Đặt sân bay vùng Thủ đô ở Ứng Hòa: Bộ GTVT và TP Hà Nội “vênh” nhau?
VOV.VN - Theo Bộ GTVT, vị trí đặt sân bay thứ 2 vùng thủ đô tại huyện Ứng Hoà theo đề xuất của UBND TP Hà Nội khó khả thi.
Trong văn bản mới nhất gửi Bộ GTVT góp ý quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP Hà Nội khẳng định quan điểm muốn có sân bay thứ hai ngoài Nội Bài và phải được đặt tại Thủ đô.
Hiện các đơn vị đã xây dựng 3 kịch bản phát triển sân bay Nội Bài, tương ứng với 3 phương án hoạch định sân bay thứ 2 của vùng Thủ đô. Việc đặt sân bay tại đây có ưu nhược điểm gì và liệu có khả thi. Vì sao lại có sự không thống nhất về vị trí đặt sân bay thứ 2 vùng Thủ đô giữa Bộ GTVT và TP Hà Nội?
Hà Nội bảo lưu đặt sân bay thứ 2 ở Ứng Hoà
Văn bản của UBND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn ký nêu rõ: “Hà Nội mong muốn quy hoạch Cảng HKQT lớn của vùng Thủ đô phải được đặt tại Thủ đô, có vai trò, tính chất và quy mô xứng tầm với vị thế của Thủ đô, làm động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho vùng Thủ đô”.
Do vậy, UBND TP đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo xem xét, nghiên cứu, dự báo quy mô công suất CHK Thủ đô đạt khoảng 130 - 150 triệu hành khách/năm đến năm 2050. Thành phố cũng đề xuất 2 phương án để đạt được quy mô công suất này.
Cụ thể, phương án 1, quy hoạch phát triển Cảng HKQT Nội Bài với quy mô công suất khoảng 65 triệu hành khách/năm, diện tích đất khoảng 1.493ha (tương đương quy mô công suất dự báo đến năm 2030); đồng thời nghiên cứu quy hoạch bổ sung CHKQT thứ hai tại khu vực phía Nam thành phố với quy mô công suất 65 triệu hành khách/năm.
Trong trường hợp Bộ GTVT xác định quy hoạch nâng công suất Cảng HKQT Nội Bài lên 100 triệu hành khách/năm, Hà Nội vẫn đề nghị cần nghiên cứu quy hoạch Cảng HKQT thứ hai với quy mô công suất đạt 50 triệu hành khách/năm đến năm 2050 để địa phương có cơ sở chuẩn bị quỹ đất xây dựng, cập nhật vào các đồ án quy hoạch liên quan để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo thống nhất (tổng quy mô công suất khoàng 150 triệu hành khách/năm).
Đáng lưu ý, Hà Nội tiếp tục bảo lưu quan điểm vị trí dự kiến quy hoạch CHKQT thứ hai tại khu vực huyện Ứng Hòa. Lý do là vị trí này đảm bảo khoảng cách giữa sân bay Nội Bài phía Bắc và sân bay thứ hai phía Nam Thủ đô (54km), cách sân bay Miếu Môn, khu vực trường bắn Miếu Môn ở phía Tây Bắc khoảng 20km, cách các dãy núi đá Trung Sơn, Vĩnh An phía Tây khoảng 14km.
“Đặt sân bay tại Ứng Hòa thuận lợi về kết nối giao thông đường bộ (cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc phía Đông, đường VĐ5 vùng Thủ đô, QL5, QL7A), đường sắt Thống Nhất và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường thủy (sông Hồng và cảng Phú Xuyên - Vạn Điểm).
Ngoài ra, việc GPMB tại đây cũng thuận lợi (khoảng 1.300ha chủ yếu là đất nông nghiệp, diện tích GPMB khu dân cư thấp)”, văn bản của UBND TP Hà Nội nêu.
Phải cân nhắc kỹ, không cẩu thả chọn bừa
Ngay sau khi nhận được đề nghị của UBND TP Hà Nội đề xuất quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế lớn của vùng Thủ đô phải được đặt tại Thủ đô, có vai trò, tính chất và quy mô xứng tầm với vị thế của Thủ đô, làm động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho vùng Thủ đô, Bộ GTVT đã có ý kiến phản hồi về việc này.
Trong văn bản mới nhất gửi UBND TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, để đánh giá tính khả thi về vị trí sân bay thứ 2 vùng Thủ đô Hà Nội, Bộ GTVT, đã giao các đơn vị liên quan đánh giá tổng thể ưu, nhược điểm của các kịch bản quy hoạch sân bay Nội Bài cùng với phương án nghiên cứu vị trí sân bay thứ 2 vùng Thủ đô.
Theo đó, các đơn vị đã xây dựng 3 kịch bản phát triển sân bay Nội Bài, tương ứng với 3 phương án hoạch định sân bay thứ 2 của vùng Thủ đô về quy mô, vị trí và thời điểm nghiên cứu.
