Đặc sản đường Thốt nốt và tiềm năng sản xuất hàng hoá

Đường Thốt nốt - loại đường đặc sản được nấu từ mật hoa và quả của cây thốt nốt nổi tiếng của vùng đồng bào Khmer ở huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang đang vào vụ.

Vụ thốt nốt ở đây được tính từ tháng 10 âm lịch năm này đến Hội Vía Bà của An Giang – tức là đến tháng Tư âm lịch năm sau. Cây thốt nốt gắn liền với cuộc sống của bà con Khmer. Hầu như gia đình người Khmer nào cũng có từ vài cây đến vài chục cây thốt nốt. Khách du lịch qua đây đều mua ít đường thốt nốt về làm quà.

Cây thốt nốt có dáng dấp của cây dừa, cũng mang dáng dấp của cây cọ. Quả thốt nốt trông cũng tương tự quả dừa nhưng chỉ nhỏ bằng một phần tư hay một phần năm quả dừa. Thốt nốt gắn liền với mỗi gia đình đồng bào dân tộc Khmer, tập trung nhiều ở tỉnh An Giang và Kiên Giang. Thốt nốt được thị trường biết đến với đặc sản đường thốt nốt thơm mát dùng để nấu chè hoặc chế biến các món ăn. Cùi và nước của trái thốt nốt là món giải khát hấp dẫn của vùng đất nhiều nắng gió này. Quả thốt nốt gần giống quả dừa và cùi thốt nốt cũng gần giống với cùi dừa non, mỗi quả thốt nốt thường có ba múi, mỗi múi to gấp hai hay ba lần múi mít, trắng ngần, mềm, ngọt mát và thơm hơn cùi dừa non.

Trong vùng trồng cây đặc sản thốt nốt huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, dọc bên đường thường có những hàng thốt nốt đầy sức sống với những tàu lá màu xanh thẫm, vươn cao nổi bật trên nền trời xanh và nắng vàng, cạnh những hàng thốt nốt là những quán giải khát thốt nốt ướp lạnh, thoáng đãng, mát rượi dẫu đang trưa hè, quán nào cũng giăng võng để khách có thể nghỉ ngơi thưởng thức nước và cùi thốt nốt ướp lạnh. Chỉ cần ghé vào quán, nhìn dãy võng mắc san sát, giăng thành hàng thẳng tắp trong khoảng sân rộng rãi sạch sẽ du khách đã cảm nhận được sự thảnh thơi, dễ chịu. Rồi sau đó, thưởng thức một cốc thốt nốt ướp lạnh thì những mệt mỏi, nóng bức sau mỗi chặng đường rong ruổi trưa hè sẽ nhanh chóng tan biến.

Ghé vào cơ sở chế biến đường thốt nốt Ngọc Trang đang mùa nấu đường, thấy công nhân đang hối hả đóng hàng để giao cho khách. Trong bếp là các lò đang đỏ lửa với những chảo nước đường đặc quánh đang được dần dần cô lại, thơm ngọt ngào. Những khuôn đường thốt nốt được đổ thành bánh tròn, nhỏ, để nguội, rồi được xếp đều tăm tắp, đóng thành gói nhỏ, mỗi gói nửa cân, được gói trong bao bì ni-lông, lớp ngoài cùng bọc bằng lá thốt nốt khô, trắng ngà, mang đậm nét mộc mạc hấp dẫn của món quà quê. Đường hạt được đóng thành từng túi một hai cân, có loại đóng cả năm cân mỗi túi. Đường thốt nốt An Giang còn có đại lý tận chợ Đồng Xuân (Hà Nội), và còn được xuất khẩu sang cả thị trường Nhật.

