Chuyển đổi số giúp báo chí đáp ứng tốt nhu cầu của công chúng
VOV.VN - Khi thực hiện việc chuyển đổi số, quy trình sản xuất các sản phẩm báo chí hầu hết được dựa trên nền tảng điện toán đám mây cho phép chúng ta có thể sản xuất từ xa.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu tất yếu trong thời đại ngày nay. Nhiều cơ quan báo chí đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc hỗ trợ, gia tăng hiệu quả hoạt động của cơ quan báo chí. Phóng viên đã phỏng vấn Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải Quang về vấn đề này.
Theo Phó Tổng giám đốc Vũ Hải Quang, việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực báo chí truyền thông sẽ cho phép chúng ta có thể tự động hóa quy trình tác nghiệp, làm giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả sản xuất tin bài, giảm chi phí, rút ngắn các công đoạn, đáp ứng một cách kịp thời nhu cầu và sự quan tâm của công chúng.Trên cơ sở ứng dụng nguồn dữ liệu lớn, điên toán đám mây, trí tuệ nhân tạo…nó cho phép cơ quan báo chí hình thành một quy trình mới trong việc sáng tạo sản phẩm và dịch vụ báo chí truyền thông để đáp ứng nhu cầu của công chúng.
PV: Thưa ông, chuyển đổi số mang lại lợi ích gì về mặt quản trị, điều hành cơ quan báo chí?
Phó Tổng giám đốc Vũ Hải Quang: Lợi ích của chuyển đổi số trong trong quản trị nội bộ ở các cơ quan báo chí cũng giống các cơ quan đơn vị khác, gồm quản lý hành chính, quản lý tài chính và quản lý nhân sự. Khi thực hiện việc chuyển đổi số sẽ giảm thiểu được chi phí quản lý và tối ưu hóa được các công đoạn trong công tác quản lý, tránh chồng chéo và truy xuất thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhanh hơn và có thể truy cứu bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào.
Một ví dụ trong chuyển đổi số ở lĩnh vực này là số hóa tài liệu, vừa không mất chi phí bảo quản, tìm kiếm dễ dàng, trao đổi nhanh chóng, không tốn chi phí bưu chính; hoặc sử dụng chữ ký điện tử, có thể ký ở bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào mà không cần phải đến nhiệm sở; hoặc là từ khi có đại dịch Covid -19 đến nay thì hầu hết các cuộc họp hành, giao ban đều thực hiện bằng trực tuyến đã làm giảm thiểu chi phí đi lại, chi phí về thời gian và có thể vừa ngồi trên xe, vừa tham gia các cuộc họp.
PV: Vậy khi thực hiện chuyển đổi số trong quy trình sản xuất nội dung báo chí, sẽ đem đến điều gì cho cơ quan báo chí truyền thông và đặc biệt là công chúng, thưa ông?
Phó Tổng giám đốc Vũ Hải Quang: Khi thực hiện việc chuyển đổi số trong quy trình sản xuất báo chí thì hầu hết dựa trên nền tảng điện toán đám mây, nó cho phép chúng ta sản xuất từ xa. Ví dụ, một phóng viên, biên tập viên đang tác nghiệp ở Sơn La, Lai châu nhưng có thể trực tiếp sản xuất tin bài trên nền tảng của trung tâm đang đặt tại Hà Nội và sau đó đưa vào phát sóng ngay. Như vậy, nó giảm thiểu rất nhiều chi phí đi lại và đặc biệt bảo đảm tính thời sự của một sự kiện vừa mới diễn ra. Việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực báo chí truyền thông nó cho phép chúng ta có thể tự động hóa quy trình tác nghiệp, làm giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả sản xuất, rút ngắn các công đoạn, đáp ứng một cách kịp thời nhu cầu và sự quan tâm của công chúng.
Trên cơ sở các ứng dụng IoT, Big Data, AI, Cloud computing, báo chí tự nó tạo ra nhu cầu mới với công chúng, nó làm tăng tính tương tác giữa người làm báo với công chúng và giữa các cơ quan báo chí với các cơ quan hoạch định chính sách của nhà nước. Chẳng hạn khi chúng ta ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thì nó có thể “hiểu” được những sở thích riêng của từng người, từ đó nó sẽ gợi ý những nội dung được yêu thích, cá nhân hóa thông tin đến với từng bạn đọc, giúp cho cơ quan báo chí ngày càng tăng lưu lượng người dung.