Từ đó kiến nghị quy hoạch sân bay Nội Bài giai đoạn đến năm 2030 đáp ứng quy mô 60 - 65 triệu hành khách/năm; giai đoạn đến năm 2050 là 100 triệu hành khách/năm.
Đây là các phương án có nhiều ưu điểm vượt trội dựa trên các yếu tố: Phát huy tối đa hiệu quả tài chính, kinh tế và lợi thế vị trí của Nội Bài về điều kiện tự nhiên, vùng đất, vùng trời; điều hành bay; về tổ chức, quản lý, khai thác; diện tích đất chiếm dụng, chi phí; giao thông kết nối.
Trên cơ sở phân tích rất kỹ lưỡng, các đơn vị đánh giá vị trí Ứng Hòa rất khó khả thi trong việc bố trí sân bay mới với mục đích hỗ trợ, chia sẻ lưu lượng cho Nội Bài. Các vị trí tiềm năng khác tại Thanh Miện (tỉnh Hải Dương), Tiên Lãng (Hải Phòng) có tính khả thi cao hơn.
Về thời điểm nghiên cứu CHK thứ hai vùng Thủ đô, trong hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đơn vị kiến nghị thời điểm nghiên cứu vị trí sân bay thứ hai vùng Thủ đô sau năm 2040.
Tuy nhiên, Bộ GTVT tiếp thu kiến nghị của UBND TP Hà Nội và sẽ căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phục hồi, phát triển của hàng không sau đại dịch Covid-19 để có đầy đủ số liệu, cơ sở nghiên cứu vị trí sân bay thứ hai vùng Thủ đô (gồm cả khu vực phía Đông, phía Nam Thủ đô và vùng lân cận), dự kiến sau giai đoạn năm 2030.
Đặt ở Ứng Hoà không khả thi, Hải Dương hoặc Hải Phòng khả thi hơn
Theo các chuyên gia về quy hoạch hàng không, xét về tầm nhìn xa vài chục năm, thậm chí cả trăm năm, chắc chắn sẽ cần có thêm một sân bay phục vụ cho vùng Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, sân bay này đặt ở đâu thì cần cân nhắc kỹ càng, không thể đưa ra nhận định chỉ trên một vài con số.
Thậm chí, ngay cả khi có phương án rồi cũng cần nghiên cứu kỹ cả hướng đường cất/hạ cánh, tổ chức không phận ra sao, giao thông kết nối có chưa, cần làm thêm gì…
Được biết, hiện có 4 vị trí nghiên cứu tiềm năng được đề xuất làm sân bay thứ 2 của vùng Thủ đô gồm: Khu vực huyện Ứng Hòa; khu vực Thanh Miện, Hải Dương (phía Đông Nam TP Hà Nội); khu vực Tiên Lãng, Hải Phòng (phía Đông TP Hà Nội) và khu vực huyện Lý Nhân, Hà Nam (phía Nam TP Hà Nội).
Cũng theo vị này, làm một sân bay không đơn thuần chỉ cần 1.500 - 2.000ha là có thể có ngay sân bay. Nếu xác định vị trí rồi cũng cần phải sớm đặt các trạm quan trắc khí tượng, bởi để có thể quyết định hướng đường cất/hạ cánh, phải có số liệu khí tượng ít nhất 10 - 15 năm.
Cụ thể, tại vị trí Ứng Hòa như đề xuất của Hà Nội sẽ có nhiều điểm bất lợi như nằm ở đường xuống của máy bay tiếp cận hạ cánh của sân bay Nội Bài.
Ngoài ra, trong khu vực còn có một dãy núi theo hướng Tây Bắc - Đông Nam nên làm sân bay cũng theo hướng này, đầu ra của máy bay sẽ vòng vào trung tâm Hà Nội, vướng vào vùng cấm bay của TP Hà Nội.
Đó là chưa kể đến việc Ứng Hòa là vùng trũng, bị ảnh hưởng lũ sông Đáy và có diện tích đất trồng lúa lớn nên cần đầu tư hạ tầng giao thông kết nối nhiều…/.
Theo Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn đến năm 2030 sẽ xây dựng Cảng HKQT Nội Bài đạt cấp 4F và sân bay quân sự cấp I, công suất khoảng 65 triệu hành khách/năm; 2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Sân bay sẽ có 3 đường cất hạ cánh, gồm 2 đường hiện có và xây dựng mới 1 đường ở phía Nam với 3 nhà ga hành khách (2 nhà ga T1, T2 hiện có và xây dựng mới 1 nhà ga) và 2 khu ga hàng hóa.
Giai đoạn đến năm 2050, sẽ xây dựng Cảng HKQT Nội Bài đạt cấp 4F và sân bay quân sự cấp I, công suất 100 triệu hành khách/năm; 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Sân bay lúc này có 4 đường cất hạ cánh và 4 nhà ga hành khách (2 đường cất hạ cánh và 2 nhà ga T1, T2 hiện có ở phía Bắc, xây dựng mới 2 đường cất hạ cánh, 2 nhà ga hành khách ở khu vực phía Nam) và 3 khu ga hàng hóa.