Cho đến nay diện tích trồng thốt nốt ở An Giang vẫn không được mở rộng. Số cây thốt nốt trong vùng vẫn thế từ nhiều năm nay và chủ yếu cũng chỉ có trong vườn của các gia đình đồng bào Khmer. Ông Lê Quang Gạt, Phó Chủ tịch UBND xã An Hảo huyện Tịnh Biên, An Giang cho biết vùng thốt nốt ở đây có vài nghìn cây, mỗi năm mang lại khoảng 120 tấn đường đặc sản. Nhờ vào cây thốt nốt, nhiều bà con trong vùng có thu nhập khá. Thế nhưng mặc dù đường thốt nốt được khách du lịch về đây ưa chuộng, nhưng chế biến đường hiện nay cũng chỉ là theo cách làm thủ công. Huyện cũng mới chỉ đăng ký thương hiệu đường thốt nốt cho một cơ sở chế biến là cơ sở Ngọc Trang.

Ông Lê Quang Gạt, Phó Chủ tịch UBND xã An Hảo huyện Tịnh Biên trả lời PV của phóng viên VOV

Trong khi giá trấu - nhiên liệu chính để đốt lò nấu đường tăng cao mà giá bán đặc sản đường này lại không tăng là mấy. Giá thuê nhân công leo lên cây lấy mật thốt nốt cũng tăng. Một cân đường thốt nốt chất lượng tốt bán lẻ cho du khách vãng lai được từ mười lăm đến mười bảy nghìn đồng, giá bán buôn tại các cơ sở sản xuất là mười hai nghìn đồng. Vậy mà từ những gói đường đặc sản thốt nốt nhỏ bé này cũng đã nảy sinh những yếu tố mặt trái của kinh tế hàng hoá. Đó là chuyện cạnh tranh nhau thiếu lành mạnh của các cơ sở chế biến và kinh doanh đường, rồi chuyện đường thốt nốt bị pha tạp, cơ sở nào cũng tự nhận chỉ có đường của mình là nguyên chất, các cơ sở còn lại đều pha vào đường mía rồi bán với giá thấp để thu hút khách du lịch.

Anh Ngọc Phi - chủ cơ sở chế biến và kinh doanh đường thốt nốt Ngọc Lang ở ấp An Hòa xã An Hảo huyện Tịnh Biên, An Giang cho biết nếu không tinh sẽ mua phải đường kém chất lượng. Đó là các loại đường đã bị pha thêm vào mật mía hay mạch nha. Đường bị pha nhìn bên ngoài lại đẹp hơn, trong hơn và vàng nhạt hơn đường nguyên chất. Đường thốt nốt thật bao giờ cũng mang màu vàng đậm, đục chứ không trong. Đấy là chưa kế các lò nấu đường thủ công nhỏ lẻ chưa có chứng nhận bảo đảm an tòan vệ sinh thực phẩm. Đường nguyên chất giá thành đã lên đến hơn mười một nghìn đồng một cân, giá bán cộng thêm vài nghìn trong khi đường pha trộn, giá thành chỉ khoảng chín, mười nghìn đồng, gía bán chỉ có mười một nghìn đồng một cân. Nếu cứ đà như thế, uy tín và tiếng tăm của đặc sản đường thốt nốt sẽ dần bị mai một.

Đóng gói sản phẩm Đường Thốt nốt

Cây thốt nốt là cây mang tính truyền thống, gắn bó với mỗi gia đình đồng bào Khmer, Đường Thốt nốt - một nguồn thu nhập của đồng bào Khmer cũng là đặc sản của toàn vùng. Để đặc sản thốt nốt An Giang được nhiều người biết đến, có thể đem lại lợi ích kinh tế cao hơn cho người dân cần phải tổ chức sản xuất ở quy mô lớn hơn, có bài bản hơn, cũng như cần có được thương hiệu đặc sản của đường thốt nốt An Giang. Tức là phải biến việc sản xuất thủ công, nhỏ lẻ phục vụ khách vãng lai là chủ yếu hiện nay sang cách làm ăn tập trung hơn với quy mô lớn hơn. Nếu phát triển được loại cây đặc sản này trong vùng, thành nơi sản xuất hàng hóa, thì bà con Khmer sẽ có điều thiện nâng cao hơn thu nhập. Cùng đó đặc sản đường thốt nốt sẽ đến được nhiều thị trường hơn, nhất là thị trường nước ngoài./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên