"Chuyển đổi số đang trong hơi thở cuộc sống"
VOV.VN - Theo Ths Đặng Tùng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ - Chính phủ số, Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), mỗi người có thể có cách hiểu, có nhận thức khác nhau về chuyển đổi số. Tuy nhiên, tất cả đều có một điểm chung khi cùng thấy chuyển đổi số là cần thiết.
Sáng 17/7, chia sẻ với hơn 200 đại biểu dự Diễn đàn “Chuyển đổi số khu vực công - Tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội” do Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức tại Hà Nội, Ths Đặng Tùng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ - Chính phủ số, Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã kể câu chuyện chuyển đổi số từ góc nhìn thực tiễn nhất của người dân.

Chuyển đổi số đang ở trong hơi thở cuộc sống
Trong tham luận trình bày tại diễn đàn, ông Tùng Anh cho biết, trước đây, cụm từ được nhắc đến thường xuyên là "Chính phủ điện tử", nhưng hiện nay, ai cũng nhắc đến "chuyển đổi số". Theo ông Tùng Anh, các cơ quan Nhà nước tiếp cận và làm chuyển đổi số từ 2018, cách đây khoảng 7 năm, nhưng chuyển đổi số đi vào đời sống chỉ khoảng 4 năm gần đây.
Nói về những chương trình hỗ trợ, hướng dẫn tiếp cận chuyển đổi số cho bà con nông dân, ông Tùng Anh cho biết, với họ không thể giải thích chuyển đổi số là một hệ thống, là đưa công nghệ vào cuộc sống... Thay vào đó, họ hiểu chuyển đổi số đơn giản là nông sản này, hải sản này trước đây đi chợ bán, thì nay có thể đăng lên mạng, lên livestream bán; trước đây thanh toán bằng tiền mặt, thì bây giờ trả bằng QR...
"Khi người dân hiểu chuyển đổi số là như vậy, thì chúng ta thấy rằng chuyển đổi số đang ở trong hơi thở của cuộc sống. Chuyển đổi số đã trở thành một điều gần gũi", ông Tùng Anh nói.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ - Chính phủ số, Cục Chuyển đổi số quốc gia, mỗi người có thể có cách hiểu, có nhận thức khác nhau về chuyển đổi số. Đó là cách nhìn từ vị trí nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu, người tiêu dùng, người sản xuất... Tuy nhiên, đến nay, tất cả đều có một điểm chung khi cùng thấy chuyển đổi số là cần thiết.
"Khoảng 2-3 năm trước, khi sử dụng Dịch vụ công trực tuyến, tôi tin chắc rằng 100% chuyên gia đầu ngành về chuyển đổi số cũng sẽ thấy khó khăn. Với bản thân tôi, khi sử dụng là thấy mạng lag, máy treo, không truy cập được... Nhưng đến nay, Dịch vụ công trực tuyến đã hoạt động tốt hơn, thuận tiện hơn trong nhiều thủ tục giấy tờ và nó đang dần trở thành một thói quen, một điều quen thuộc với chúng ta", ông Tùng Anh chia sẻ.

Nhấn mạnh kỳ vọng chuyển đổi số để thúc đẩy nông nghiệp hóa, ông Tùng Anh cho rằng, cùng với công nghiệp hóa và hiện đại hóa, thì đây là một vấn đề vô cùng quan trọng. Ông Tùng Anh nêu ví dụ thành công của chuyển đổi số nông nghiệp từ Israel và Nhật Bản. Hai nước chỉ có 2% dân số làm nông nghiệp, nhưng có thể cung cấp đầy đủ lương thực cho cả quốc gia và còn xuất khẩu. Vì sao? Vì họ đã ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ hiện đại vào nông nghiệp để tăng năng suất.
Hành trình "Thật - Ảo - Thật"
Điều hành Diễn đàn “Chuyển đổi số khu vực công - Tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội”, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh hoàn toàn đồng tình với tham luận của Ths Đặng Tùng Anh. Theo đó nhấn mạnh ý nghĩa của chuyển đổi số là đưa thế giới thật lên thế giới số, rồi dùng các ưu thế, lợi thế của thế giới số như kết nối, lưu trữ, xử lý thông tin... để lại quay lại phục vụ cho thế giới thực, mang lại những giá trị thực cho con người.
Với chuyển đổi số khu vực công, TS Võ Trí Thành cho rằng, để triển khai không chỉ cần nền tảng công nghệ, mà còn cần "cầm tay chỉ việc" đào tạo, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các ứng dụng công nghệ này khi thực hiện các thủ tục hành chính, khi kinh doanh cá nhân... Ông Thành cũng khẳng định rằng, chưa bao giờ có một cơ hội thuận lợi để làm chuyển đổi số như bây giờ.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã được xác định là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiến trình chuyển đổi đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tham dự diễn đàn, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách đều nhất trí rằng, chuyển đổi số trong khu vực công đang nổi lên như một trụ cột chiến lược trong tiến trình cải cách thể chế quốc gia, nhất là trong bối cảnh yêu cầu nâng cao năng lực quản trị, hiện đại hóa nền hành chính và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực công.
Đặc biệt, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 10/6/2024 của Bộ Chính trị được ban hành đúng vào thời điểm chuyển tiếp có tính bản lề của nền kinh tế Việt Nam, khi đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ và chuyển đổi số không chỉ là phương tiện hỗ trợ mà đã trở thành động lực chính của tăng trưởng. Với định hướng đột phá thể chế cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Nghị quyết 57 không chỉ đặt ra những mục tiêu dài hạn, mà còn định vị lại vai trò của khu vực công trong hệ sinh thái số quốc gia.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số khu vực công sẽ khó tạo ra đột phá thực chất nếu chỉ được nhìn nhận như một nhiệm vụ công nghệ đơn thuần. Thực tiễn trong và ngoài nước đã chứng minh: chỉ khi chuyển đổi số được tích hợp vào quá trình cải cách kinh tế - thể chế, được đo lường bằng hiệu quả phân bổ nguồn lực, năng suất khu vực công và tác động lan tỏa tới thị trường, thì mới có thể phát huy vai trò là một “nền tảng tăng trưởng mới”.
Đây cũng chính là tinh thần cốt lõi mà Nghị quyết 57 đã xác lập - chuyển đổi số không chỉ là mục tiêu, mà còn là phương thức để đổi mới mô hình phát triển quốc gia.

Nêu ý kiến trao đổi tại diễn đàn, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho rằng, chuyển đổi số khu vực công không đơn thuần là bài toán công nghệ hay kỹ thuật hạ tầng. Thực chất, đây là vấn đề kinh tế - tổ chức ở cấp quốc gia, liên quan trực tiếp đến hiệu quả phân bổ ngân sách, năng suất vận hành của bộ máy hành chính và đặc biệt là năng lực kiến tạo và điều tiết thị trường của Nhà nước.
Ông Phạm Mạnh Hùng mong muốn, diễn đàn sẽ là cầu nối để các đại biểu, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, hiến kế, tháo gỡ những “nút thắt” đang cản trở quá trình chuyển đổi số khu vực công, để đưa chuyển đổi số khu vực công tiến gần hơn tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, và từ đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Các nhà tài trợ đồng hành cùng Diễn đàn “Chuyển đổi số khu vực công - Tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội”:
Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng quốc gia Việt Nam (PVN); Tổng công ty Khí Việt Nam – Công ty cổ phần (PV GAS); Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – Công ty Cổ phần (PVFCCo); Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling); Tổng công ty Dầu Việt Nam – Công ty cổ phần (PVOIL); Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank); Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex