Doanh nghiệp Bình Dương xây nhà trẻ cho con em công nhân

VOV.VN - Bình Dương hiện có hơn 30 khu, cụm công nghiệp thu hút khoảng 1,2 triệu lao động, trong đó hơn 60% là lao động nhập cư.

Con đến trường, cha mẹ vào nhà xưởng

Do không có người chăm sóc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản nên chị Nguyễn Thị Nga, quê Nghệ An xin nghỉ hẳn để ở nhà chăm con. Khi con được hơn 2 tuổi, chị bắt đầu đi tìm nhà trẻ gửi bé để đi làm nhưng không yên tâm vì chỗ thì quá xa khu công nghiệp, nơi thì cơ sở vật chất không đảm bảo. Đến khi được bạn bè giới thiệu tại Công ty TNHH Chí Hùng ở thị xã Tân Uyên đang tuyển lao động và có nhà trẻ cho con công nhân, chị đã đến tìm hiểu và yên tâm với môi trường học tập ở đây.

Chị Nguyễn Thị Nga tâm sự, công ty hỗ trợ nên công nhân không phải đóng tiền học cho con mà chỉ đóng tiền ăn hàng tháng. Hôm nào tăng ca, chị không phải lo vì giờ giấc giữ trẻ của trường rất linh hoạt. 

“Mình đến công ty làm bên cạnh có trường mầm non nên tôi rất yên tâm. Con ốm, con đau cô giáo gọi điện mình có thể qua thăm nom. Mình đi làm cũng thuận đường đưa con đi học. Chế độ ăn uống được nhà trường, cô giáo quan tâm sạch sẽ, dinh dưỡng đầy đủ”- chị Nga nói. 

Được thành lập hơn 10 năm, trường mầm non của Công ty TNHH Hài Mỹ ở thành phố Thuận An là địa chỉ tin cậy của công nhân. Mỗi năm, trường đón khoảng 250 - 300 trẻ từ 3 đến 5 tuổi theo học. Để xây được trường, ban giám đốc công ty đã nỗ lực rất nhiều, từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất đến việc lên phương án xây dựng, tuyển giáo viên. Hiện, trường có 14 giáo viên và 2 bảo mẫu, bộ máy hoạt động và giáo trình học tập theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo ông Hoàng Thu Minh, Giám đốc bộ phận hành chính Công ty TNHH Hài Mỹ, có thời điểm rất nhiều công nhân đăng ký gửi con nhưng trường chỉ duy trì 10 lớp. Để tạo sự công bằng cho người lao động nên công ty ưu tiên người có thâm niên. Mức thu học phí của trường chỉ bằng 65% so với các cơ sở khác, chủ yếu để lo ăn uống cho các bé. 

"Trường hoạt động chủ yếu phục vụ cho công nhân nên nhận dạy trẻ từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần, kể cả thời gian tăng ca. Một ngày các bé được ăn 3 bữa và ăn xế. Trường này không sinh ra lợi nhuận vì mức thu thấp, chất lượng ăn uống cao, đảm bảo… nên hàng tháng công ty phải hỗ trợ kinh phí duy trì cơ sở vật chất, tiền bồi dưỡng cho giáo viên”- ông Hoàng Thu Minh cho biết. 

Nên có sự liên kết trong xây dựng trường mầm non

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, hiện nay rất nhiều công nhân có con trong đội tuổi mầm non. Do thiếu trường, lớp nên nhiều công nhân phải gửi con tại các nhóm, lớp tư thục chưa được cấp phép. Nơi đây không gian sinh hoạt rất hạn chế, người trông trẻ không được đào tạo kỹ năng giáo dục dẫn đến việc một số cháu bị bạo hành. Nhiều chủ trọ cũng nhận trông trẻ với mức phí thấp hơn nhưng các cháu ở đây chỉ ăn và ngủ, không được trang bị kiến thức cần thiết cho độ tuổi của mình. Con em gửi ở môi trường học tập không đảm bảo khiến cho công nhân lao động lo lắng nhưng ngậm ngùi chấp nhận vì điều kiện kinh tế khó khăn.

