Coi chừng “vạch nhà” cho trộm xem với những tấm ảnh từ Google Maps
VOV.VN - Sau những khoảnh khắc xúc động với trào lưu Street view của Google Maps là hàng loạt nguy cơ về bảo mật thông tin cá nhân, thậm chí là “vạch nhà” cho trộm xem khi người dùng vô tư cung cấp dữ liệu nhạy cảm cho kẻ xấu.
Thời gian gần đây, trào lưu “quay ngược thời gian với Google Maps” bùng nổ trên mạng xã hội khi hàng loạt người dùng chia sẻ hình ảnh ngôi nhà cũ, con phố xưa, thậm chí khoảnh khắc gặp lại người thân đã mất nhờ tính năng Google Street view. Những video, bài đăng này nhanh chóng thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ nhờ cảm xúc hoài niệm và sự kết nối ký ức.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo đằng sau những khoảnh khắc xúc động là hàng loạt nguy cơ về bảo mật thông tin cá nhân. Việc lan truyền rộng rãi hình ảnh nhà riêng, biển số xe, địa chỉ, thậm chí là hình ảnh người thân, vật nuôi… có thể vô tình cung cấp dữ liệu nhạy cảm cho kẻ xấu.
Các chuyên gia an ninh cảnh báo, tội phạm công nghệ có thể lợi dụng Google Street View để trinh sát, xác định lối ra vào, camera an ninh, tài sản dễ thấy hoặc các điểm yếu trong hệ thống bảo vệ của gia đình.
Không chỉ dừng lại ở nguy cơ trộm cắp, việc công khai hình ảnh quá khứ còn có thể tiết lộ lịch sử di chuyển, mối quan hệ cá nhân, hoặc các thông tin riêng tư mà chủ nhà không mong muốn bị lộ. Đặc biệt, những bức ảnh cũ trên Google Street View đôi khi ghi lại thời điểm chưa lắp đặt hệ thống an ninh, làm lộ điểm yếu tiềm tàng cho kẻ gian.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, về nguyên tắc, các bức ảnh có chứa thông tin định danh rõ sẽ được Google làm mờ để bảo vệ quyền riêng tư, đây cũng là yêu cầu bắt buộc để Google không bị vướng vào các vấn đề liên quan đến pháp lý tại các quốc gia mà họ cung cấp dịch vụ view 360 độ hình ảnh đường phố. Các bức ảnh này được Google thu thập từ nhiều năm, thông qua các xe có gắn máy ảnh chuyên dụng tự đi thu thập hoặc do các cộng tác viên thực hiện.
“Việc thu thập hình ảnh này hoàn toàn do Google hoặc cộng tác viên chủ động thực hiện, vì vậy sẽ không thể có sự đồng ý của tất cả những người trực tiếp bị “tham gia” vào bức ảnh 1 cách vô tình. Vì vậy, sẽ có những hình ảnh nhạy cảm, mang tính riêng tư lộ lọt vào các khung hình, mặc dù các thuật toán đã cố gắng che đi khuôn mặt hay biển số nhưng với những hình dáng rồi không gian xuất hiện, nếu là người quen vẫn có thể nhận ra. Chưa kể các tình huống thuật toán không nhận diện được đầy đủ để phát hiện ra khuôn mặt nhằm che đi thì cũng có thể vẫn còn các khuôn mặt không bị che mờ”, ông Vũ Ngọc Sơn lý giải.
Bên cạnh đó, người dùng nếu chủ động đưa các hình ảnh (đã bị che mờ khuôn mặt, biển số) lên khoe thì sẽ nảy sinh 1 vấn đề lộ lọt thông tin khác. Việc “chính chủ” thông báo về các bức ảnh vô tình sẽ tạo ra mối liên kết giữa các thông tin không được định danh (che mờ) với thông tin được định danh là chủ tài khoản khoe các thông tin này. Từ đó các đối tượng có thể nghiên cứu, tìm ra các thông tin liên quan đến chủ tài khoản, đặc điểm khu vực sinh sống hay sinh hoạt. Các thông tin này có thể được dùng trong các kịch bản mạo danh, tống tiền, thậm chí là lừa đảo.
