Chuyện cuộc sống của những người kể sử thi

Trong khi những người này đang ngày một ít đi, thì chế độ đãi ngộ đối với những “báu vật sống” này lại chưa được quan tâm đúng mức…

Trong chuyến công tác ở Gia Lai đầu tháng ba, có một điều làm chúng tôi luôn trăn trở là được một lần nghe hát kể sử thi, nhưng không được. Dẫu biết đây là miền đất chứa đựng nhiều giá trị văn hóa độc đáo, được xem như là “bách khoa thư” của cộng đồng, sử thi không chỉ là những huyền thoại hấp dẫn mà còn mang nhiều thông điệp của tổ tiên gửi lại mai sau. Và trong đó, vai trò đặc biệt của những già làng, nghệ nhân, những người hát kể sử thi là vô cùng quan trọng trong việc gìn giữ và lưu truyền kho báu đặc biệt của đại ngàn. Tuy nhiên, trong khi những người này đang ngày một ít đi, thì chế độ đãi ngộ đối với những “báu vật sống” này lại chưa được quan tâm đúng mức.

Con đường của những người kể sử thi...

Sử thi Tây Nguyên ra đời từ khi chưa có chữ viết, nhưng được lan tỏa, gìn giữ bởi phương thức truyền khẩu vô cùng hiệu quả tại vùng đất này. Thực hiện công việc vinh quang và vô cùng khó nhọc ấy không ai khác chính là một đội ngũ nghệ nhân, vốn những người đam mê và có khả năng diễn xướng những câu chuyện này.

Nhiều nhà rông của vùng đất này đã vắng những đêm kể sử thi trong ánh lửa bập bùng
Nói là chúng ta có hẳn một đội ngũ thì có lẽ là chưa chắc. Nhiều người sẽ hỏi rằng họ là bao nhiêu, phân bố ở đâu, thành phần ra sao. Câu trả lời chắc chắn là… không biết. Hay nói chính xác hơn thì chưa bao giờ có ai để tâm đến chuyện này.

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được trong chuyến công tác vừa qua tại tỉnh Gia Lai, thì cách đây hơn 10 năm, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Quang Tuệ công tác tại Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Gia Lai đã thực hiện một điều tra nhỏ trên địa bàn Gia Lai và phát hiện ra rằng, khu vực này có 116 người có khả năng hát kể sử thi Jrai, Bahnar. Quả thật đó là một con số quá ấn tượng. Nhưng những con người đặc biệt ấy đang sống với rẫy ruộng và “sống” với sử thi như thế nào.

Khi chúng tôi đề cập vấn đề này với chính nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Tuệ, được ông cho biết rằng thực tế, ngay từ hồi đó, phần lớn các nghệ nhân đã không còn quá mặn mà với loại hình sinh hoạt văn hóa này. Bởi đơn giản là vì mùa vụ bận bịu đã lấy đi phần lớn thời gian của các nghệ nhân. Họ vốn đa phần là nông dân nghèo, mù chữ và kinh tế cũng khá khó khăn. Một lý do khác khiến họ không còn thực sự tha thiết với công việc trên là vì môi trường văn hóa xã hội đã thay đổi khá nhiều so với trước kia.

Thanh niên nam nữ trong các buôn làng hiện nay không còn thói quen hằng đêm đến ngồi quây quần bên nhà rông, nghe người già kể sử thi nữa. Những ánh đèn màu ở những phố thị quanh đó đã thu hút họ với những trò chơi hiện đại. Nếu xét từ tiến trình văn minh xã hội thì chính vì những điều đó nên sự thoái hóa, thậm chí biến mất của sử thi là chuyện… bình thường.

Nỗi buồn nghệ nhân

Trong góc độ bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc, có lẽ sẽ đáng tiếc hơn rất nhiều khi chúng ta dù vô tình hay cố ý đã để thất thoát di sản của cha ông. Chắc hẳn chúng ta phải thừa nhận rằng sử thi đích thực là một giá trị đặc biệt một đi không trở lại.

Hơn thế, giá trị của nó còn nằm ở chỗ giúp hậu thế hiểu được tiền nhân. Hiểu về quá khứ để sống tốt hơn cho hiện tại và tương lai. Đó là điều cần thiết nhưng không được nhiều người quan tâm. Nếu để biết về đời sống kinh tế xã hội của người Tây Nguyên ở thời điểm vài trăm năm trước thôi, chúng ta sẽ căn cứ vào đâu, nếu chẳng phải là sử thi! Ở đó gần như có mọi thứ ta cần. Từ cái nhỏ nhặt nhất như tri thức dân gian về một loại lá làm thuốc cho đến ước mơ về một bầu trời cao rộng. Ở đó có rất nhiều thứ đã biến mất trên mặt đất và trong trí nhớ của nhiều lớp người, nhưng lại hoàn toàn cần thiết cho cuộc sống hôm nay, ví như lối phục sức của người xưa, cách đo đếm, tính toán của cổ nhân…

Một nghệ nhân già hiếm hoi còn lại (phải) đang trình bày với tác giả.

Quả thực trong cơ tầng văn hóa bản địa, sử thi vẫn có chỗ đứng, vẫn là một điểm tựa tinh thần cho cộng đồng, làm nên những giá trị ấy chính là đồng bào Tây Nguyên bao đời nay. Và “con thuyền” mang chở, truyền bá những giá trị ấy không ai khác chính là những nghệ nhân của dân gian.

Ông Nguyễn Quang Tuệ trăn trở: “Dường như chúng ta chưa giúp gì nhiều cho các nghệ nhân. Họ vẫn sống một cuộc đời lầm lũi, rồi đến một ngày nào đó lặng lẽ ra đi. Ở Nhật Bản, nghệ nhân được tôn vinh là “báu vật sống”, được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi. Ở ta, biết rằng rồi đây sẽ nuối tiếc nhưng hiện tại vẫn chưa có một lối mở nào đáng kể cho các nghệ nhân!”.

Trước đây, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã tổ chức xét và phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Dân gian” cho những con người có khả năng đặc biệt kể trên. Danh hiệu cao quý ấy kèm theo khoản tiền thưởng 500.000 đồng đã được trao cho hai nghệ nhân Bahnar cao tuổi ở Gia Lai là lời động viên có giá trị lớn và tích cực, dù đến nay hai người này đều đã mất. Nghệ nhân sử thi, đặt vấn đề này trong hoàn cảnh cụ thể sẽ thấy sự nóng lòng của nhiều người là chân thành và có cơ sở. Thực sự hiếm có nơi nào trên đất nước ta còn lưu giữ được một môi trường sử thi dân gian từng sống động như ở Tây Nguyên. Sự thoái hóa, lụi tàn, nhưng may mắn thay chưa phải là đã chết hẳn. Cho nên nếu có chủ trương và kế hoạch cụ thể, những người tâm huyết vẫn có thể “đãi cát tìm vàng”, để cứu vãn lại một cái gì đó đang từng ngày từng giờ mất đi không để lại dấu vết.

Thực tế hiện nay, khi sự động viên nghệ nhân còn là con số không đầy bất an, nên chăng các ngành chức năng cần tham mưu để chính quyền địa phương cấp tỉnh, huyện, xã cấp có một chế đệ đối với các nghệ nhân, trong đó có những người diễn xướng sử thi là điều nên làm. Đừng để mất đi một giá trị văn hóa vô cùng độc đáo của miền đất Tây Nguyên nhiều huyền thoại này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên