Tiếng nói giải phóng

VOV.VN - Mỗi bản tin, mỗi phóng sự từ chiến trường gửi ra là đánh đổi bằng tháng ngày chịu đựng gian khổ, thiếu đói, sốt rét rừng và cả mạng sống

Ngày 7/9/2018, đúng dịp kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945 - 7/9/2018), Đài Phát thanh Giải phóng vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước. VOV giới thiệu bài viết của tác giả Vĩnh Trà, cựu phóng viên - biên tập viên Đài Phát thanh Giải Phóng.
Vĩnh Trà-PV thường trú Đài PTGP tại Thừa Thiên Huế năm 1972 (Ảnh: Tư liệu VOV)

18 giờ 30 phút ngày 1/2/1962, từ chiến khu Tây Ninh, dưới căn nhà bán hầm lợp lá trung quân ở Lò Gò, nơi đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông vang lên nhạc hiệu Giải phóng miền Nam hùng tráng với lời xướng đĩnh đạc của hai xướng ngôn viên Xuân Việt và Thành Kỉnh: “Đây là Đài Phát thanh Giải phóng, tiếng nói của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam”.

1. Một ngày giữa thu năm 1955, căn nhà ọp ẹp, bé nhỏ của tôi và O Tuyết có thêm 5 con người mới từ bờ nam sông Bến Hải tập kết ra Bắc theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Ông bà Niệm và ba cô con gái sàn sàn nhau. Thấy nhà cửa đơn sơ, chật chội, cả chủ và khách đều ái ngại. Mẹ tôi nhỏ nhẹ:

- Ăn nhiều chớ ở hết răng nấy (bao nhiêu). 20 tháng 7 sang năm là Tổng tuyển cử thống nhứt rồi. Ông bà được về quê, lo chi (lo gì).

Ông Niệm vui vẻ:

- Cảm ơn chị nhiều lắm!

Tháng 7 năm 1956. Không có Tổng tuyển cử. Ông Niệm giọng buồn mà ánh mắt hằn tia máu.

- Ngô Đình Diệm xé bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ rồi.

Ông Niệm được chuyển về công tác ở thị trấn Hồ Xá, thủ phủ của khu vực Vĩnh Linh. Cả nhà theo về. Bà Niệm hẹn mẹ tôi và O Tuyết khi nào giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà thì vào quê chơi. Tôi mừng lắm, vì mẹ hứa sẽ cho đi theo.

Mùa hạ năm 1960, lần đầu tiên tôi đặt chân lên mảnh đất đầu cầu Hiền Lương. Chạy suốt đỉnh cổng chào là dòng khẩu hiệu lớn: “Nam Bắc là một nhà - Bắc Nam là ruột thịt”.

Một số cán bộ phóng viên phòng thời sự. Đài PTGP tại trụ sở Đài sau ngày 30/4/1975, tại số 7 Hồng Thập Tự, quận 1, TP HCM.

Mãi sau này tôi mới biết, cuối đông năm 1960, trong căn phòng nhỏ tại số nhà 58 Quán Sứ, Hà Nội, ông Trần Lâm, Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chủ trì cuộc họp mặt gồm một số cán bộ quê Nam bộ tập kết ra miền Bắc.

Theo lời kể sau này của ông Trần Lâm thì hôm ấy trời Hà Nội lạnh giá mà phòng họp nhỏ nóng hẳn lên bởi nhiệm vụ mới “Theo Chỉ thị tuyệt mật của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Đài Tiếng nói Việt Nam chọn một số cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc giỏi nghiệp vụ biên tập và kỹ thuật phát thanh cử vào Nam giúp Mặt trận Dân tộc Giải phóng lập một đài phát thanh gọn nhẹ”.

