Công nghệ số rút ngắn khoảng cách vùng cao Thái Nguyên
VOV.VN - Sau khi thực hiện sáp nhập địa giới hành chính, quãng đường từ nhiều thôn bản vùng cao đến trung tâm hành chính mới tỉnh Thái Nguyên có nơi lên đến vài chục km. Dù vậy, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhiều địa phương đang từng bước đưa dịch vụ công đến gần hơn với người dân.
Sau điều chỉnh địa giới hành chính, dù trung tâm xã cách bản gần 10km, chị Lục Thị Viết và những người Dao ở Bản Cuôn, xã Bằng Lũng, tỉnh Thái Nguyên không quá lo lắng, bởi nhiều thủ tục có thể thực hiện mà không cần đi tới tận trụ sở xã. Nhà nào cũng đã có điện thoại thông minh, các ngõ ngách trong bản đều được phủ sóng 4G, phần lớn các hộ gia đình lắp đặt internet, phát sóng WiFi... nên việc nhận các thông báo từ xã, từ bản qua các nhóm Zalo vô cùng thuận lợi, còn thủ tục hành chính thì được hỗ trợ thực hiện trực tuyến. Chị Lục Thị Viết chia sẻ: Cán bộ xã, đoàn viên thanh niên, tổ công nghệ số cộng đồng chính là “cầu nối” giúp bà con thao tác dễ dàng hơn.

“Tôi thấy cũng rất thuận lợi, chỉ cần qua chiếc điện thoại thì bà con đỡ phải đi lại. Rồi khi bận rộn thì cũng có thể tranh thủ thực hiện các thủ tục hành chính rất nhanh chóng”, chị Viết nói.
Thực tế, tại các xã vùng cao sau sắp xếp bộ máy chính quyền 2 cấp ở tỉnh Bắc Kạn cũ, nhiều thôn bản cách trung tâm xã tới 20-30 km đường đèo dốc. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ số trở thành yêu cầu bắt buộc để bảo đảm người dân tiếp cận được dịch vụ công một cách thuận tiện nhất. Tổ công nghệ số cộng đồng đã có mặt ở hầu khắp các thôn bản, đóng vai trò như những “cánh tay nối dài” của chính quyền cơ sở. Mỗi cán bộ xã khi đến với người dân cũng là một tuyên truyền viên tích cực, giúp bà con tiếp cận công nghệ.
Ông Lê Hồng Tiến, cán bộ Tư pháp xã Cẩm Giàng, tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Về hướng dẫn tận nhà thì trong quá trình công tác, chúng tôi chuẩn bị sẵn tờ rơi để hướng dẫn bà con cách thực hiện và tìm hiểu các bước về thủ tục. Thực tế bà con vùng cao còn khá hạn chế về công nghệ, nhưng khi được tuyên truyền, hướng dẫn, bà con đã tiến bộ hơn, thực hiện khá thành thạo trong nộp hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính”.

Những năm gần đây, chính quyền tỉnh Bắc Kạn cũ nay là tỉnh Thái Nguyên đã quyết liệt triển khai chuyển đổi số tại cơ sở. Từ việc đẩy mạnh “Một cửa điện tử”, “Một cửa liên thông” và các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, đến việc hỗ trợ điện thoại thông minh cho các hộ nghèo, gia đình chính sách… Những nền tảng này đã giúp phần lớn người dân bước đầu sử dụng thành thạo các ứng dụng trên điện thoại để thực hiện thủ tục hành chính mà không cần đến xã. Bà Ma Thị Mận, Bí thư Đảng ủy xã Bạch Thông, tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Bên cạnh việc nâng cao kỹ năng cho người dân, đội ngũ cán bộ công chức cấp xã cũng phải thích ứng nhanh với công nghệ.
“Đề án phấn đấu đến trước 30/7 toàn bộ cán bộ phải thành thạo soạn thảo, xử lý văn bản theo Hướng dẫn số 36, tác nghiệp trên hồ sơ công vụ mới. Trước 30/9 sẽ không sử dụng bản giấy trong tài liệu nội bộ, trừ văn bản mật. Chúng tôi cố gắng đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến toàn trình để phấn đấu theo định hướng nhiều người dân không cần đến trụ sở vẫn có thể thực hiện dịch vụ công. Điều đó rất cần sự vào cuộc của Ban chỉ đạo 57 và từng cán bộ, công chức, viên chức”, bà Mận cho hay.
Dù đã có nhiều bước tiến, song hành trình chuyển đổi số ở vùng cao vẫn còn những trở ngại. Không ít điểm dân cư chưa có điện lưới quốc gia, sóng 4G yếu hoặc không ổn định. Đây là “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Đầu tư mở rộng hạ tầng viễn thông, nâng cấp sóng, hỗ trợ thiết bị, tập huấn kỹ năng số, đó chính là chìa khóa để thu hẹp khoảng cách vùng miền và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp.