Cô học trò học giỏi nhưng gặp nhiều bất hạnh
VOV.VN - Nhung đã đạt học sinh xuất sắc từ lớp 1 đến lớp 5. Cô bé có nước da găm đen, đôi mắt to tròn nhưng đượm buồn. Chưa bao giờ em nghĩ mình sẽ phải nghỉ học.
Em Trương Thị Nhung sinh ra đã không có cha. Mẹ em mất sau đó không lâu. Cũng chính vì vậy, tấm ảnh của mẹ là di vật em quý nhất. Tài sản quý thứ hai của em là sách vở. Nhưng với hoàn cảnh hiện tại, cánh cửa tương lai của em có thể bị đóng lại bất kỳ lúc nào.
Em Nhung năm nay 11 tuổi, đang học lớp 6, trường THCS Khánh Bình (xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Nhung mới chào đời, cha đã bỏ đi biệt tích. Mẹ mất khi em chưa tròn 2 tuổi do căn bệnh tim và em về sống cùng ông bà ngoại. Khi ông ngoại Nhung mất 5 năm trước, bà cháu cùng người cậu về ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình ở đến nay.
Bà cháu Nhung đang ở đợ trong căn chòi lợp tôn rộng chừng 15m2. Như vậy cũng đã “khang trang” rồi, vì trước đây Nhung phải ở trong căn chòi lá cứ mưa là dột, còn nắng thì nhìn lên nóc thấy được ánh sáng mặt trời. Nhung đạt học sinh xuất sắc từ lớp 1 đến lớp 5. Cô bé có nước da ngăm đen, đôi mắt to tròn nhưng đượm buồn, chưa bao giờ em nghĩ sẽ nghỉ học. Tuy nhiên, dịp đầu năm học này, khi suýt phải nghỉ vì không có sổ hộ khẩu, cũng không có tiền đóng góp các khoản đầu năm, em đã rất sợ. Hoàn cảnh đặc biệt của cô học trò nghèo hiếu học đã đến tai Bí thư Đoàn xã Khánh Bình - Cao Hạo Quyên. Cô đã báo cáo cấp trên để Nhung được “đặc cách” đi học.
“Ước mơ của em là học thật giỏi để trở thành cô giáo, về dậy ở làng quê như các thầy cô đang dạy em. Hiện em đang cố gắng học đầy đủ, làm bài, học bài thật tốt để thực hiện ước mơ”, Nhung đang cố gắng, nỗ lực hết sức để thực hiện ước mơ của mình.
Cũng vì không có sổ hộ khẩu nên gia đình Nhung không thuộc diện hộ nghèo. Trong khi, bà Trương Thị Lẽ (ngoại em) năm nay mới ngoài 60 nhưng bệnh nằm liệt giường, không còn minh mẫn và đôi mắt chỉ còn nhìn được khoảng chừng 1 mét. Còn người cậu tên Thẳng thì bị bệnh tâm thần ngay cả tên của mình cũng không nhớ đủ. Anh Nguyễn Hải Đảo, người dân ở gần cho biết, kinh tế của gia đình Nhung phụ thuộc vào người cậu đi xin ăn và tình thương của xóm làng. Bà con quanh đây thấy Nhung ngoan ngoãn, học giỏi mà quá bất hạnh, nên có con cá, bó rau cũng hay gọi cho mấy bà cháu.
Mới 11 tuổi nhưng Nhung đã biết làm mọi công việc trong gia đình. Đi học về thì từ nấu cơm, giặt quần áo... em đều cáng đáng. Trong căn chòi bà cháu Nhung ở từ trước ra sau không có vật dụng gì có giá trị. Ngay cả cái tivi là vật dụng phổ biến của mỗi gia đình, cũng không. Nhưng với Nhung, trong đó có 1 tài sản vô giá: di ảnh của mẹ. Tấm ảnh được em lau chùi mỗi ngày nên luôn sáng bóng. Đó là vật để cô bé chưa từng thấy mặt cha nhớ được hình bóng của mẹ.
Còn với những người khách lạ như chúng tôi, vật giá trị nhất trong căn nhà là bộ sách giáo khoa lớp 6 Nhung đang học. Bộ sách và tập vở được em bỏ vào bọc ni lông cột lại, để gọn vào 1 góc. Điều này hoàn toàn trái ngược với cách làm của học sinh nơi thành thị hoặc ngay cả những học sinh vùng nông thôn còn khó khăn ở Cà Mau. Nhưng lại rất hợp lý trong căn chòi mà cô học trò nghèo cứ gọi là nhà. Nhung phải làm vậy bởi em không có bàn để ngồi học, mà có cũng không có chỗ kê. Trong căn chòi chỉ đi 5 bước chân là hết thì cô bé chỉ làm như vậy mới không lộn xộn và bảo vệ tốt nhất tài sản quý giá thứ 2 của mình.
Ông Dương Minh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình cho biết, gia đình em Nhung thuộc diện đặc biệt khó khăn tại địa phương. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã có những hỗ trợ nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Hiện xã cũng đang rà soát và đứng ra làm lại sổ hộ khẩu cho gia đình Nhung. Sau đó, sẽ tính đến việc công nhận hộ nghèo để hưởng các chế độ của nhà nước. Địa phương cũng mong các nhà hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ để gia đình em Nhung có điều kiện vươn lên.
“Xã cũng đã làm thư ngỏ để vận động căn nhà cho em. Chúng tôi cũng xem xét có nguồn hỗ trợ nào ở trên về sẽ ưu tiên cho gia đình. Cũng mong các nhà hảo tâm, có điều kiện cùng quan tâm thêm với địa phương”, ông Sang nói.
Trên đoạn đường Nhung đến trường, em phải đi vòng qua nhà của người khác để ra đường chính. Đoạn đường vòng đó có đoạn hẹp, vừa đủ để cô học trò nhỏ nhắn bước qua. Cũng trên đoạn đường này có 1 cái dốc giữa sân nhà và đường lộ, Nhung vẫn phải dùng hết sức mới dắt chiếc xe đạp lên được.
Đoạn đường đến trường và đoạn đường đời của Nhung sao lại quanh co với những nét tương đồng đến lạ kỳ. Cô gái mới 11 tuổi nhưng đã trải qua nhiều bất hạnh vẫn đang nỗ lực, cố gắng vươn lên. Nhưng trên đoạn đường đời mà cái “dốc quá khúc khuỷu”, em có vượt qua được? ./.