Người được chọn đi đầu tiên là kỹ sư Huỳnh Minh Lý (Ba Nhi), một cán bộ kỹ thuật giỏi, xiết chặt tay ông Vũ Đường (Thanh Nho), phó phòng Biên tập Đối nội của Đài Tiếng nói Việt Nam và hẹn sớm gặp nhau ở chiến khu D. Nhiệm vụ quá lớn lao mà phải giữ kín trong lòng, nhưng cứ cháy lên lửa yêu thương được trở lại quê nhà, cứ tỏa rạng niềm tin sắt son “Bắc Nam là một nhà, Nam Bắc là ruột thịt. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

“Cán bộ nhân viên Đài phát thanh Giải phóng không những khắc phục khó khăn về phương tiện, cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo làn sóng không bị gián đoạn mà còn cầm súng chiến đấu bảo vệ Đài trong mọi tình huống”, Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh Các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam cho biết.

Theo chân Ba Nhi, Thanh Nho là Châu Lập, Trọng Dân, Hoàng Hà và bao người khác miệt mài đi qua dải Trường Sơn, theo đường mòn Hồ Chí Minh đến với chiến khu D, với miền Nam ruột rà. Lời hẹn hò của ông bà Niệm với mẹ tôi, O Tuyết ở Vĩ tuyến 17 ngày ấy, cũng như cái bắt tay xiết chặt của Ba Nhi, Thanh Nho, nhạc sĩ Hoàng Hà với Giám đốc Trần Lâm giữa lòng Hà Nội năm ấy cũng chỉ một lời nguyền “Giải phóng miền Nam cho Nam Bắc sum họp một nhà”.

2. Hơn 2 tháng ròng rã vượt Trường Sơn, kỹ sư Huỳnh Minh Lý bồi hồi đặt chân lên mảnh đất miền Đông “gian lao mà anh dũng” như đi qua ngạch cửa, bước vào ngôi nhà thân quý của mình. Ông Võ Văn Tòng (Tám Tòng), anh em trong xưởng vô tuyến điện của Trung ương Cục cùng kỹ sư Ba Nhi bắt tay ngay vào công việc hoàn thiện và thử máy phát 150W, hạng mục đầu tiên dựng nghiệp phát thanh Giải phóng, nơi chung tay của người con Nam bộ tại chỗ và đứa con được đào luyện từ Hà Nội trở về.

18 giờ 30 phút ngày 1/2/1962, từ chiến khu Tây Ninh, dưới căn nhà bán hầm lợp lá trung quân ở Lò Gò, nơi đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông vang lên nhạc hiệu Giải phóng miền Nam hùng tráng với lời xướng đĩnh đạc của hai xướng ngôn viên Xuân Việt và Thành Kỉnh: “Đây là Đài phát thanh Giải phóng, tiếng nói của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam”.

5 chương trình phát thanh đầu tiên bằng tiếng: Việt, Anh, Pháp, Hoa, Khmer truyền đi. Ban đầu, làn sóng còn yếu, nhưng từ Bến Tre, Cần Thơ, Biên Hòa, rồi Cà Mau, Khu Năm, đồng bào, chiến sĩ đã nghe được “Tiếng nói Giải phóng”. Vui mừng khôn tả, các ông Trần Bửu Kiếm, Trần Bạch Đằng, Tám Tòng, Ba Nhi, Thành Kỉnh, Nguyễn Ngọc Thưởng ôm chầm lấy nhau, cụng với nhau chén chè rừng thay ly rượu mừng.