Trước mong muốn của công nhân, 11 doanh nghiệp ở Bình Dương đã xây dựng nhà trẻ cho con công nhân mình. Điển hình như Công ty TNHH Shyang Hung Cheng, Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam, Tổng Công ty Sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương… Qua khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, có nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu mở rộng nhà trẻ, xây mới nhưng khó khăn về quỹ đất, về chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất xây nhà xưởng sang đất xây trường.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương, Ủy viên Ủy ban xã hội của Quốc hội cho biết, doanh nghiệp xây trường mầm non sẽ giúp công nhân yên tâm lao động sản xuất. Với doanh nghiệp đây là cách "giữ chân" người lao động. Tuy nhiên, hiện nay cái khó vẫn là quỹ đất và vốn đầu tư. Liên đoàn lao động đã ghi nhận, kiến nghị với UBND tỉnh trong quá trình thành lập các khu công nghiệp nên bố trí quỹ đất để xây trường hoặc có chính sách mời gọi doanh nghiệp cùng Nhà nước đầu tư. 

“Địa phương có được quỹ đất ở đâu thì vận động doanh nghiệp hợp tác, cùng xây dựng các ngôi trường gần theo hình thức xã hội hóa để dành cho con em công nhân. Để trong doanh nghiệp, hay có cơ chế riêng xây dựng nhà trẻ ở các doanh nghiệp rất khó vì mang tính quy hoạch tổng thể chung”- bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết. 

Hiện nay, một số doanh nghiệp ở Bình Dương do không có điều kiện xây trường học cho con em công nhân nhưng doanh nghiệp đã có những chính sách riêng hỗ trợ một phần chi phí cho người lao động gửi con với mức hỗ trợ từ 50.000 -200.000 đồng/trẻ/tháng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cần chú trọng đến việc xây nhà trẻ, trường học trong các khu công nghiệp, khu chế xuất
Cần chú trọng đến việc xây nhà trẻ, trường học trong các khu công nghiệp, khu chế xuất

VOV.VN - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề nhà ở cho công nhân; xây nhà trẻ, trường học trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, để các công nhân yên tâm làm việc và cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Cần chú trọng đến việc xây nhà trẻ, trường học trong các khu công nghiệp, khu chế xuất

Cần chú trọng đến việc xây nhà trẻ, trường học trong các khu công nghiệp, khu chế xuất

VOV.VN - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề nhà ở cho công nhân; xây nhà trẻ, trường học trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, để các công nhân yên tâm làm việc và cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Dự án xây nhà trẻ 18 năm 3 lần điều chỉnh quy hoạch vẫn trên giấy
Dự án xây nhà trẻ 18 năm 3 lần điều chỉnh quy hoạch vẫn trên giấy

VOV.VN - Dự án xây trường mầm non tại lô đất NT thuộc Dự án Khu nhà ở bán Xuân Đỉnh qua 18 năm, 3 lần điều chỉnh quy hoạch không được cư dân đồng thuận

Dự án xây nhà trẻ 18 năm 3 lần điều chỉnh quy hoạch vẫn trên giấy

Dự án xây nhà trẻ 18 năm 3 lần điều chỉnh quy hoạch vẫn trên giấy

VOV.VN - Dự án xây trường mầm non tại lô đất NT thuộc Dự án Khu nhà ở bán Xuân Đỉnh qua 18 năm, 3 lần điều chỉnh quy hoạch không được cư dân đồng thuận

Xây dựng nhà ở, nhà trẻ cho con công nhân là cần thiết và cấp bách
Xây dựng nhà ở, nhà trẻ cho con công nhân là cần thiết và cấp bách

VOV.VN -Chưa có nhà ở, nhà trẻ, cuộc sống của CNLĐ tại các KCX, KCN còn nhiều khó khăn. Việc đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ và các thiết chế văn hóa là cần thiết và cấp bách.

Xây dựng nhà ở, nhà trẻ cho con công nhân là cần thiết và cấp bách

Xây dựng nhà ở, nhà trẻ cho con công nhân là cần thiết và cấp bách

VOV.VN -Chưa có nhà ở, nhà trẻ, cuộc sống của CNLĐ tại các KCX, KCN còn nhiều khó khăn. Việc đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ và các thiết chế văn hóa là cần thiết và cấp bách.