Chuyển đổi số mà không thay đổi mô hình vận hành thì công sức “đổ sông, đổ biển”
VOV.VN - “Trong chuyển đổi số, ít nhất 10% số tiền phải chi cho việc nghiên cứu, sửa đổi các quy trình. Chuyển đổi số mà không thay đổi mô hình vận hành chỉ làm việc khổ thêm, làm khổ những người phải dùng phần mềm”.
Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Mạnh Hùng về công tác chuyển đổi số tại một số bộ, ngành, địa phương hiện nay tại hội nghị sơ kết kết quả hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KH,CN,ĐMST và CĐS) 6 tháng đầu năm 2025 ngày 14/7.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số là số hoá toàn diện, sử dụng công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu số, nhưng thay đổi mô hình hoạt động mới là công đoạn quan trọng nhất để phát huy hiệu quả chuyển đổi số. Hiện nay, chuyển đổi số vẫn theo kiểu công nghệ thông tin, tức là mua sắm phần mềm nhưng không thay đổi quy trình vận hành. Dịch vụ công trực tuyến mà không thay đổi quy trình vận hành thì không thể thành công.
Năm nay, chính phủ cấp thêm 25.000 tỷ đồng cho Bộ KH&CN để chi cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Về KH&CN, các dự án của các bộ, ngành và địa phương gửi về đều có 80% là để xây nhà, mua máy móc, chỉ 20% là đề xuất làm nghiên cứu. Về chuyển đổi số, 70% cũng là mua máy móc, mua phần cứng.
“Không thấy chi đồng nào cho các nền tảng phần mềm hoặc chi cho đổi mới sáng tạo, tức là chi cho việc nghiên cứu thay đổi mô hình vận hành. Không có ai xin tiền về chuyển đổi số là để nghiên cứu thay đổi mô hình vận hành hoặc bỏ tiền ra để đổi các quy trình. Ít nhất 10% phải chi cho việc nghiên cứu, sửa đổi các quy trình. Hiện nay không có tiền cho việc này, nên cũng không ai làm. Nhưng nếu không có 10% đó, 90% số tiền còn lại sẽ “đổ sông, đổ biển”. Chuyển đổi số mà không thay đổi mô hình vận hành chỉ làm việc khổ thêm, làm khổ những người phải dùng phần mềm”, Bộ trưởng nêu ý kiến.
Đổi mới sáng tạo là cái mà chúng ta đang hy vọng, nhất là nó sẽ mang lại sự tăng trưởng kinh tế, mang lại những hành động thực tế về việc ứng dụng khoa học công nghệ. Chúng ta cấp 1/3 của 200.000 tỷ đồng, tức là 8.000 tỷ đồng, nhưng lại xin trả lại 97%, chỉ dùng có 3% cho đổi mới sáng tạo.
“Cái gì liên quan đến đổi mới, cái gì thực chất thì né tránh, còn cái gì vật chất, cái gì dễ theo kiểu truyền thống thì chi rất mạnh. Đó là hiện trạng hiện nay, chỉ mới cách đây một, hai tuần. Rất buồn. Chuyển đổi số - đổi mới sáng tạo ý nghĩa xã hội thì vẫn nói, nhưng đến lúc nhìn vào kết quả đề xuất biết ngay các địa phương đang nghĩ gì, các bộ, ngành đang nghĩ gì. Tóm lại là mua phần cứng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.

Ngoài ra, chuyển đổi số đã thấm sâu vào hoạt động hàng ngày của đất nước chúng ta nhưng chúng ta chưa có Luật về chuyển đổi số. Ban chỉ đạo 57 đã quyết định giao cho Chính phủ xây dựng và thông qua Luật Chuyển đổi số trong kỳ họp thứ 10 của Quốc hội vào cuối năm nay. Luật này sẽ lấp đầy các mảnh ghép còn thiếu và là một khung để thống nhất, kết nối các động lực liên quan đến chuyển đổi số do các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo nhằm hình thành một khung kiến trúc Việt Nam số hoàn chỉnh.
