34/45 địa phương sử dụng sai ngân sách nhà nước
VOV.VN - Theo Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, phát hiện 34/45 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn 889 tỷ đồng.
Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho thấy tình trạng chi NSNN chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xuất toán thu hồi nộp NSNN 331 tỷ đồng, phát hiện 34/45 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn 889 tỷ đồng, 20/45 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp 145 tỷ đồng…
Theo Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, phát hiện 34/45 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn 889 tỷ đồng. (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư không đạt kế hoạch; quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng quy định vẫn diễn ra; thu hồi vốn tạm ứng còn chậm.
Cụ thể, công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2018 vẫn chậm chuyển biến. Đến hết ngày 31/01/2019 giải ngân được 75,8% dự toán. Việc giải ngân đạt tỷ lệ thấp đã diễn ra nhiều năm. Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân và quyết liệt chỉ đạo để khắc phục tình trạng nêu trên.
Tình trạng chấp hành chưa nghiêm quy định trong hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư vẫn xảy ra khá phổ biến, kết quả kiểm toán tại các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chỉ ra nhiều sai phạm trong hầu hết các khâu của quá trình đầu tư.
Công tác phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành vẫn còn chậm; nhiều địa phương được kiểm toán phát sinh nợ mới năm 2018 số tiền 1.818 tỷ đồng; Nhiều địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn nhưng chưa xử lý dứt điểm; Đến 31/12/2018, số dư ứng trước đến hết kế hoạch năm 2018 chưa thu hồi vẫn còn 74.300 tỷ đồng; Một số địa phương còn tình trạng tạm ứng sai quy định, tạm ứng từ ngân sách trung ương kéo dài, quá thời hạn...
Báo cáo cũng chỉ ra việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để giảm chi thường xuyên còn chậm, cơ cấu chi thường xuyên chưa bảo đảm mục tiêu đặt ra.
Chi thường xuyên năm 2018 vẫn chiếm 65% tổng chi NSNN, cao hơn mục tiêu Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 (giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi NSNN). Tổng số chi lương, phụ cấp lương và các khoản đóng góp theo lương từ NSNN năm 2018 là 364.228,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 39% chi thường xuyên./.