Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
VOV.VN - Để thực hiện được mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trước hết cần đổi mới chương trình đào tạo
Dự thảo Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” đặt mục tiêu, đến năm 2020, cả nước đào tạo khoảng 3,2 triệu người có trình độ cao đẳng, trung cấp và đào tạo thường xuyên cho khoảng 8,8 triệu người, hình thành khoảng 70 trường chất lượng cao, 150 nghề trọng điểm, phát triển các trường đặc thù, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo và vùng đồng bào dân tộc…
Nâng cao chất lượng dạy nghề gắn với thị trường lao động.
Thực hiện chiến lược dạy nghề giai đoạn 2011-2020, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường mối quan hệ giữa các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực.
Bộ cũng sẽ tập trung vào các giải pháp như đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, tiếp tục triển khai đào tạo thí điểm 12 nghề đã chuyển giao bộ chương trình cấp độ quốc tế.
Theo ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, từ ngày 1/1/2017, Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đây cũng là một thách thức trong việc thống nhất giải pháp xử lý các vấn đề chuyển tiếp tuyển sinh, kiểm định chất lượng…
Ông Trương Anh Dũng cũng cho rằng, để thực hiện được mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trước hết cần đổi mới chương trình đào tạo: “Về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp thì chúng ta đã làm và đang làm, đó là một quá trình. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới và yêu cầu mới về việc triển khai đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, một trong 3 đột phá để phát triển đất nước trong thời gian tới thì cần thiết phải có những đổi mới".
"Chính phủ đã quyết định có Đề án, đó là chuyển giao chương trình của nước ngoài để chúng ta đào tạo theo chương trình của nước ngoài và cấp bằng của nước ngoài. Để đảm bảo điều kiện thì Bộ và Tổng cục cũng đã tổ chức đưa giáo viên đi đào tạo ở nước ngoài, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn lực để đảm bảo chất lượng đào tạo”, ông Dũng nói.
Hiện cả nước có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong giai đoạn 2011-2015, đã tuyển sinh và dạy nghề cho khoảng 11,9 triệu người, đạt 74% so với kế hoạch, trong đó, trình độ trung cấp, cao đẳng đạt 55% kế hoạch; trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng đạt 107% kế hoạch./. Giáo dục dạy nghề nên để Bộ nào quản lý?