Chuyên gia hiến kế bảo vệ an toàn cây xanh trong mùa mưa bão ở đô thị
VOV.VN - Mùa mưa bão đang đến gần, đặc biệt dưới tác động của hiện tượng El Nino, các cơn bão cũng bất thường hơn và khó đoán định hơn. Mưa lớn, dông lốc có thể khiến cây xanh đô thị bị gãy đổ, tiềm ẩn nguy hiểm đối với người tham gia giao thông và gây thiệt hại lớn về tài sản. Làm gì để bảo vệ an toàn cây xanh trong mùa mưa bão là vấn đề nhiều người quan tâm.
Trên các tuyến đường phố Hà Nội, hàng cây xanh được trồng hai bên đường hiện nay chủ yếu là cây sấu, xà cừ, phượng, bằng lăng... Những loại cây này rất dễ gãy nhánh khi gặp mưa to, gió lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân.
Cây xanh gãy đổ vào mỗi mùa mưa bão phần lớn thuộc diện bị sâu bệnh, rễ, gốc cây không bám sâu vào lòng đất. Dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng qua mỗi cơn dông kèm lốc mạnh, tình trạng cây xanh bị đổ, gãy vẫn cứ xảy ra.
Mới đây, tối 20/4, tại khu vực Hà Nội, mưa dông kéo dài đã khiến hàng loạt cây xanh trên các tuyến phố Quán Sứ, Tràng Thi, Bà Triệu, Nhà Chung, Gia Lâm, Hà Đông…. đổ gãy, nhiều ô tô bị cây đè lên bẹp rúm, thiệt hại lớn về tài sản của người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay tại nhiều đô thị lớn tại Việt Nam, môi trường sống của cây xanh đang bị xâm hại nghiêm trọng. Nguyên nhân do phát triển đô thị, hạ ngầm các công trình, nên diện tích đất dành cho trồng cây bị thu hẹp. Rễ cây không thể cắm sâu mà chỉ cắm ngang vào đất. Khi phát triển ngang, rễ cây cũng bị chặt đứt trong quá trình cải tạo, chỉnh trang vỉa hè. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cây xanh đô thị dễ bị đổ gãy khi có tác động của mưa lớn và lốc xoáy.
Còn tùy tiện trong cách trồng cây
Theo PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị, Trường Đại học Lâm nghiệp, cây xanh đô thị cũng như các công trình nhà cửa hay các công trình hạ tầng khác. Khi hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra, cụ thể là trận mưa dông mới đây ở Hà Nội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây xanh đô thị là điều khó tránh khỏi. Chúng ta phải nhìn nhận một cách tổng thể, với cây xanh đô thị thì phải có biện pháp quản lý tốt từ khâu chọn giống cho đến thiết kế trồng cây trong đô thị như thế nào.
Đặc biệt, đối với cây trồng đường phố. Loại cây này bị tác động bởi yếu tố hạ tầng, yếu tố con người thường xuyên, cho nên cần phải theo dõi một cách chặt chẽ. Cây trồng đô thị ở Hà Nội cũng như các thành phố lớn, nhiều nơi quan tâm đến việc trồng cây nhưng mới chỉ ở đoạn ngọn còn đoạn gốc thì chưa quan tâm. Việc đưa chủng loại cây nào vào trồng trong đô thị, những loại cây nào nên sử dụng trồng ở đường phố, nhiều nơi vẫn rất rất lúng túng. Việc quy hoạch, lựa chọn các loại cây trồng cũng chưa được chú ý nhiều.
Theo ông Hà, thiết kế trồng cây tại các đô thị cần phải có những quy định cụ thể, từ đơn vị trồng đến người có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm để đứng ra để làm các công việc liên quan đến trồng và chăm sóc cây đô thị. Người làm công tác quản lý, quy hoạch, thiết kế, thi công trồng cây xanh đô thị phải được đào tạo chuyên môn về cây xanh đô thị, thậm chí cần phải có chứng chỉ hành nghề về cây xanh đô thị. Đây chính là cái gốc để tương lai có một hệ thống cây xanh đô thị khoẻ mạnh, an toàn và chất lượng cảnh quan tốt.
“Hiện ở Việt Nam phần lớn là làm theo kinh nghiệm. Nơi thì giao cho Sở Xây dựng quản lý, nơi thì giao cho Sở Giao thông vận tải quản lý. Thông thường, khi thi công đường, sau khi hoàn thành dự án, họ đào 1 cái hố nhỏ để trồng cây. Vài năm đầu cây sống bình thường, nhưng 5-10 năm sau đó lại xuất hiện nhiều vấn đề bởi chất lượng cây và kỹ thuật trồng chưa được đảm bảo. Do đó, khi gặp hiện tượng thời tiết bất thường thì khả năng bị rủi ro là rất lớn nếu không quản lý một cách tổng thể”, ông Hà nói.