Được Trung ương Cục thông báo trước nên phòng làm việc của Giám đốc Trần Lâm tại 58 Quán Sứ ngày 1/2/1962 có Phó Tổng biên tập Huỳnh Văn Tiểng, nhà báo Nguyễn Thành cùng nhiều cán bộ biên tập, kỹ thuật của Đài TNVN hồi hộp đón chờ Tiếng nói đầu tiên của Đài Phát thanh Giải phóng. Niềm vui vỡ òa khi nghe được chương trình, nhưng ai cũng lo lắng vì sóng quá yếu, có lúc không nghe rõ. Nỗi lo chung của Đài Quốc gia và Trung ương đã nhanh chóng ra quyết định thành lập V12, mật danh đầu tiên của Đài Giải phóng A, đặt tại số nhà 6A, Yên Phụ, giữa lòng Hà Nội. Đài TNVN giao hẳn cho V12 hai máy phát sóng 5KW tại Mễ Trì, thiết bị bá âm và sử dụng một phòng truyền âm ở 37 Bà Triệu. 18 giờ 30 phút ngày 30/4/1962, chưa đầy 60 ngày, Đài Giải phóng B phát chương trình đầu tiên, Đài Giải phóng A lên sóng vừa tiếp âm, khuyếch đại sóng gốc lên nhiều lần, vừa xây dựng thêm chương trình phát thanh, hỗ trợ Đài B. Bắt đầu cuộc hành trình 14 năm có dư “B trên A”, “Đêm Bắc ngày Nam”, “Đêm Nam ngày Bắc”. Từ V12 Yên Phụ đến V12 Nam Đàn, Nghệ An, về lại Hà Nội, đổi tên thành C55, trực thuộc Đài Phát thanh Quốc gia, cho đến tháng 7/1968, Ban Bí thư Trung ương Đảng chuyển Đài A thành cơ quan trực thuộc Ban Bí thư, lấy mật danh CP90. Đây là dấu mốc quan trọng, mang tính bứt phá hoàn thiện Đài A với 14 phòng nghiệp vụ biên tập, kỹ thuật, hành chính, tổ chức, gồm 400 phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, nghệ sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên làm ra 10 giờ phát sóng chương trình mỗi ngày. Đây là những năm tháng sôi động, hậu phương lớn miền Bắc dốc lòng, dốc sức, dốc của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Nhiều cử nhân Ngữ văn từ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, kỹ sư từ trường Đại học Bách khoa và nhiều cơ quan khác đã đầu quân cho CP90, tạo nên chất lượng mới, xung lực mới và tâm thế sẵn sàng vào chiến trường B.

Chiến tranh phá hoại bằng không quân của Hoa Kỳ ngày càng ác liệt, Đài Giải phóng A cùng cả miền Bắc đi vào cuộc sống thời chiến. Để bảo đảm làn sóng phát thanh Giải phóng an toàn, liên tục, mạnh rõ, Đài A đã 14 lần di chuyển, sơ tán đài phát sóng, biên tập nội dung, đoàn ca nhạc khắp các tỉnh miền núi, trung du, đồng bằng Bắc bộ. Ai bước chân vào CP90 cũng thấm nhuần 3 nguyên tắc: một là giữ bí mật tuyệt đối, hai là tin tức từ chiến trường phải làm mọi cách để phát trước Đài TNVN, ba là ngôn ngữ, hành văn, từ vựng phát trên sóng phải là Nam bộ. Hồi ấy, người làm ở Đài TNVN đi cổng 58 Quán Sứ chỉ biết bên 56 có cơ quan CP90, còn làm gì, sinh hoạt ra sao thì không được biết. Lần đầu tiên đến thăm CP90, câu nói đầu tiên của bà Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam đầy xúc động: “Cảm ơn các đồng chí giữ bí mật tuyệt đối cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam luôn cảm thấy có Đài Giải phóng bên cạnh”.

3. Mỗi lần nhận được bản tin, phóng sự, bút ký từ B2 gửi ra, anh chị em kỹ thuật, biên tập Đài Giải phóng A hết sức trân trọng, làm sao biên tập nhanh nhất, kịp phát sóng sớm nhất. Ai cũng biết rằng đó là những tác phẩm có được sau một trận đánh, một cuộc vây ráp của kẻ thù, phải đổi bằng công sức và xương máu. Nhiều phiên liên lạc vô tuyến điện bị ngắt quãng vì “rọ gáo” quần đảo trên đầu, hay OV10 (máy bay trinh sát) dòm ngó, hoặc bom tọa độ trút xuống Tây Ninh.

Cuộc hội ngộ thế hệ nhà báo Đài PTGP (CP90) tại Trung tâm Phát thanh quốc gia, 58 Quán Sứ, Hà Nội, năm 2010.

