Dạy liên kết trong nhà trường vì quyền lợi của người lớn?
VOV.VN - Thầy giáo Trần Mạnh Tùng (Hà Nội) thẳng thắn nêu quan điểm: "Tổ chức dạy liên kết trong nhà trường vì quyền lợi người lớn chứ không phải vì học sinh".
Trong những ngày qua, phụ huynh nhiều tỉnh, thành phố bức xúc với chương trình liên kết trong nhà trường về học phí lẫn cách thức thực hiện.
Đặc biệt, nhiều trường học sắp xếp thời gian học các môn liên kết (tiếng Anh, kỹ năng sống, STEM, nghệ thuật...) vào lịch chính khóa khiến học sinh nào không tham gia sẽ phải ra ngoài. Phụ huynh không muốn con bị lạc lõng, buộc phải chấp nhận dù không tự nguyện.
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng (Hà Nội) cho rằng, việc các trường liên kết với các công ty, trung tâm bên ngoài để tổ chức dạy học một số môn tăng cường trong trường như hiện nay tồn tại nhiều vấn đề và thực chất không xuất phát từ nhu cầu của các em học sinh.
Theo thầy Tùng, để dạy một số môn tăng cường trong nhà trường như tiếng Anh, STEM, kỹ năng sống..., các trung tâm thường phải chia sẻ lợi nhuận (học phí) cho các trường học.
"Tôi được biết mức hoa hồng thường 20%. Tuy nhiên, con số này sẽ có sự tăng giảm, tuỳ thuộc vào số lượng học sinh đăng ký học, càng nhiều học sinh học thì tỉ lệ “hoa hồng” càng cao. Điều này có lợi cho nhà trường và đặc biệt là các đơn vị liên kết. Kiểu kinh doanh này rất đơn giản và an toàn với khách hàng là rất nhiều nhà trường và hàng loạt học sinh", thầy Trần Mạnh Tùng nói.
Việc các trường xếp lịch học các môn liên kết xen kẽ vào lịch chính khóa theo thầy Tùng, cách làm này chẳng khác gì gây khó cho phụ huynh và "không đăng ký thì cũng... không được"!
Tuy nhiên Trần Mạnh Tùng cho rằng, điều lo ngại nhất là chất lượng các dạy liên kết trong trường học đang bị thả nổi.
Theo quy định, các chương trình liên kết, các câu lạc bộ ngoài giờ lên lớp được các trường tổ chức theo tinh thần thoả thuận giữa nhà trường với các bậc phụ huynh. Phụ huynh hoàn toàn có thể lựa chọn đăng ký cho con học hoặc không, tuỳ vào điều kiện, nhu cầu của mỗi gia đình.
Bên cạnh đó, các đơn vị liên kết được Sở GD-ĐT cấp phép, thẩm định chương trình. Khi chọn đơn vị liên kết bổ trợ, nhà trường cần nghiên cứu hồ sơ, làm tờ trình lên Phòng GD-ĐT, xin ý kiến tổ chức trên tinh thần thoả thuận với các phụ huynh.
"Tuy nhiên, khác với các hoạt động giáo dục trong nhà trường, hoạt động liên kết không được giám sát, kiểm tra, đánh giá theo quy định vì vậy phụ huynh, xã hội lo ngại về chất lượng cũng là điều dễ hiểu", thầy Tùng nói.
Trước phản ánh của phụ huynh về những bất cập trong dạy học liên kết trong trường học hiện nay, Bộ GD-ĐT vừa có văn bản chỉ đạo các Sở GD-ĐT tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về liên kết, tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu người học.
Bộ cũng yêu cầu các Sở GD-ĐT báo cáo tình hình triển khai các hoạt động này tại địa phương với các nội dung: công tác chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo; công tác triển khai tại các cơ sở giáo dục; đánh giá thuận lợi, khó khăn; đề xuất, kiến nghị và tổng hợp số liệu. Việc báo cáo này phải được hoàn thành trước 15/10.
Theo thầy Trần Mạnh Tùng, Bộ GD-ĐT không nên chờ đợi thông tin mà cần chủ động kiểm tra, thanh tra những cơ sở giáo dục có dấu hiệu sai phạm. Nếu cần thiết có thể đề nghị lực lượng công an hỗ trợ, xử lí nghiêm.
Đồng thời cần sửa các quy định liên quan về Quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; Quản lý giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa...
"Về lâu dài, cần bỏ hẳn dạy thêm học thêm trong nhà trường; tránh học chính, học thêm lẫn lộn; để nhà trường làm tốt nhất vai trò của mình; hạn chế các tiêu cực, đúng với tiêu chí đi học là hạnh phúc", thầy Tùng nói.
rao đổi với VOV2, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Điều phối viên chính Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tổng chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống khẳng định, việc các trường chèn môn liên kết vào lịch học chính khóa là không đúng tinh thần thiết kế Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đặc biệt, theo ông Hùng, Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 bậc tiểu học, một số môn học như tiếng Anh, kỹ năng sống, STEM... là môn học/hoạt động giáo dục không bắt buộc. Tùy vào điều kiện và nhu cầu thực tế của phụ huynh, các cơ sở giáo dục có thể liên kết với các công ty/trung tâm bên ngoài để giảng dạy.
"Tuy nhiên, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các môn Ngoại ngữ, Tin học, Khoa học, hoạt động trải nghiệm... là các môn/hoạt động giáo dục bắt buộc với đầy đủ chương trình, sách giáo khoa, tài liệu dạy học. Do vậy các trường không cần thiết phải tổ liên kết để dạy các môn này", ông Hùng nói.