Theo ông Hà, cây trồng sau nhiều năm cũng bị ảnh hưởng bởi một số công trình hạ tầng, công trình kiến trúc bên đường, từ đó ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây, dẫn đến hiện tượng mục rỗng thân cành, mục rễ, nghiêng tán. Với những loại cây đó, hàng năm phải khảo sát và đưa vào diện cây cần phải thay thế để đảm bảo an toàn cho người dân đô thị; Về thiết kế trồng cây hiện nay, cần có sự quản lý thống nhất, đặc biệt ở các sở Xây dựng được giao quản lý về cây xanh thì phải có những đơn vị chuyên môn và có đủ lực lượng cán bộ chuyên trách, được đào tạo và có chuyên môn sâu về cây xanh. Tại các địa phương đang thiếu điều này vì lực lượng quản lý chưa có chuyên môn sâu, cùng với đó, dự báo, dự đoán đối với rủi ro cây xanh đô thị vẫn còn rất yếu.
“Mỗi đô thị có đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên, cấu trúc không gian kiến trúc công trình. Do đó, phải quy hoạch và chọn đúng loại cây trồng phù hợp với đặc điểm của từng loại không gian cảnh quan cho mỗi đô thị là yếu tố quan trọng. Lâu nay quy hoạch cây trồng của chúng ta hầu như chưa có, còn thiếu nhân lực có chuyên môn thực sự. Ai cũng có thể làm công tác quản lý cây xanh đô thị, quy hoạch không gian xanh đô thị, ai cũng có thể quy hoạch cây trồng đô thị, thi công trồng cây đô thị”, PGS.TS Đặng Văn Hà cho hay.
Về kỹ thuật trồng cây ở đường phố đô thị, TS. Đặng Văn Hà cũng thẳng thắn thừa nhận, cách trồng cây đô thị tại Việt Nam hiện đang có nhiều vấn đề. Thứ nhất, cây đưa vào trồng trong đô thị đặc biệt là ở các tuyến phố là cây giống chưa được ươm, trồng đúng cách. Ở các nước phát triển, một cái cây trước khi trồng trong đô thị thì phải nuôi dưỡng, ươm tạo trong các vườn ươm từ 8-10 năm, khi đạt tiêu chuẩn cây trồng đô thị thì mới đưa vào trồng. Còn tại Việt Nam, khi có dự án trồng cây, doanh nghiệp vào đấu thầu sau đó đến các vùng nông thôn, vùng rừng núi mua cây rồi mang đi trồng ngay. Vậy nên, quá trình sinh trưởng của những cây trồng này phần lớn không đạt chất lượng.
Hơn nữa, hố trồng cây ở các đô thị ở Việt Nam không đảm bảo với cây bóng mát để có thể phát triển bình thường được. Mỗi hố trồng chỉ có kích thước 1,2-1,5m, quá nhỏ so với yêu cầu sinh trưởng bộ rễ phát triển của cây xanh. Với diện tích hố nhỏ như vậy và lại bị tác động bởi việc đào bới làm vỉa hè cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển của cây, khiến nguy cơ rủi ro trước mùa mưa bão là rất cao.
Tại nhiều thành phố đang có phong trào dỡ vỉa hè lát gạch block chuyển sang lát đá xanh rồi các loại đá khác. Để lát đá như vậy thì phải đầm, phải đổ lớp betong dày để gắn kết các viên đá. Bộ rễ của cây xanh lại một lần nữa bị tác động, tức bị yếm khí và bộ rễ không hô hấp được. Khi xây dựng vỉa hè xong, khoảng 5-10 năm sau thì cây xanh có biểu hiện yếu đi, không thể chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.
“Với sự bất thường của thời tiết hiện nay, các thành phố lớn hoặc các địa phương cần có liên kết chặt chẽ về dự báo khí tượng thủy văn của khu vực địa phương đó để nắm bắt được tình hình thời tiết, từ đó cảnh báo người dân tránh được thiệt hại. Về việc cắt, tỉa cây xanh, đối với cây đường phố, phải để phần dưới tán thưa thoáng, không để chiều cao của cây phát triển quá cao. Khi cây quá cao mà không gian dưới đất hẹp như vậy thì rất dễ gãy đổ. Tỉa thưa tán và phải điều tiết độ cao ở một khoảng phù hợp”, TS Đặng Văn Hà khuyến cáo.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm nay hiện tượng El Nino khiến nhiệt độ tăng cao, do đó các cơn bão cũng bất thường hơn và khó đoán định hơn, vì vậy cần đặc biệt chú ý công tác bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh trong mùa mưa bão.
Để giảm thiểu thiệt hại do cây đổ, cành gãy trong mùa mưa bão, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn cho nhân dân, cần triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với bão, mưa dông, lốc xoáy, gió giật và cây xanh gãy đổ; quản lý cây xanh đô thị và tăng cường kiểm soát, xử lý cắt tỉa cây xanh đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục tình trạng cây gãy, đổ, mất an toàn cho người dân. Trường hợp quan sát thấy một cây lâu năm, cây cổ thụ mà bỗng nhiên rụng nhiều lá, còi cọc, lá vàng, cành yếu… thì phải kiểm tra thân cây xem có bị sâu đục, rễ cây có còn phát triển bình thường không để tiến hành gia cố, chằng buộc, tránh cây gãy đổ mỗi khi xảy ra dông bão, gây thiệt hại về người và của cho người dân.