Cuộc sống sau dịch ở xóm người khiếm thị bán vé số
VOV.VN - Sau khi được những nhà hảo tâm hỗ trợ vượt qua mùa dịch, người dân trong xóm khiếm thị bán vé số đã trở về với công việc cũ, nỗ lực xây dựng cuộc sống cho mình.
Ở đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân có một xóm người khiếm thị bán vé số. Gọi là xóm vì có đến hơn 80 người khuyết tật, khiếm thị sống gần nhau, cưu mang và đỡ đần nhau, cùng kiếm sống. 5 tháng giãn cách vì dịch bệnh, không việc làm, không thu nhập, cả xóm đã được chính quyền, đoàn thể, nhà hảo tâm hỗ trợ vượt qua giai đoạn khó khăn. Giờ dịch được kiểm soát, người dân trong xóm trở về với công việc cũ - bán vé số, nỗ lực xây dựng cuộc sống cho mình.
Lạc quan kiếm sống
Những ngày này, vào mỗi buổi tối, trong căn phòng trọ nhỏ 40m2 của gia đình anh Đinh Cẩm Vân và chị Huỳnh Thị Thủy vang lên tiếng ê, a đánh vần của cậu con trai út sang năm sẽ vào lớp 1.
Cách đây 20 năm, vợ chồng anh Vân từ miền Trung chuyển vào TP.HCM mưu sinh với nhiều nghề rồi ổn định với việc bán vé số đến nay. Hạnh phúc lớn nhất của anh chị là vợ chồng đều khiếm thị nhưng 3 đứa con đều lành lặn, khoẻ mạnh.
Trong đợt dịch vừa rồi, chị Thủy bị nhiễm COVID-19, điều trị tại nhà và đã khỏi bệnh. Người bình thường trở thành F0 phải cách ly với những người trong nhà đã khó, người khiếm thị lại càng khó hơn. Anh Vân luôn động viên vợ kỹ lưỡng hết sức có thể để không lây cho 3 con. May mắn là anh đã học cách sử dụng mạng xã hội dành cho người khiếm thị trước đó và qua phần mềm cài sẵn trên điện thoại thông minh, bác sĩ, tình nguyện viên đã hỗ trợ anh chị từ xa.
“Gia đình tôi không có người thân, khó khăn nhất lúc đó là bà xã tôi bị nhiễm COVID-19. Đi chợ không được, mua hàng cũng không được, không nhờ được ai, nên tôi chỉ nấu cháo pha với đường để chăm cho vợ. Từ ngày 22/10, Đại lý vé số có thông báo được đi bán trở lại thì 2 vợ chồng tôi cũng đi, bán thì ế, nhưng mình phải đi”, anh Vân chia sẻ.
Trong xóm có bà Châu Thị Đàn (77 tuổi), khiếm thị và sống một mình. Mỗi sáng, bà Đàn đặt một chiếc ghế nhỏ ở một cửa hàng xăng dầu bán vé số cho người đi đường. Sau những tháng ngày phải ở yên trong nhà trọ vì dịch COVID-19, những ngày này, bà Đàn rất vui vì đi bán trở lại, không đắt hàng nhưng cũng có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống.
“Tôi ở Tiền Giang, tôi đã tiêm được 2 mũi vaccine và xét nghiệm 5 lần. Khi bán vé số có ngày bán được hết, có khi không hết nhưng cứ cố gắng bán để có thu nhập dùng để sinh hoạt và trang trải cuộc sống”, bà Đàn cho hay
Giúp người khiếm thị ổn định cuộc sống
Xóm người khiếm thị bán vé số thuộc Tổ 138, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM. Hơn ai hết, bà Nguyễn Thị Thu, Tổ trưởng Tổ 138 hiểu rõ khó khăn, vất vả của cả xóm và hoàn cảnh từng gia đình. 80 người khuyết tật, khiếm thị là 80 mảnh đời khác nhau. Ai cũng khổ nhưng rất quan tâm, giúp đỡ nhau. Bà Thu trở thành cầu nối giữa xóm với địa phương và với thế giới bên ngoài.
Khi tại TP.HCM bùng phát dịch, quận Bình Tân là một trong những điểm nóng, cả xóm ở yên trong nhà trọ, sống bằng sự hỗ trợ của địa phương và nhà hảo tâm hỗ trợ. Nhiều chủ trọ cũng miễn tiền phòng mấy tháng liền cho người khuyết tật, khiếm thị nên cả xóm tạm ổn. Hiện giờ, bà Thu vẫn tiếp tục vận động hỗ trợ cho người khiếm thị của xóm ổn định cuộc sống.
“ Tôi đi xin quà từ những người từ thiện tới phát cho bà con. Tôi cảm thấy vui và phấn khởi, mong cuộc sống của mọi người đầy đủ hơn một chút, họ cũng bấp bênh lắm vì mùa dịch không đi bán gì được. Tôi giúp được gì thì vẫn sẽ cố gắng giúp. Nhà nước có hỗ trợ và mạnh thường quân vẫn giúp đỡ”, bà Nguyễn Thị Thu cho hay.
Những niềm vui nhỏ đã bắt đầu trở lại với xóm người khiếm thị bán vé số từ chính những đồng tiền kiếm được bằng công việc quen thuộc hàng chục năm qua./.