“Người dùng cần hết sức cảnh giác với những trào lưu mới, đặc biệt với trào lưu trên không gian mạng. Những thông tin bạn đưa lên sẽ luôn được các cỗ máy tìm kiếm ghi nhận, phân tích và thu thập các thông tin cá nhân. Cần phải chủ động để tự phòng tránh các nguy cơ lộ lọt thông tin như vậy. Thông tin cá nhân là tài sản có giá trị, nếu lọt vào tay người khác sẽ gây ra những hậu quả khó lường”, chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo.
Chuyên gia an ninh mạng Vũ Ngọc Sơn khuyến nghị, trong trường hợp bạn phát hiện ra các bức ảnh có thông tin riêng tư của bạn, bạn có thể dùng công cụ báo cáo sự cố của Google, khoanh vùng khu vực cần làm mờ và giải thích lý do, gửi yêu cầu đến Google để được ẩn các hình ảnh này đi.
Tải nhầm app giả mạo Google Maps
Trên kho ứng dụng cho iOS những ngày đầu tháng 7 này, Google Maps luôn nằm trong top 3 ứng dụng được tải về, có thời điểm còn vươn lên vị trí số một tại Việt Nam, trong khi trên Android, ứng dụng được cài mặc định.

Lợi dụng trào lưu này, một số nhà phát triển ứng dụng cũng đã tung ra các ứng dụng (app) giả mạo, đặt tên và thiết kế gần giống Google Maps nhằm đánh lừa người dùng như Street View Earth Map 2024, Live GPS Maps, Old Street Maps…và dùng logo với các màu xanh, đỏ, vàng quen thuộc khiến nhiều người lầm tưởng đây là sản phẩm chính thức của Google.
Trong phần mô tả, các ứng dụng này thường quảng cáo rằng có thể giúp xem ảnh cũ, hỗ trợ tua ngược thời gian, thậm chí “hồi sinh ký ức” để thu hút người dùng đang nóng lòng tìm lại hình ảnh xưa. Thực tế, phần lớn chúng chỉ là các trình hiển thị quảng cáo liên tục gây mất thời gian của người dùng.
Một số ứng dụng còn yêu cầu người dùng cấp quyền truy cập nhạy cảm như danh bạ, bộ nhớ, vị trí chính xác...để thu thập dữ liệu trái phép.
Việc vô tình tải các ứng dụng giả mạo có thể khiến người dùng gặp nhiều rắc rối. Nhẹ thì họ sẽ phải chịu đựng hàng loạt pop-up quảng cáo phiền toái, khiến điện thoại chạy chậm, hao pin nhanh. Nặng hơn, nếu ứng dụng tích hợp mã độc hoặc được phân phối từ các chợ ứng dụng không chính thức, họ có nguy cơ bị mất thông tin cá nhân như vị trí, danh bạ, tài khoản mạng xã hội, thậm chí dữ liệu tài chính.
Ngoài ra, các ứng dụng này thường yêu cầu quyền quản trị thiết bị (device admin) để ngăn việc gỡ bỏ, gây khó khăn cho người dùng không am hiểu công nghệ. Hệ quả có thể dẫn đến việc thiết bị bị kiểm soát từ xa, mất quyền kiểm soát và phải chạy phần mềm bảo mật chuyên dụng để xử lý, theo Tuổi trẻ.
Các chuyên gia khuyến cáo người dùng chỉ nên tải Google Maps chính thức do Google LLC phát hành, có xác minh trên Google Play Store hoặc Apple App Store. Trước khi cài đặt, hãy kiểm tra kỹ thông tin nhà phát triển, lượt tải, đánh giá và bình luận từ người dùng thật.
Trong trường hợp đã lỡ cài, nên nhanh chóng gỡ bỏ và quét virus để bảo đảm an toàn cho thiết bị và dữ liệu cá nhân.