nhiều cụ mất đi, nhưng số lượng các cụ xin vào luôn tăng lên. Hiện có 132 cụ, chủ yếu là các cụ bà từ 65 đến 90 tuổi đang được chăm sóc tại nhà dưỡng lão của chùa. Để có kinh phí để chăm sóc tốt cho các cụ già, những ngày đầu các ni sư của chùa phải làm thêm nhiều việc từ làm nhang, bán xôi, hủ tiếu chay đến nhận nấu thức ăn chay cho các gia đình phật tử khi có ma chay, đám giỗ… Tại đây, hàng ngày đều có gần 20 sư cô chăm sóc cho các cụ bà với những công việc như: cho ăn uống, thuốc thang, tắm giặt…

Cụ Nguyễn Thị Chính, 80 tuổi, sống một mình không có người thân, chia sẻ: "Tôi ở đây cũng được 7 năm rồi, vui lắm, có bạn già để nói chuyện. Cũng biết già rồi, nhiều lúc tính tình cũng khó chịu như trẻ con, nhưng luôn được nhà chùa, phật tử, các nhà từ thiện thường xuyên quan tâm, động viên, thật sự rất là cảm động. Tôi không nghĩ cuối đời mình lại được sống trong sự yêu thương che chở như thế này”.

Cụ Lý Kim Hoa, 90 tuổi với hơn 10 năm sống tại chùa Lâm Quang nói: “Tôi không có con nên xin chùa vô đây ở. Ở đây các sư lo đầy đủ và thương mấy bà già lắm. Các cháu sinh viên đến cũng thương tụi tôi và đến lau nhà quét nhà dọn dẹp, tới nói chuyện…”. 

Chuẩn bị bữa ăn cho các cụ (Ảnh: VNE)

Từ hiệu quả của việc làm nhân ái này của nhà chùa, mà rất nhiều nhà hảo tâm và người dân đã tự nguyện đến phụ giúp nhà chùa. Người góp chút dầu, chút gạo muối, người không có tiền thì góp công, góp sức để giúp nhà chùa chăm sóc cho các cụ. Để lo cho các cụ có cuộc sống ổn định, nhà chùa đã tiết kiệm mọi chi phí, và công việc từ thiện của nhà chùa cũng được bà con Phật tử nhiệt tình hưởng ứng. Từ đó, nhà chùa đã mạnh dạn mở rộng 2 khu nhà dưỡng lão: Khu dành cho những cụ lớn tuổi bệnh nặng và khu dành cho những cụ còn khỏe, với diện tích gần 300m2.

Lương y Đặng Văn Sửu, người tình nguyện thường xuyên đến đây chăm sóc chữa bệnh cho các cụ già cho biết: “Trong nghề y, thì thầy cũng dạy bảo phải giúp người. Từ khi vô phụ giúp cho nhà chùa chăm sóc cho các cụ già, tôi thấy rất thanh thản. Mỗi ngày tôi đều vào giúp các cụ một buổi. Sáng vào thấy các cụ khoẻ mạnh, trong lòng tôi rất vui và hiện tôi đang kêu gọi thêm nhiều lương y đến đây để cùng giúp đỡ các cụ”.

Nhà dưỡng lão của chùa  Lâm Quang bây giờ luôn được mọi người nhắc đến như một ngôi nhà chung chở che cho nhiều mảnh đời bất hạnh. Những nghĩa cử cao đẹp của nhà chùa và các nhà hảo tâm trong công tác này suốt 17 năm qua thật đáng trân trọng./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hai phụ nữ neo đơn, bệnh tật
Hai phụ nữ neo đơn, bệnh tật