Không thể nào quên gương hy sinh của Hà Trung (Bùi Ngọc Ẩn), người con một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở Giồng Trôm, Bến Tre. Anh vào Đài Giải phóng ở chiến khu khi tuổi tròn 17. Anh tham gia văn nghệ, đánh đàn phục vụ các chương trình ca nhạc trên làn sóng và cũng là chiến sĩ cầm súng đánh trả quân thù. Ngày mở đầu trận càn Junction City (mùa khô 1967), quân địch đánh thẳng vào Đài Giải phóng. Hà Trung cùng đồng đội chiến đấu quyết liệt suốt cả ngày để bảo vệ cơ quan, bảo vệ làn sóng và anh dũng hy sinh vào đêm hôm ấy, khi tròn 20 tuổi. Tên anh khắc cùng 24 liệt sĩ khác trên bia tưởng niệm, vinh danh tại Lò Gò, Tây Ninh hiện nay. Các anh là biên tập viên, kỹ thuật viên, chiến sĩ bảo vệ cơ quan cũng là dũng sĩ của Đài Phát thanh Giải phóng. Đó là Lê Văn Dẳng (Hùng Dũng) dũng sĩ diệt máy bay, hy sinh năm 1967, Huỳnh Văn Tức (Huỳnh Văn Nghĩa) dũng sĩ diệt Mỹ, hy sinh năm 1973, Kha Lương Ngãi, dũng sĩ diệt máy bay, Phan Thanh Dũng, dũng sĩ diệt xe tăng. Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh Các lực lượng vũ trang giải phóng MNVN khẳng định: “Cán bộ nhân viên Đài phát thanh Giải phóng không những khắc phục khó khăn về phương tiện, cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo làn sóng không bị gián đoạn mà còn cầm súng chiến đấu bảo vệ Đài trong mọi tình huống”.

Biết rằng mỗi bản tin, mỗi phóng sự từ chiến trường gửi ra là đánh đổi bằng tháng ngày chịu đựng gian khổ, thiếu đói, sốt rét rừng và cả mạng sống của đồng đội, đồng nghiệp nên khi được chấp bút làm chương trình phát thanh đặc biệt báo tin cho đồng bào chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế biết 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ Giải phóng tung bay trên nóc dinh Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sài Gòn Gia Định đã được giải phóng. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi xúc động trào nước mắt. Giây phút lịch sử ấy, tôi cùng các anh chị Nguyễn Vạn, Quang Cường, Quang Khải, Kim Cúc, Trương Cộng Hòa được thay mặt anh chị em đồng nghiệp từ Tây Ninh về, 4 cánh quân từ Hà Nội vào đang tiếp quản hệ thống PT-TH của chế độ cũ để lại, làm nên chương trình phát thanh thời sự đặc biệt để nói một điều đặc biệt ngắn gọn là Đài Giải phóng vui mừng thông báo: Miền Nam hoàn toàn Giải phóng.

Viết lại những dòng này tôi như thấy cầu Hiền Lương bảy nhịp, nơi lẩy đàn nhạy cảm thiêng liêng “Bắc Nam là ruột thịt” không thể cắt chia; như nghe giai điệu “Ba mươi tháng Tư” vút lên tiếng đàn: Giải phóng toàn vẹn đất nước, Bắc Nam lại về trong một nhà./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Huỳnh Ngọc Ấn- “Tư lệnh” kỹ thuật phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam
Huỳnh Ngọc Ấn- “Tư lệnh” kỹ thuật phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam

VOV.VN -Vượt qua vô vàn khó khăn, ông Huỳnh Ngọc Ấn luôn là “tư lệnh” làm tốt nhất về kỹ thuật phát thanh. Khó có ai làm được hoàn thiện và trọn vẹn như ông.

Huỳnh Ngọc Ấn- “Tư lệnh” kỹ thuật phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam

Huỳnh Ngọc Ấn- “Tư lệnh” kỹ thuật phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam

VOV.VN -Vượt qua vô vàn khó khăn, ông Huỳnh Ngọc Ấn luôn là “tư lệnh” làm tốt nhất về kỹ thuật phát thanh. Khó có ai làm được hoàn thiện và trọn vẹn như ông.