Luật Chuyển đổi số xác định vai trò của Nhà nước trong thúc đẩy chuyển đổi số là dẫn dắt, tạo điều kiện và giám sát, tạo cơ chế quản lý dữ liệu số, khung thể chế cho nền tảng số và dịch vụ số, tài chính cho chuyển đổi số, văn hóa số, phát triển nhân lực kỹ năng và đặc biệt có ngôn ngữ số như ngôn ngữ thứ ba, bên cạnh tiếng Việt để giữ gìn bản sắc Việt Nam và tiếng Anh để hội nhập quốc tế, để mỗi người Việt Nam thành thạo ba ngôn ngữ này. Đồng thời, là quản trị rủi ro trong quá trình chuyển đổi số và bảo đảm an toàn không gian số, giám sát và đánh giá hiệu quả chuyển đổi số, đặc biệt là vấn đề giám sát và đánh giá hiệu quả của chuyển đổi số.
Với 9 luật thông qua năm 2025 và 3 luật đã ban hành trước đó là Luật Viễn thông, Luật Tần số, Luật Giao dịch điện tử và các luật chuyên ngành, Bộ KH&CN hy vọng hành lang pháp lý về khoa học công nghệ đã thông thoáng để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nếu có vướng mắc trong quá trình thực thi, chúng ta đã có cơ chế Chính phủ ban hành nghị định để tháo gỡ khó khăn pháp lý trong hai năm trước khi báo cáo Quốc hội sửa đổi, giống như một loại sandbox về thể chế.
‘Bây giờ là lúc chúng ta hãy làm, làm thật nhiều và làm những việc lớn hơn, hướng đến kết quả cuối cùng là tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, tháo gỡ các khó khăn và tiếp tục tháo gỡ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Hoàn thiện thể chế, kiến tạo chính sách
Ngày 1/3/2025, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chính thức hoạt động theo mô hình tổ chức mới sau hợp nhất hai cơ quan cấp Bộ, đánh dấu bước chuyển có tính lịch sử trong cấu trúc bộ máy quản lý nhà nước. Việc hợp nhất không chỉ là sáp nhập tổ chức, mà là quá trình tái cấu trúc toàn diện: từ cơ chế điều hành, chức năng nhiệm vụ, đến văn hóa tổ chức và mô hình quản trị. Bộ KH&CN mới được định vị là cơ quan chủ lực dẫn dắt 4 trụ cột then chốt: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Ngay trong Quý 1/2025, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức; giảm số đơn vị trực thuộc Bộ từ 42 xuống còn 25 (giảm 40,5%) và ban hành 49 quyết định nội bộ về chức năng, nhiệm vụ các đơn vị thành phần.
Theo ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), trong bối cảnh thể chế cho KHCN, ĐMST và CĐS đang tương đối rời rạc giữa các ngành, lĩnh vực, giữa Trung ương và địa phương, Bộ KH&CN cần là đơn vị đóng vai trò thiết kế tổng thể, như một tổng công trình sư về thể chế, rà soát cập nhật các nội dung đã lỗi thời, bổ sung các mảnh ghép còn thiếu để kết nối thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh, bao trùm toàn diện.
Trong nửa đầu năm 2025, Bộ KH&CN trình Quốc hội thông qua 5 dự án Luật. Trong 6 tháng cuối năm, bộ sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ sinh thái thể chế cho KHCN, ĐMST và CĐS với 4 dự án luật gồm: - Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công nghệ cao, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Chuyển đổi số”.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN sẽ rà soát, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để cắt giảm thành phần hồ sơ trên cơ sở dữ liệu sẵn có, hoàn thành trước ngày 20/7/2025. Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các địa phương rà soát, tái cấu trúc quy trình, điện tử hóa và cung cấp toàn bộ các thủ tục hành chính (dịch vụ công trực tuyến) thuộc phạm vi quản lý thực hiện tại 2 cấp chính quyền địa phương theo mô hình triển khai tập trung, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trước ngày 1/1/2026.
6 tháng cuối năm 2025, Bộ KH&CN xác định đây là thời điểm bản lề, có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Trình Chính phủ xây dựng và sửa đổi các dự án luật: Luật Chuyển đổi số, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi), Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ; Trình Thủ tướng ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành 5 luật mới được Quốc hội thông qua; Triển khai Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược; Tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ KH&CN nhiệm kỳ 2025-2030; Tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, thúc đẩy triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa giai đoạn mới.