Chuyển đổi số phục vụ vận hành chính quyền địa phương 2 cấp tại Sơn La
VOV.VN - Những giải pháp khắc phục khó khăn, đảm bảo chuyển đổi số phục vụ vận hành chính quyền địa phương 2 cấp đã được tỉnh Sơn La tập trung thảo luận, đề xuất tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Cùng với việc ưu tiên nguồn lực cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số, tỉnh Sơn La đã tập trung quyết liệt cho các nhiệm vụ chuyển đổi số đảm bảo hoạt động thông suốt của các cơ quan, ban, ngành và cấp xã trong bối sắp xếp thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.

Hiện nay, 75 xã, phường của tỉnh đã được bố trí trụ sở, trang cấp thiết bị, thiết lập và vận hành Trung tâm phục vụ hành chính công tại cấp xã theo mô hình chính quyền mới để phục vụ người dân, doanh nghiệp bảo đảm liên tục, không gián đoạn; bàn giao thiết bị bảo mật kênh truyền, bảo mật dữ liệu và thiết bị bảo mật cơ yếu để phục vụ chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động;
Bước đầu, các xã, phường đã chủ động tiếp cận Sổ tay hướng dẫn thực hiện Kế hoạch số 02 ngày 19/6/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Chủ động thành lập các nhóm Zalo của thường trực, ban thường vụ, đảng ủy và HĐND, UBND các xã, phường để thuận tiện trong việc chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, phối hợp thực hiện...

Tỉnh Sơn La cũng đã đề cập và bàn giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc khi hạ tầng số chưa đồng bộ, một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới hạ tầng viễn thông, Internet còn khó khăn; một số bản chưa có điện lưới quốc gia; trang thiết bị, nhân lực chuyên môn thực hiện chuyển đổi số tại cấp xã còn hạn chế... Hiện, toàn tỉnh còn 64 bản chưa có sóng 4G; khoảng 10% xã thiếu chữ ký số; 9% xã có hạ tầng thiết bị chưa đảm bảo; 6% xã phần mềm chưa thông suốt...
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Thanh Tùng, Phó Giám đốc VNPT Sơn La cho biết, đơn vị đang huy động nhân lực trực tiếp hỗ trợ các xã trong việc cài đặt cấu hình, kiểm tra đường mạng phục vụ hệ thống quản lý văn bản điều hành, vận hành chính quyền 2 cấp; đồng thời, nỗ lực nâng vùng phủ sóng di động trên địa bàn...
Theo kế hoạch năm 2025, VNPT sẽ phát sóng 159 trạm 5G, 49 trạm 4G, trong đó có 10 trạm cho vùng trắng sóng, nằm trong số các vị trí mà tỉnh và Trung ương đang quan tâm chỉ đạo.
Song, về phía doanh nghiệp, còn liên quan đến hiệu suất đầu tư, hiệu quả kinh doanh; đối với bản trắng sóng thì đường giao thông khó khăn, hệ thống cáp quang kéo trên đường điện lực cũng phải trả chi phí cho điện lực chứ không được miễn giảm...
"Tuy nhiên, VNPT Sơn La sẽ cố gắng để sớm phủ sóng toàn bộ cho các bản trắng sóng và lõm sóng trên địa bàn" - ông Tùng thông tin.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh Sơn La cho biết sẽ giao Đảng ủy UBND tỉnh chỉ đạo để xây dựng, đề xuất các nhiệm vụ, dự án có mục tiêu, sản phẩm đầu ra cụ thể, khả thi, tránh dàn trải, hình thức; ưu tiên các dự án chuyển đổi số phục vụ vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng thời, tỉnh sẽ sớm làm việc, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, các Tập đoàn viễn thông có giải pháp đầu tư xóa các bản trắng sóng, lõm sóng và chưa có Internet trên địa bàn tỉnh Sơn La.
"Các sở, ngành phải vào cuộc thực sự quyết liệt, cùng nắm thông tin, rà soát và khắc phục khó khăn, trong đó có việc tập huấn cho các xã; bởi rất nhiều công việc trung ương giao cho tỉnh, cho xã... nên tất cả các sở ngành phải hoàn thành tập huấn trước ngày 15/7. Sở Khoa học và Công nghệ, Văn phòng tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục tham mưu nội dung chuyển đổi số chung của toàn tỉnh, trong đó các ngành tiếp tục đăng ký nội dung, rà soát những nội dung hợp lý, thiết thực ưu tiên thực hiện trước...", Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhấn mạnh.