Việc chuyển đổi số cũng mở ra những điều kiện tập hợp và thống nhất các nguồn lực vào một mạng lưới trung tâm, hỗ trợ cho quá trình sản xuất. Trong quy trình truyền thống thì các bộ phận trong dây chuyền tách rời nhau cả về không gian và thời gian nhưng trên môi trường số thì các bộ phận được số hóa một cách đồng bộ và kết nối với nhau, liên thông với nhau, cho phép tối ưu hóa quy trình, phát huy hiệu quả cao nhất trong hoạt động sáng tạo và cung cấp sản phẩm dịch vụ cho nhu cầu của công chúng. Như vậy hiệu quả sử dụng nguồn lực được nâng cao hơn rất nhiều.
Việc chuyển đổi số cũng cho phép tạo ra hệ thống để thu thập số liệu của công chúng một cách phù hợp, liên kết các dữ liệu với nhau, làm cơ sở cho việc hoạch hoạch định chiến lược phát triển của một cơ quan báo chí và từ đó cơ quan báo chí sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của công chúng, làm gia tăng trải nghiệm của công chúng. Ngày nay việc cá nhân hóa thông tin đóng vai trò vô cùng quan trọng với công chúng, việc sản xuất các sản phẩm đồng loạt, giống nhau cho tất cả mọi người không còn phù hợp. Các sản phẩm báo chí phải được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của công chúng trong kỷ nguyên số, chỉ có như vậy thì các cơ quan báo chí truyền thông mới thu hút được sự quan tâm của công chúng để tiếp tục tồn tại và phát triển. Đó chính là cơ sở phát triển bền vững đối với mỗi đơn vị báo chí truyền thông trong điều kiện nền kinh tế thị trường đang cạnh tranh một cách khốc liệt như hiện nay.
PV: Thưa ông, đó là về sản xuất nội dung, vậy còn phân phối, đăng tải, truyền dẫn thì việc chuyển đổi số sẽ giúp mang tới điều gì đối với các cơ quan báo chí?
Phó Tổng giám đốc Vũ Hải Quang: Về mặt phân phối nội dung trên nền tảng số thì nó có rất nhiều lợi ích vô cùng to lớn so với việc phân phối trên nền tảng truyền thống, tôi không thể kể hết, nhưng có thể kể ra đây một vài lợi ích chính như thế này.
Thứ nhất, việc phân phối nội dung trên nền tảng số là chúng ta giảm được rất nhiều chi phí đầu tư xây dựng các trạm phát sóng công suất lớn ở nhưng nơi vô cùng khó khăn, vất vả và nó cũng giảm rất nhiều chi phí trong khai thác vận hành.
Thứ hai, một trạm phát sóng truyền thống chỉ phủ sóng trong một phạm vi, một vùng nhất định thì việc phân phối trên nền tảng số có thể phủ sóng toàn thế giới, cứ ở đâu có internet là ở đó có thể tiếp cận được các sản phẩm báo chí truyền thông.
Thứ ba, trong phát sóng truyền thống công chúng chỉ nghe/xem các chương trình theo một khung giờ nhất định thì phát sóng trên nền tảng số họ có thể nghe/ xem những thông tin mà họ muốn và nghe/ xem ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào và họ còn có thể tìm kiếm nội dung một cách nhanh nhất bằng cả giọng nói và văn bản, đặc biệt nó có lợi thế không thể thay thế với những người khiếm thính và khiếm thị.
Ngoài ra công chúng có thể nghe/ xem trực tiếp hoặc nghe lại bất cứ chương trình nào vào bất cứ lúc nào, và công chúng cũng được gợi ý một cách thông minh việc lựa chọn chương trình tùy theo hành vi của người dùng. Chẳng hạn, chúng ta thường xuyên nghe các chương trình thời sự thì khi vào mạng chúng sẽ có rất nhiều chương trình thời sự hiện lên hoặc tương tự như vậy với các thể loại thông tin khác, ngoài ra chúng ta còn có thể tương tác với Ban biên tập và chia sẻ những chương trình yêu thích trên mạng xã hội một cách dễ dàng./.