Do hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập
Đây là nhận định của một số chuyên gia tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu thành phố Hà Nội (HATAP) tổ chức ngày 29/7
Vi phạm ngày càng tăng
Ông Nguyễn Ngọc Khoa, Chủ tịch HATAP cho biết, tháng 6 đầu năm 2009, Hội đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và công an điều tra xử lý 187 vụ sản xuất buôn bán hàng giả, trong đó khởi tố 39 vụ, xử lý hành chính 33 vụ. Cũng theo ông Khoa, năm 2009, nạn hàng giả, hàng nhái vi phạm sở hữu trí tuệ đang gia tăng và ngày một phức tạp. Hàng giả có mặt trên khắp các lĩnh vực của đời sống. Hàng giả được làm rất tinh vi khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt, chúng không chỉ được bày bán ở các cửa hàng nhỏ lẻ mà len lỏi vào cả các siêu thị lớn, các cửa hàng sang trọng.
Hàng giả sản xuất trong nước thường được làm giả về nhãn hiệu, kiểu dáng tương tự, giống hệt thật, hoặc sản xuất hàng giả dùng mác thật có cả chỉ dẫn địa lý. Có những mặt hàng chưa kịp nhập khẩu thì trên thị trường đã xuất hiện hàng giả, hàng nhái. Tinh vi hơn, hàng giả còn được nội địa hóa bằng phương thức nhập khẩu linh kiện, bán thành phẩm rồi qua các làng nghề chế tác, gắn nhãn mác, bao bì mới thành các sản phẩm của các nước tiên tiến trên thế giới…
Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai rất nhiều đợt kiểm tra, giám sát trong phạm vi cả nước nhưng hàng giả vẫn len lỏi vào từng góc nhỏ của cuộc sống. Ở Việt Nam, cứ sản phẩm nào có thương hiệu thì lập tức là bị làm giả. Điều đáng lo ngại là hầu hết các mặt hàng giả là thực phẩm, hàng hoá tiêu dùng, thuốc men ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và sinh mệnh của người dân.
Luật chưa sát thực tế
Theo ông Nguyễn Hồng Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội: “Hàng giả hiện diễn biến rất phức tạp bởi pháp luật Việt Nam còn thiếu đồng bộ. Có những chế tài còn chưa đủ nặng để răn đe, nhưng cũng có một số chế tài xử lý vi phạm hàng giả quá nặng và chưa phù hợp dẫn đến khó thực hiện. Ví dụ như giả mạo nhãn hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ đối với một số lĩnh vực trong công nghiệp, chẳng hạn như điện thoại di động là hàng xuất từ Trung Quốc nhưng nhái nhãn mác của Vetu, Nokia. Giá trị thực của hàng chính hãng rất lớn nên nếu chiếu theo Nghị định 106 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thì mức phạt rất cao, gấp 4 - 5 lần giá trị của hàng hóa vi phạm. Điều này khiến quá trình thực thi sẽ rất khó khăn. Vì thế, theo tôi các chế tài cần phải được nghiên cứu hết sức cụ thể và sát thực tế, làm sao vừa hợp tình, hợp lý để người vi phạm khi bị phạt cũng có thể sửa sai còn cơ quan chức năng khi xử lý cũng có thể thực thi được”.
Ông Phí Ngọc Trung, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Trung Thành cho rằng: “Chúng tôi mong muốn đóng góp tiếng nói, ý tưởng của mình cho cơ quan quản lý Nhà nước có giải pháp hữu ích, chính sách phù hợp hơn trong việc bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả. Theo tôi, hình thức xử lý đối với vi phạm còn quá nhẹ, bản thân hệ thống văn bản, chính sách để xử lý các hành vi đó chưa đồng bộ, chưa thống nhất giữa các cơ quan với nhau nên dẫn đến việc chồng chéo. Quá nhiều cơ quan có thẩm quyền chống hàng giả hàng nhái nhưng không ai thực hiện một cách triệt để. Cần có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là 2 lực lượng nòng cốt là công an và quản lý thị trường”.
Ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Phan Thị thì khẳng định: “Hiện tại, Luật Sở hữu trí tuệ chủ yếu được xử lý bằng dân sự nên vẫn còn chưa đủ mạnh, nếu muốn luật đi vào thực tế thì chế tài xử lý hàng giả không nên dừng lại ở mức độ dân sự mà cần mạnh hơn để đủ sức răn đe”./.